Điểm kỳ lạ trên mặt nạ vàng của xác ướp vua Ai Cập

Chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng đặt trên mặt xác ướp vua Tutankhamun. Ảnh: Ancient Origins.
Chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng đặt trên mặt xác ướp vua Tutankhamun. Ảnh: Ancient Origins.
Phân tích mới nhất về chiếc mặt nạ vàng đặt trên mặt pharaoh lừng danh Tutankhamun cho thấy có thể nó được làm cho một phụ nữ chứ không phải nam giới.

Theo Ahram Online, trong buổi họp báo hôm 1/10 tại Cairo, Ai Cập, nhà khảo cổ học Nicholas Reeves tuyên bố chiếc mặt nạ vàng trên xác ướp vua Tutankhamun ban đầu được làm cho mẹ kế.

Vua Tutankhamun qua đời năm 1323 trước Công nguyên. Lăng mộ còn nguyên vẹn của ông được Howard Carter, nhà khảo cổ học người Anh, phát hiện ở Thung lũng các vị vua năm 1922, với chiếc mặt nạ vàng nổi tiếng trên mặt.

Reeves hồi tháng 8 tuyên bố nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng Nefertiti, mẹ kế của vua Tutankhamun, ẩn sau lối vào bí mật nằm trong lăng mộ của Tutankhamun. Ông cho rằng phân tích mới về chiếc mặt nạ góp phần chứng minh giả thuyết đó của ông.

Ông nhận thấy mặt trước và mặt sau tấm mặt nạ không thực sự khớp nhau. Ngoài ra, chúng được làm từ loại vàng khác nhau. Phần khảm trên mặt nạ cũng có sự khác biệt, con mắt được làm từ ngọc lapis màu xanh dương đậm, trong khi những phần màu xanh khác lại làm bằng thủy tinh. 

"Chiếc mặt nạ rất bất thường", Reeves nói. Ngoài ra, phần dái tai mặt nạ được đục lỗ, dùng để xỏ khuyên.

"Chưa từng có hình ảnh nào về một vị vua Ai Cập cổ đeo khuyên tai", Reeves nói, rõ ràng đây là bằng chứng cho thấy, tấm mặt nạ dành cho phụ nữ, không phải nam giới. Ngoài ra, lỗ tai vua Tutankhamun không có dấu vết xỏ khuyên.

"Xem kỹ lại chiếc mặt nạ, tôi phát hiện những dòng chữ khắc trên đó đã bị thay đổi, có nghĩa là tất cả những kho báu được tìm thấy trong lăng mộ Tutankhamun ban đầu được làm cho Nefertiti với tư cách là người đồng nhiếp chính với chồng - vua Akhenaten, chứ không phải cho Tutankhamun như chúng ta từng nghĩ".

Reeves và đồng nghiệp sẽ dùng radar và công nghệ ảnh nhiệt để quét ngôi mộ, tìm sự khác nhau giữa móng ngôi mộ và các bức tường nhân tạo. Việc quét mất khoảng một tháng, và cho đến cuối tháng 10, các nhà khảo cổ học mới biết được có hay không căn phòng bí mật dẫn đến mộ nữ hoàng Nefertiti.

Điểm kỳ lạ trên mặt nạ vàng của xác ướp vua Ai Cập ảnh 1

Sơ đồ vị trí lăng mộ nữ hoàng Nefertiti và phòng lưu trữ bí mật trong hầm mộ pharaoh Tutankhamun theo phỏng đoán của tiến sĩ Reeves. Ảnh: Nicholas Reeves.

Nữ hoàng xinh đẹp Nefertiti  (1370 - 1340 trước Công nguyên) kết hôn với pharaoh Akhenaten. Sự nổi tiếng của bà với tư cách là nữ hoàng Ai Cập chỉ xếp sau nữ hoàng Cleopatra. Vị trí lăng mộ nữ hoàng Nefertiti là một trong những bí mật lớn nhất của ngành Ai Cập học.

"Nếu tìm thấy Nefertiti, tôi đánh giá phát hiện này còn quan trọng hơn cả sự kiện khám phá ra chính lăng mộ của Tutankhamun", Bộ trưởng Cổ vật Ai Cập Eladamaty nói. "Đây sẽ là phát hiện quan trọng nhất thế kỷ 21".

Tuy nhiên, Eladamaty không loại trừ khả năng có thể phát hiện mộ một người phụ nữ khác, vì vua Tutankhamun liên quan mật thiết với nhiều phụ nữ. Do đó, rất có thể ngôi mộ kia thuộc về một trong số họ.

"Nó có thể thuộc về một trong số chị em của nhà vua, hoặc là thân mẫu Kiyam hay Merit-Atun - vợ của vua Smenkare, người có xác ướp được khai quật ở khu vực ngay trước mộ vua Tutankhamun. Chúng ta hãy chờ xem kết quả là gì", Eladamaty nói.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.