Điểm học bạ cao đáng ngờ: Vẫn dùng xét tuyển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Điểm học bạ đẹp như mơ. Biết thành tích đó không thật nhưng các trường đại học (ĐH) đang sử dụng phương thức xét học bạ có dám dũng cảm từ chối?

Bộ GD&ĐT cho biết, hiện có 20 phương thức tuyển sinh cùng tồn tại, tuy nhiên hai phương thức chính giúp các trường tuyển nhiều chỉ tiêu nhất là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Có khoảng 250 trường ĐH, cao đẳng dùng điểm học bạ để xét tuyển, trong đó nhiều trường tuyển đến 50% bằng phương thức này.

Từ kết quả đối sánh điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ, Bộ GD&ĐT đánh giá mức chênh lớn ở một số môn cho thấy việc dạy học và kiểm tra, đánh giá trong trường phổ thông chưa tương đồng với thi tốt nghiệp. Như môn Lịch sử và Tiếng Anh còn hạn chế, quá trình kiểm tra, đánh giá các môn này có phần “thoáng” hơn.

Trong khi đó, nhiều giáo viên, học sinh dùng cụm từ “đẹp như mơ” để nói về điểm học bạ. Điểm chuẩn phương thức này ở một số trường cao vọt.

Bên cạnh một số trường cộng điểm ưu tiên khuyến khích theo đề án riêng dẫn đến tình trạng điểm trúng tuyển lên đến trên 30 điểm, ngay cả ở những trường cộng điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT, điểm chuẩn cũng ở mức không tưởng. Như dù chỉ cộng điểm trung bình ba năm THPT của tổ hợp 3 môn xét tuyển và điểm ưu tiên theo quy định của Bộ GD&ĐT (tối đa 2,75 điểm), có ngành của Trường ĐH Tài chính - Marketing có điểm chuẩn là 29 điểm; Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội 29,38 điểm; Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM 29,75 điểm; Trường ĐH Giao thông vận tải 28,37 điểm. Mức này đồng nghĩa nếu thí sinh ở khu vực 3, phải đạt khoảng 9,5-9,9 điểm trung bình mỗi môn trong tổ hợp xét tuyển.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nhìn nhận việc đánh giá, cho điểm học sinh tại nhiều trường THPT chưa chuẩn mực.

Điểm học bạ cao đáng ngờ: Vẫn dùng xét tuyển ảnh 1

Các trường đại học hiện ưu tiên phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Ảnh: Như Ý

Tuy vậy, dù nhận thấy điểm học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT có độ chênh nhất định nhưng nhiều trường cho rằng xét học bạ THPT vẫn là phương thức xét tuyển “đáng tin cậy”. Học viện Tài chính có thể nói là một trong những cơ sở đào tạo ĐH công lập sử dụng phương thức xét kết quả học bạ để xét tuyển sớm nhất ở khu vực phía Bắc.

Theo lãnh đạo Học viện, xét tuyển bằng học bạ vẫn là phương thức tốt bởi đánh giá quá trình rất dài, có độ tin cậy nhất định. Đây cũng là phương thức hiệu quả, tiết kiệm trong bối cảnh công nghệ số, cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phương thức xét tuyển bằng học bạ vẫn được nhiều trường sử dụng nhưng thời gian tới sẽ theo hướng xét tuyển kết hợp với các tiêu chí khác.

Hiện tại, các trường ĐH tốp đầu đang sử dụng phương thức kết hợp này như ĐH Bách khoa Hà Nội với phương thức xét tuyển tài năng, xét kết hợp kết quả học tập và phỏng vấn; Trường ĐH Ngoại thương xét học bạ đối với học sinh trường chuyên…

Đề xuất giải pháp

Tại Hội nghị Tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022 - 2023, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, chúng ta vẫn chưa trung thực trong giáo dục. Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, vấn đề mà Phó Thủ tướng đặt ra không mới.

Trước đây, vấn đề này được “ẩn” dưới cách nói là là chạy theo thành tích. Vì chạy theo thành tích nên mới không trung thực, mới ảo tưởng về chất lượng để thể hiện ra bên ngoài.

“Chạy theo thành tích không bằng thực chất năng lực nên phải ngụy tạo, ảo tưởng thành tích”, TS Nghĩa nhận định. Ông cho rằng sở dĩ phải ngụy tạo ra thành tích vì nó mang lại những “đặc quyền, đặc lợi” cho giáo viên, học sinh, nhà trường… Ví dụ, giáo viên được dạy những lớp có thành tích tốt thì sẽ nhiều cơ hội trong công việc; học sinh có thành tích tốt có học bạ đẹp để xét tuyển vào các trường ĐH tốp cao.

“Đối với các trường ĐH, kết quả thi tốt nghiệp chỉ là tham khảo phải cộng thêm các giải pháp để đánh giá toàn diện người học. Các quy định của quy chế phải nghiêm minh, người vi phạm phải xử lý thật nặng thì mới làm gương được”, TS Nguyễn Đức Nghĩa - nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM

Để chống bệnh thành tích hay sự không trung thực trong giáo dục, TS Nghĩa cho rằng, phải có chuẩn đánh giá và có sự kiểm tra, giám sát những chuẩn này để hệ thống điểm kiểm tra học kỳ, môn học đúng thực chất. Cách đánh giá hiện nay chưa chuẩn nên mới có thể “vượt rào”, đưa ra kết quả không tương thích với thực tế.

Ông cũng khẳng định, sở dĩ các trường ĐH phải đưa ra một kỳ thi riêng một phần là do kết quả học tập học bạ không thực chất, xu hướng điểm càng ngày càng tăng. Kết quả của kỳ thi tốt nghiệp vẫn còn tin cậy nhưng do hai năm vừa qua bị dịch nên kết quả không ổn định nên các trường tổ chức kỳ thi riêng để chủ động hơn, kết quả tin cậy hơn để xét tuyển đầu vào. Nhưng nếu trường nào cũng có kỳ thi riêng thì lại trở thành tình trạng trước “3 chung”.

Vì vậy, TS Nghĩa cho rằng, việc có một cơ sở giáo dục ĐH đứng ra tổ chức kỳ thi riêng mang quy mô lớn sẽ hỗ trợ được các trường xét tuyển đầu vào tuyển sinh đáp ứng được yêu cầu đào tạo.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.