Điểm danh 5 vũ khí kì quái thời Thế chiến II

TPO - Trong Thế chiến II, các nước lớn trên thế giới đua nhau đầu tư vào lĩnh vực quân sự và cho ra đời hàng loạt vũ khí mới. Tuy nhiên, trong số đó có không ít loại vũ khí được đánh giá là kỳ lạ, vô dụng, và hết sức điên rồ như…bom chó hay xe tăng tí hon.

1. Tên lửa UPs

Tên lửa UPs được quân đội Anh sử dụng như một biện pháp phòng không đặc biệt.

Để bào vệ tàu thuyền của Anh khỏi máy bay đối phương, các tên lửa UPs sẽ được bắn lên trời và phát nổ khi đạt đến độ cao hơn 300 mét. Khi nổ, tên lửa này giải phóng 400 quả mìn được buộc vào những chiếc dù tí hon, tạo nên một “trận địa” mìn trên không hòng vô hiệu hóa máy bay địch.

Điểm danh 5 vũ khí kì quái thời Thế chiến II ảnh 1

Lính hải quân Anh ôm tên lửa UPs.

Tuy nhiên, đây được coi là một phát minh ngớ ngẩn bởi phi công đối phương có thể dễ dàng nhìn thấy những quả mìn buộc dù này và bay tránh sang chỗ khác. Thậm chí, những quả mìn này còn có nguy cơ bị gió thổi… bay ngược trở về phía tàu Anh. Lịch sử chưa từng ghi nhận trường hợp máy bay quân sự nào bị rơi vì loại tên lửa UPs này.

2. Chó đánh bom tự sát

Năm 1942, bộ binh Đức quốc xã tiến hành xâm lược Liên Xô. Để đối phó, quân đội Nga quyết định biến những chú chó quân sự của họ trở thành mìn di động bằng cách buộc thuốc nổ quanh bụng chúng.

Điểm danh 5 vũ khí kì quái thời Thế chiến II ảnh 2

Nikita Karatsupa, chiến sĩ bảo vệ biên giới nổi tiếng nhất của Liên Xô, và con chó của mình, Ingus, năm 1936. Những con chó quân sự như Ingus được quân đội Nga biến thành những quả mìn di động.

Tuy nhiên phương pháp này lại không có hiệu quả. Bởi dù đã được huấn luyện cẩn thận nhưng hầu hết những con chó này không thể thực hiện tác vụ thành công trong hoàn cảnh hỗn loạn âm thanh ở chiến trường. Chúng thường chạy ngược lại về phía những người đã thả chúng ra hoặc bị bắn chết.

3. Súng khổng lồ Gustav

Háo hức xâm lược Pháp, Adolf Hitler đã yêu cầu quân đội của mình phải sáng chế một loại vũ khí mới có thể dễ dàng xuyên qua các công sự bê tông của Tuyến phòng thủ Maginot - rào cản vật lý duy nhất ngăn cản các nước Tây Âu tiếp cận Pháp.

Năm 1941 - một năm sau khi Pháp thất thủ, Đức quốc xã bắt đầu lắp ráp súng Gustav. Cây súng này có cấu tạo gồm 4 tầng, dài 47 mét, nặng 1350 tấn.

Điểm danh 5 vũ khí kì quái thời Thế chiến II ảnh 3

Súng khổng lồ Gustav

Thế nhưng, sau khi lắp ráp, quân đội Đức quốc xã mới nhận ra điểm yếu của súng Gustav chính là… nó quá to. Những khẩu súng khổng lồ này chỉ có thể được vận chuyển bằng hệ thống đường sắt và là một mục tiêu có thể dễ dàng nhìn thấy từ máy bay ném bom của quân Đồng minh. Dự án đã bị hủy bỏ ngay trong năm đó.

4. Pháo V-3

Vào năm 1944, pháo V-3 đã được quân đội Hitler thiết kế với khả năng bắn 300 viên đạn dài 2,7 mét trong mỗi giờ. Ngay sau khẩu pháo chính là hàng loạt thùng đạn dự phòng nằm trải dài trên 127 mét để tăng tốc độ lên đạn.

Tuy nhiên, khi được đưa ra bắn thử, pháo V-3 lại chỉ có thể bắn ra đạn với vận tốc khoảng 999 mét/giây, thấp hơn kì vọng của quân đội Đức quốc xã.

Điểm danh 5 vũ khí kì quái thời Thế chiến II ảnh 4

Pháo V-3 và hàng đạn dự trữ dài 127 mét.

Hitler đã cho phép sản xuất 50 cây pháo V-3, nhưng ngay khi vừa được đưa ra chiến trường, quân đội Đồng minh đã ném bom và phá hủy hàng loạt pháo V-3, bất chấp nỗ lực che giấu vũ khí dưới đống rơm khô của quân đội Đức.

5. Xe tăng mini Goliath

Goliath là một loại xe tăng mini của quân đội Đức quốc xã. Chiếc xe tăng này có thể chở theo 450 kg thuốc nổ và được điều khiển từ xa thông qua sợi dây cáp dài 653 mét cuộn trong thân xe.

Goliath được thiết kế nhỏ gọn để có thể trượt dưới gầm xe tăng của quân đội Đồng minh và phát nổ khi người điều khiển bấm nút từ xa.

Điểm danh 5 vũ khí kì quái thời Thế chiến II ảnh 5

Xe tăng mini Goliath

7500 chiếc xe tăng mini này đã được Đức quốc xã sản xuất trong Thế chiến II, tuy nhiên nó lại hoạt động không mấy hiệu quả bởi sợi dây cáp nối từ xe với điều khiển có thể dễ dàng bị cắt đứt.

Theo Theo Business Insider
MỚI - NÓNG