Cựu ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders là hai cái tên đang nỗ lực giành vé để trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ. Dù từng để thua sát nút Tổng thống Barack Obama trong cuộc chạy đua năm 2007 nhưng hiện tại, bà Clinton là gương mặt sáng giá nhất của đảng Dân chủ, New York Times đưa tin.
Hillary Clinton
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Ảnh: NYtimes
Hillary Rodham Clinton là một trong những cái tên nổi danh bậc nhất ở Mỹ trong hơn 2 thập niên qua. Bà từng là đệ nhất phu nhân nước Mỹ khi ông Bill Clinton đảm trách cương vị tổng thống trong 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Barack Obama, bà Clinton đảm trách cương vị ngoại trưởng Mỹ với những chuyến công du khắp thế giới diễn ra liên tiếp.
Trong cương lĩnh tranh cử, bà Clinton giúp cử tri kỳ vọng vào một nước Mỹ tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai. Trên cương vị một người bà, người mẹ, bà Clinton đang nỗ lực thuyết phục cử tri rằng bà là người phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng thu nhập hay giải quyết khó khăn cho tầng lớp trung lưu. Thông điệp kinh tế của bà nhấn mạnh tới mức lương tốt hơn thu nhập tối thiểu đồng thời giảm giá các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho gia đình.
Nếu bà Clinton trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, chắc chắn phe Cộng hòa sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn vì sự ủng hộ mạnh mẽ từ tầng lớp phụ nữ lao động. Ngoài ra, cựu ngoại trưởng Mỹ còn quyên góp được số tiền khổng lồ cho quỹ tranh cử, tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà giành phiếu trước các đối thủ.
Tuy nhiên, bất lợi mà bà Clinton phải đối mặt chính là thất bại trong quá khứ. Trong cuộc chạy đua năm 2007, bà Clinton từng nắm giữ vị thế thuận lợi nhưng vẫn bị ông Obama đánh bại trong cuộc đua nội bộ đảng Dân chủ. Nó khiến cử tri đặt ra nhiều câu hỏi xung quanh bà Clinton, trong đó có việc bà giành được sự ủng hộ mà người trẻ và những người da màu đã dành cho ông Obama hay Hillary Clinton có thể đại diện cho tương lai hơn là quá khứ?
Bernie Sanders
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders. Ảnh: NYtimes
Đối thủ duy nhất của bà Clinton hiện nay là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, người tự gọi mình là một nhà Chủ nghĩa xã hội Dân chủ (Democratic socialist). Ông tìm kiếm sự ủng hộ thông qua cam kết giải quyết bất bình đẳng kinh tế, trong đó có tiền công thấp, công đoàn hoạt động kém hiệu quả hay tiền nợ dành cho việc đi học tăng vọt.
Khi cuộc đua vào Nhà Trắng bắt đầu, ông Bernie Sanders bị bà Clinton bỏ rất xa, với tỷ lệ ủng hộ là 73% và 13%. Tuy nhiên, thăm dò cuối năm 2015 của Washington Post – ABC cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà Clinton giảm 40% trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Sanders tăng gấp đôi. Trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên ở bang Iowa, bà Clinton giành chiến thắng trước ông Sanders với số phiếu nhiều hơn không đáng kể.
Tuy nhiên, nếu giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Sanders sẽ trở thành người lớn tuổi nhất nhậm chức tổng thống Mỹ. Tính tới ngày 20/1/2017, ông Sanders đã bước sang tuổi 76.
Donald Trump
Ứng viên được ủng hộ mạnh mẽ nhất của đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: NYtimes
Tỷ phú bất động sản không chỉ là ứng viên gây bất ngờ nhiều nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng mà còn đang là người giành được sự ủng hộ lớn nhất của phe Cộng hòa bất chấp những phát ngôn gây tranh cãi trước công chúng. Khi mới bắt đầu tham gia cuộc đua quyền lực nhất nước Mỹ, người ta coi Trump là “gia vị lạ”. Tuy nhiên, sự ủng hộ mạnh mẽ mà các cử tri dành cho Trump khiến nhiều người không kịp trở tay.
