Diêm Liên Khoa: Không chinh phục thị trường sách Việt

Nhà văn lớn Trung Quốc trong vòng vây độc giả Việt
Nhà văn lớn Trung Quốc trong vòng vây độc giả Việt
TP - Ở tuổi 61, nhà văn hàng đầu của văn học Trung Quốc đương đại nhận mình đã già. Diêm Liên Khoa không có nhu cầu “xê dịch”. Lần đầu tiên ông đến Hà Nội dự tọa đàm khám phá tiểu thuyết.   

Nhà văn đoạt giải thưởng văn học Franz Kafka vừa có một cuốn tiểu thuyết quan trọng trong sự nghiệp sáng tác ra mắt tại Việt Nam: Đinh Trang mộng. Nhưng ông đến Việt Nam không nhằm mục đích quảng bá cho Đinh Trang mộng hay các tác phẩm khác đã xuất bản tại nước Việt. Điểm dừng chân đầu tiên của Diêm Liên Khoa cũng không phải Hội Nhà văn Việt Nam mà chính là Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Đây cũng là nơi công tác của tiến sỹ, dịch giả Minh Thương, người đang giữ vai trò cầu nối đưa tác phẩm của Diêm Liên Khoa về Việt Nam. 

Độc giả Việt Nam chủ yếu biết đến Diêm Liên Khoa như một gương mặt đại diện của văn học Trung Quốc đương đại, song ông còn có nghề khác: Nghề dạy học. Ông là giáo sư dạy ở Đại học Nhân dân Trung Quốc, Đại học Khoa Kỹ HongKong. Chính nhờ thu nhập từ nghề dạy học nên ông có một cuộc sống “không hề tệ”, chuyên tâm vào công việc sáng tác. 

Diêm Liên Khoa: Không chinh phục thị trường sách Việt ảnh 1 Diêm Liên Khoa cần mẫn ký tặng sách tại Hà Nội, ngày 5/4
Mong độc giả hiểu sáng tác của mình

Trong vai trò khách mời, Diêm Liên Khoa  vừa tham dự buổi tọa đàm “Khám phá tiểu thuyết”, cùng Vương Nghiêu, Giáo sư  Đại học Tô Châu, chuyên gia đầu ngành về văn học Trung Quốc đương đại, cũng là một người anh em tốt của nhà văn ngoài đời. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của không ít tên tuổi trong làng văn chương Việt. Diêm Liên Khoa trả lời tất cả những câu hỏi dành cho ông, ngay cả những câu hỏi ít nhiều gây tự ái nghề nghiệp, như một số câu hỏi về giải Nobel văn học trong mối quan hệ với nhà văn. Bằng thái độ điềm đạm, bằng vốn hiểu biết uyên thâm và cả cá tính riêng mạnh mẽ, Diêm Liên Khoa đã giải đáp mỗi câu hỏi khó trong tiếng vỗ tay rần rần. 

Nhân tác phẩm lớn của ông Đinh Trang mộng vừa ra mắt, chúng tôi đặt câu hỏi: “Ông có định chinh phục thị trường sách Việt hay chỉ coi đây như cuộc dạo chơi?”. Diêm Liên Khoa thẳng thắn: “Tôi không có ý định chinh phục thị trường sách nhưng với tư cách là một nhà văn, tôi có khát vọng độc giả hiểu được tiểu thuyết của mình. Cho nên chúng ta có thể ngồi đây để bàn luận về tiểu thuyết, nó còn quan trọng hơn, có giá trị hơn nhiều việc cuốn tiểu thuyết ấy bán được bao nhiêu bản”. Cũng tại buổi tọa đàm, Diêm Liên Khoa tiếp tục dành lời ngợi ca cho tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Ông đánh giá đây là tác phẩm “vĩ đại”. 

