Suối Hội Phú:

Điểm nhấn kiến trúc của Pleiku

0:00 / 0:00
0:00
Khu đô thị bên cạnh suối Hội Phú
Khu đô thị bên cạnh suối Hội Phú
TP - Pleiku có nét rất riêng với nhiều dòng suối chảy trong đô thị. Trong đó suối Hội Phú là điểm nhấn của Gia Lai, được quy hoạch là dòng sông giữa lòng thành phố.

Dòng sông nhân tạo trong thành phố

Gia Lai có nhiều con suối uốn lượn trong thành phố, trải qua quá trình kiến tạo địa chất đã tạo nên những không gian hiếm nơi nào có được. Trước đó, để quy hoạch thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai đã mời các kiến trúc sư người Pháp sang tư vấn. Đồ án quy hoạch chung mà Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành thông qua ý tưởng của các kiến trúc sư Pháp là phát triển thành phố với các không gian xanh, mặt nước. Với tầm nhìn này, suối Hội Phú được chọn làm bộ khung quy hoạch, tạo dòng sông giữa lòng thành phố, đưa Pleiku xứng tầm đô thị trong khu vực Tây Nguyên.

Suối Hội Phú có tổng chiều dài theo quy hoạch 8 km, đi qua các phường: Hội Phú, Ia Kring, Hội Thương, Phù Đổng và Hoa Lư. Vào năm 2013, Gia Lai chính thức chia ra 3 giai đoạn để đầu tư cải tạo, đưa suối Hội Phú trở thành cảnh quan của Pleiku. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Pleiku, suối Hội Phú được chỉnh trang sẽ tạo đà phát triển du lịch, kinh tế xã hội cho Gia Lai. Đây còn là công trình thoát nước, chống ngập cho cả thành phố.

Với tầm nhìn xa của lãnh đạo tỉnh, suối Hội Phú mang trên mình tầm vóc khá lớn. Sau khi hoàn thành các giai đoạn cải tạo 1, 2, 3 suối Hội Phú sẽ trở thành các hồ chứa nước liên hoàn bậc thang. Các đập chắn nước này tự chảy, trở thành một dòng sông nhân tạo trong lòng thành phố.

Thay đổi bộ mặt Pleiku

Anh Phạm Văn Nhân (48 tuổi) nhà ở đường Sư Vạn Hạnh, TP Pleiku, cho biết 7-8 năm về trước, suối Hội Phú còn cỏ dại, vấn nạn ô nhiễm khiến người dân lo âu. “Giờ đây, suối Hội Phú được đưa vào cải tạo, chỉnh trang, chính quyền xây dựng hai con đường hai bên suối, nhìn như phố đi bộ. Bộ mặt thành phố thay đổi hẳn, người dân rất hài lòng”, anh Nhân hào hứng.

Chị Nguyễn Thị Phương (trú TP.Pleiku) phấn khởi tiếp lời, từ ngày suối Hội Phú được cải tạo một phần, cả một khu phố ẩm thực về đêm xuất hiện ở dọc hai bên bờ kè con suối. Khách phương xa đến Pleiku là tìm đến các nhà hàng ở đây để ăn uống. Quán cà phê, khách sạn theo đó cũng mọc lên rất nhiều. Người dân hưởng lợi lớn từ suối Hội Phú này. “Ô nhiễm không còn, ngập úng không còn. Suối Hội Phú được chỉnh trang, giá đất ở đây tăng lên, không chỉ người dân mà chính quyền cũng được hưởng lợi”, chị Phương nhận xét.

Người dân thành phố Pleiku cảm thấy rất hài lòng khi “dòng sông nhân tạo” - suối Hội Phú dần hình thành. Với nhiều lợi ích mang lại, chính quyền đang đẩy nhanh tiến độ các giai đoạn cải tạo con suối. Trong đó, giai đoạn 2 sắp sửa hoàn thành; giai đoạn 3 thực hiện theo hướng xã hội hóa. Theo đó, UBND tỉnh Gia Lai đã ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển doanh nghiệp để xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở đô thị, nhà ở xã hội, công viên...; Giai đoạn 1 sẽ triển khai trong giai đoạn đầu tư công 2021-2025.

Ông Nguyễn Hữu Quế, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Gia Lai (nguyên Chủ tịch TP Pleiku) cho biết: “Suối Hội Phú ngoài tạo trục cảnh quan cho thành phố, còn có vai trò xử lý ngập và thoát nước trong đô thị. Công trình này là điểm nhấn kiến trúc của Pleiku”.

Thành phố Pleiku là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Gia Lai. Thành phố nằm trên trục giao thông giữa quốc lộ 14, quốc lộ 19 nối thông suốt cả nước, gần ngã ba Đông Dương, nằm trên cung đường Hồ Chí Minh và trong vùng tam giác tăng trưởng các tỉnh lân cận, cũng như các quốc gia láng giềng Campuchia, Lào. Và suối Hội Phú chính là con sông giữa lòng thành phố, là cấu trúc quy hoạch chính của tỉnh Gia Lai.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.