Khi bắt đầu cuộc đua quyền lực nhất nước Mỹ, Jeb Bush được coi là ngôi sao sáng của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, việc đánh giá không đúng mức độ ảnh hưởng của Trump và không có những biện pháp đối phó hợp lý khiến con trai cựu tổng thống George H. W. Bush (Bush cha), em trai cựu tổng thống George W. Bush (Bush con) phải dừng cuộc đua khi bầu cử sơ bộ mới diễn ra ở 5 bang.
Thông điệp được Trump lặp đi lặp lại chính là “làm cho nước Mỹ vĩ đại thêm một lần nữa”. Dù đang nhận được rất nhiều sự ủng hộ nhưng các nhà phân tích vẫn cho rằng Trump khó có khả năng trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa và đảng Cộng hòa cần đối phó với sự nổi lên của Trump.
Ted Cruz
Thượng nghị sĩ Ted Cruz. Ảnh: NYtimes
Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz là người đầu tiên chính thức tuyên bố tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Ông tiếp tục gây tiếng vang khi đánh bại Donald Trump ở Iowa, bang đầu tiên tổ chức bầu cử sơ bộ. Tuy nhiên, để giành chiến thắng trong cuộc đua nội bộ đảng Cộng hòa, Ted Cruz cần được lòng số đông cử tri đang đầy bất mãn.
Cruz từng tuyên bố ông sẽ không cố gắng giành phiếu từ những cử tri trung lập mà tập trung vào nhóm cử tri bảo thủ, những người không bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử gần đây vì không có lựa chọn mà họ hài lòng. Dù không phải là người được ủng hộ nhiều nhất nhưng Cruz đang là ứng viên hợp lý nhất để đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua với ứng viên của đảng Dân chủ.
Marco Rubio
Thượng nghị sĩ Marco Rubio . Ảnh: NYtimes
Gây ấn tượng với những người ôn hòa nhưng vẫn đáp ứng được những người bảo thủ giúp Rubio được bầu vào Thượng viện Mỹ năm 2010. Chạy đua vị trí quyền lực nhất nước Mỹ, Rubio đề cao bản thân là một người phù hợp để tiếp bước các thế hệ bảo thủ và có thể đoàn kết đảng Cộng hòa. Ông cũng là một diễn giả lôi cuốn với những thông điệp lạc quan, hợp với kỳ vọng của những người trẻ cho một chính trị gia thế kỷ 21.
Tuy nhiên, những điều Rubio đang thể hiện đã được Tổng thống Barack Obama thực hiện từ gần 1 thập niên trước dù đội của Rubio luôn bác mọi sự so sánh. Không nóng bỏng như Ted Cruz hay lạnh lùng như Jeb Bush, Rubio cho thấy ông có thể đoàn kết các phe phái ngang ngược của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Rubio cần tạo ra đột phá trong các cuộc tranh luận để có cơ hội giành vé đại diện cho đảng Cộng hòa.
Ben Carson
Bác sĩ giải phẫu thần kinh Ben Carson. Ảnh: NYtimes
Cựu bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh là một trong số 17 ứng viên tham dự cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, Carson không tạo ra nhiều dấu ấn. Ông cũng chưa thể một lần giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ ở những bang đầu tiên của đảng Cộng hòa. Hiện tại, cơ hội giành phiếu duy nhất của Carson chính là những cử tri bảo thủ muốn thay đổi hình ảnh lãnh đạo của Washington.
Là bác sĩ, chính sách tranh cử của Carson đề cập nhiều tới các vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe. Đối với văn hóa và chính sách đối ngoại, Carson cho thấy mình là một người bảo thủ truyền thống. Tuy nhiên, ông Carson khó có thể đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc đua vị trí quyền lực nhất nước Mỹ vì thiếu hấp dẫn và không nổi bật trước đối thủ.
John Kasich
Thống đốc bang Ohio John R. Kasich . Ảnh: AP
Thống đốc bang Ohio John R. Kasich bước vào cuộc đua tổng thống Mỹ với quan điểm hơi có chút bảo thủ. Ông được đánh giá là người có phong cách thẳng thắn và kinh nghiệm quản lý. Việc đảm trách cương vị thống đốc Ohio giúp Kasich có nhiều nhà tài trợ. Tuy nhiên, phong cách chung của Kasich không phản ánh được cách hành động của đảng Cộng hòa dưới kỷ nguyên Obama.