Diêm Liên Khoa: Không chinh phục thị trường sách Việt ảnh 2 Tác phẩm của Diêm Liên Khoa vừa ra mắt ở Việt Nam. Ảnh: N.H.D
Không có chuyện nhà văn ngồi tù

Một nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc có mặt tại buổi tọa đàm tiết lộ: Diêm Liên Khoa đọc văn học thế giới rất nhiều. Số lượng sách mà ông đọc vượt qua số lượng sách một nhà văn thông thường đọc, thậm chí vượt lên trên nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Diêm Liên Khoa được đánh giá là một trong những nhà văn có “tính quốc tế nhất” ở Trung Quốc. Lắng nghe những lời ca ngợi  mình, Diêm Liên Khoa tiếp nhận bình thản,  không biểu hiện một cảm xúc đặc biệt nào trên gương mặt. Gần như suốt buổi ông đưa tay chống cằm hoặc dùng bàn tay che miệng, lặng yên nghe, chỉ trả lời những câu hỏi được đặt ra cho mình.

Nhà nghiên cứu Vương Nghiêu hài hước vẽ chân dung Diêm Liên Khoa: “Các nhà văn Trung Quốc tính cách thường không được bình thường lắm. Diêm Liên Khoa vì bình thường mà thể hiện ra không bình thường”. Vốn coi nhau như huynh đệ ngoài đời, nên Vương Nghiêu “mách tội” Diêm Liên Khoa: “Một trong những tính tệ của ông là ông phê bình tiếng phổ thông của tôi không tốt, làm cho tôi cảm thấy rất là tổn thương”. Tuy nhiên, ông vẫn khuyên đông đảo nữ sinh có mặt trong buổi tọa đàm: Nếu chọn người yêu, hãy chọn người như… Diêm Liên Khoa. Bởi: “Diêm Liên Khoa là người Trung Nguyên, kết tinh phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa chúng tôi, dịu dàng, ôn hòa, nhân hậu, đồng cảm với mọi người cùng tinh thần trách nhiệm lớn”.

Nhà nghiên cứu cũng kể một kỷ niệm chứng tỏ tình huynh đệ giữa hai người: “Diêm Liên Khoa từng nói với tôi: Nếu ông phải đi tù tất cả những tác phẩm của ông, những bài luận của ông… sẽ ủy thác cho tôi. Ủy thác của ông khiến cho tôi thấy trách nhiệm của mình thật là lớn lao. Sau đó, lo âu của tôi cũng được giải tỏa, cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì đất nước của chúng tôi đã mở cửa cho nên không có chuyện nhà văn ngồi tù được. Điều đó đem lại cho chúng tôi hoàn cảnh rất an toàn”.

Tưởng tượng vượt xa kinh nghiệm 

Nhắc đến Diêm Liên Khoa, độc giả Việt hay tò mò tới vấn đề sex trong văn chương, được ông sử dụng mạnh bạo. Trong một phỏng vấn riêng với Diêm Liên Khoa, ông chia sẻ: Sex là “hòn đá thử vàng cho sự thành công của một nhà văn, quá độ thì tràn lan, cạn nông thì thiếu sót, mức độ tương đối khó nắm bắt”. Ông khẳng định, riêng đề tài sex, ông không vì độc giả thích mà phóng túng quá độ, cũng không vì độc giả không thích mà cố gắng kiềm chế: “Kiềm chế hay bung phá, không do điều kiện bên ngoài quyết định, mà do nhu cầu tác phẩm và cảm xúc nội tâm của tôi”. Ông viết sex bằng tưởng tượng: “Đương nhiên tưởng tượng vượt xa kinh nghiệm. Không chỉ sex, bất cứ phương diện nào của văn học, theo tôi, tưởng tượng quan trọng hơn nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Còn nói tưởng tượng không thể tách rời trải nghiệm, thì đó lại là một vấn đề khác”.

Nhà văn Diêm Liên Khoa (SN 1958), được mệnh danh là đại sư của chủ nghĩa hiện thực hoang đường, là tác giả của nhiều tiểu thuyết gây tranh luận như: Kiên ngạnh như thủy, Đinh Trang mộng, Phong nhã tụng, Tứ thư...

Đinh Trang mộng xuất bản năm 2005, là tiểu thuyết đầu tiên của Trung Quốc về chủ đề AIDS; được Tuần San Á Châu chọn là một trong mười cuốn sách Hoa ngữ toàn cầu năm 2005, giải thưởng bạn đọc Đài Loan, giải tác phẩm văn học dịch hay nhất của Nhật Bản năm 2007, lọt vào danh sách đề cử giải thưởng văn học châu Á năm 2011.

MỚI - NÓNG