Điểm hẹn của những tấm lòng

TP - Nhiều năm qua, ngôi nhà của bà Phan Vũ Diễm Hằng (Hà Nội) và anh Phan Văn Đức (Quảng Nam) trở thành điểm hẹn của những tấm lòng nhân ái. Không phân biệt tuổi tác, vùng miền, tất cả cùng kết nối, lan tỏa yêu thương qua những hoạt động đầy ý nghĩa. 

“Ong chúa” Phan Vũ Diễm Hằng

 Từng là cán bộ tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đến năm 1996 bà Phan Vũ Diễm Hằng (ở Ba Đình, Hà Nội) nghỉ công tác và tham gia vào các chương trình, dự án phát triển cộng đồng của tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Năm 2010 bà Hằng nghỉ hưu, nhưng hình ảnh đồng bào ở miền núi còn đầy khó khăn, thiếu thốn đã luôn ám ảnh và thúc giục, không cho phép bà dừng bước. Ban đầu bà cùng một nhóm bạn chỉ tổ chức, kêu gọi quyên góp sách vở, quần áo, đồ dùng học tập cho các cháu nhỏ nơi vùng sâu vùng xa mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới.

Năm 2015, nhóm Ong Chăm ra đời, quy tụ được hàng trăm thành viên có độ tuổi từ 10 đến 90 tuổi với mục đích làm thiện nguyện, san sẻ những khó khăn với đồng bào miền núi. Đều đặn mỗi tháng một lần các thành viên trong nhóm lại mang những chiếc khăn, mũ len do mình tự đan đến nhà “ong chúa” Phan Vũ Diễm Hằng. Cùng với chăn đệm, sách vở, quần áo, những chuyến xe cứ thế lăn bánh đến từng bản làng, nơi vùng sâu vùng xa… chở theo cả yêu thương của hàng trăm chú “ong thợ” trong đại gia đình Ong Chăm.

 Bà Phan Vũ Diễm Hằng, Chủ nhiệm nhóm thiện nguyện Ong Chăm chia sẻ: “Chứng kiến nhiều đoàn từ thiện tặng quần áo ấm cho trẻ em vùng cao nhưng vô tình quên tặng mũ len, khăn quàng cổ cho các cháu. Vì thế chúng tôi quyết định làm ra những sản phẩm từ len, đặc biệt là mũ len đa năng vừa có thể sử dụng làm mũ, vừa có thể làm khăn quàng cổ nhằm tiếp sức các em đến trường”.

Điểm hẹn của những tấm lòng ảnh 1 Cụ Mỹ - mẹ của bà Phan Vũ Diễm Hằng đan khăn len tặng trẻ em vùng cao. - Ảnh: Đức Văn

 Suốt 5 năm qua, những chú “ong thợ” đã đan hơn 17.000 chiếc mũ len, quần áo ấm mang tặng trẻ em vùng cao và chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Không những vậy, “ong chúa” Phan Vũ Diễm Hằng cùng các thành viên trong câu lạc bộ đã vận động xây dựng 8 kí túc xá kiên cố tặng giáo viên và học sinh các tỉnh miền núi; nhận đỡ đầu và vận động đỡ đầu cho khoảng 360 trẻ mồ côi khắp các tỉnh thành Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Nghệ An,…; tặng 9.000 áo ấm đồng phục, chăn đệm cho học sinh tại các điểm trường nội trú.

 Chia sẻ về hoạt động tới đây của nhóm Ong Chăm, bà Phan Vũ Diễm Hằng cho hay, nhóm sẽ tiếp tục đan khăn và xây dựng thêm nhiều căn ký túc xá khang trang tặng thầy và trò miền sơn cước. “Tôi hi vọng rằng, mô hình Ong Chăm sẽ ngày càng lan tỏa và truyền cảm hứng đến nhiều người, đặc biệt là các bạn trẻ”, bà Hằng nói.

 Trong đợt rét đậm, rét hại đầu tiên đang diễn ra tại miền Bắc, nhóm Ong Chăm đã kịp gửi 30 bao quần áo ấm, hơn 1.200 mũ len đa năng và hơn 1.000 chăn ấm giúp đỡ nhân dân huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu).

Phiên chợ giao dịch bằng nụ cười

 Ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường, Phan Văn Đức (SN 1992, quê Quảng Nam) đã tích cực tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ và phát triển cộng đồng của Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên. Sau mỗi chuyến đi về các vùng sâu vùng xa, chứng kiến những mảnh đời bất hạnh đã luôn ám ảnh và thôi thúc Đức phải làm gì đó. Nói là làm, Đức cùng nhóm bạn thân bắt tay triển khai các hoạt động từ thiện nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Đến năm 2013, Câu lạc bộ thiện nguyện Phan Đức (CLB Phan Đức) ra đời với mục đích tình nguyện vì cộng đồng, vì an sinh xã hội.

Điểm hẹn của những tấm lòng ảnh 2 Phan Văn Đức đại diện CLB Thiện nguyện Phan Đức nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020. - Ảnh: Đức Văn

Từ khi thành lập đến nay, CLB Phan Đức luôn duy trì 70 thành viên, với nhiều ngành nghề, độ tuổi khác nhau. Họ cùng thực hiện nhiều phần việc ý nghĩa như xây dựng khu vui chơi cho trẻ em vùng núi Nam Trà My; cung cấp vật nuôi, cây giống cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người tỉnh Quảng Nam; cứu trợ đồng bào miền Trung trong trận bão, lũ lịch sử vừa qua…

Tuy nhiên theo Phan Văn Đức, điều khiến anh và các thành viên trong CLB luôn tự hào là thực hiện thành công dự án “Gian chợ không đồng”. Chỉ tính riêng năm 2020, CLB Phan Đức đã vận động được 6 tỷ đồng, tổ chức 6 phiên chợ miễn phí. Tuy là phiên chợ không đồng nhưng nó có đầy đủ các mặt hàng phong phú, đa dạng bao gồm: gạo, mắm, muối, dầu ăn, nước ngọt, mì ăn liền, xà phòng, mì chính, quần áo, giày dép… và cả khẩu trang, nước rửa tay.

 “Càng ý nghĩa hơn khi phiên chợ được tổ chức vào dịp cả nước đang chung tay phòng, chống đại dịch COVID - 19, kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân ở khu cách ly và cả những người bị mất việc làm do phải cách ly xã hội. Tại phiên chợ này cả người mua và người bán không sử dụng tiền mặt mà sẽ giao dịch với nhau bằng những nụ cười, sự đồng cảm và sẻ chia”, Đức chia sẻ.

 Để kịp thời hỗ trợ bà con trong đợt rét đầu mùa, những ngày này, CLB Phan Đức đang lên kế hoạch kêu gọi quyên tặng quần áo, chăn ấm và nhiều đồ gia dụng khác cho nhân dân vùng núi Nam Trà My và huyện Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam). Đây là hai địa phương vừa bị ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở đất và mưa lũ.

 Chia sẻ về những dự định của CLB Phan Đức trong thời gian tới, Phan Văn Đức cho biết, sang năm 2021 CLB sẽ thay đổi mô hình hoạt động. Theo đó, tập trung xây dựng điểm trường, khu vui chơi cho trẻ em và xây dựng các dự án tặng cây giống, vật nuôi cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời chuyển giao kỹ thuật thâm canh giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Nhóm thiện nguyện Ong Chăm và CLB Thiện nguyện Phan Đức là 2 trong 10 tập thể được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2020. Giải thưởng vinh danh các tập thể, cá nhân có cống hiến và đạt thành tích xuất sắc trong công tác tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

MỚI - NÓNG