Dịch vụ vận chuyển nào được hoạt động ở TPHCM sau Chỉ thị đặc thù?

0:00 / 0:00
0:00
Dịch vụ vận chuyển nào được hoạt động ở TPHCM sau Chỉ thị đặc thù?
TPO - Người dân có thể lựa chọn các loại hình dịch vụ phù hợp như xe ôm, xe ôm công nghệ khi muốn di chuyển hoặc đặt mua hàng qua mạng, giao tận nhà… sau khi UBND TPHCM ban hành Chỉ thị số 10 tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng nhằm hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân.

Theo ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT), kể từ 0 giờ ngày 20/6 cho đến khi có thông báo mới, TPHCM tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ trên địa bàn bằng xe buýt, xe vận tải hành khách theo tuyến cố định liên tỉnh và xe trung chuyển, xe taxi (trừ các phương tiện được Sở GTVT công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết), xe hợp đồng dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách.

Các loại hình vận chuyển bằng phương tiện xe 2 bánh (xe ôm, xe ôm công nghệ…) không thuộc các đối tượng tạm ngưng. Phương thức sipper giao hành tận nhà bằng xe 2 bánh cũng không hạn chế.

Tuy nhiên, ông Trần Quang Lâm cho biết, các trường hợp được phép hoạt động phải đáp ứng theo đánh giá mức độ an toàn đối với hoạt động GTVT trong phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Dịch vụ vận chuyển nào được hoạt động ở TPHCM sau Chỉ thị đặc thù? ảnh 1

Xe ôm công nghệ được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch

Cụ thể, tất cả các chuyến xe hợp đồng (trừ dưới 9 chỗ sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách) và xe du lịch khi hoạt động đều phải đảm bảo vận chuyển tối đa không quá 50% sức chứa, không quá 10 người/chuyến (kể cả lái xe, nhân viên phục vụ trên xe).

Người ngồi trên xe buộc phải đeo khẩu trang đúng cách, ngồi xen kẽ, ngồi cách hàng ghế và bắt buộc phải khai báo y tế theo quy định. Trên xe phải có trang bị dung dịch khử khuẩn phục vụ hành khách và thực hiện việc khử khuẩn sau mỗi chuyến vận chuyển, hàng ngày. Hành khách không chấp hành theo quy định sẽ bị từ chối vận chuyển.

Các xe đưa đón công nhân, nhân viên và chuyên gia trước khi hoạt động phải khử khuẩn. Người ngồi trên xe phải đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, được kiểm tra y tế trước khi lên xe và khai báo y tế theo quy định. Các chuyến xe phải đảm bảo vận chuyển tối đa không quá 20 người/chuyến. Người trên xe ngồi xen kẽ và cách hàng ghế.

Người đứng đầu đơn vị phải quy định cụ thể và cố định tuyến, chuyến xe, người ngồi trên xe để đảm bảo công tác truy vết khi có xảy ra tình huống dịch bệnh COVID-19.

Xe taxi được Sở GTVT công bố hoạt động phục vụ vận chuyển người dân đi, đến bệnh viện, trung tâm y tế trong trường hợp cấp thiết và xe hợp đồng dưới 9 chỗ không sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách… tất cả người ngồi trên xe phải khai báo y tế, đeo khẩu trang.

Trên xe phải trang bị nước sát khuẩn, thực hiện việc khử khuẩn phương tiện hằng ngày và không được sử dụng hệ thống điều hòa (bắt buộc mở cửa kính trong quá trình phục vụ).

Dịch vụ vận chuyển nào được hoạt động ở TPHCM sau Chỉ thị đặc thù? ảnh 2

Dịch vụ khách hàng đặt mua đồ ăn qua app và được giao hàng tận nơi vẫn hoạt động bình thường

Giám đốc Sở GTVT cho biết TPHCM cũng tạm dừng hoạt động các tuyến buýt sông, tuyến phà biển Cần Giờ - Vũng Tàu, tuyến tàu cao tốc Sài Gòn - Cần Giờ - Vũng Tàu và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách.

Các trường hợp được phép hoạt động bao gồm các bến phà (Cát Lái, Bình Khánh và Cần Giờ - Cần Giuộc) và các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vận tải hành khách (Cần Thạnh - Thạnh An, Cần Thạnh - Thiềng Liềng, Phú Xuân - Phước Khánh) và phải đáp ứng Bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Trước đó vào tối 19/6, UBND TPHCM ban hành Chỉ thị khẩn số 10 yêu cầu tăng cường thêm một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Theo đó, TPHCM thực hiện cách ly, phong tỏa đối với các khu vực có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để kiểm soát tình hình dịch bệnh.

Chỉ thị số 10 yêu cầu dừng tất cả các loại hình kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, hoạt động của các chợ tự phát. Taxi, xe công nghệ, xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, dù TPHCM đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ.

UBND TPHCM yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với các chợ truyền thống không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch; không được phép tụ tập trên 3 người nơi công cộng (ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện).

Thành phố yêu cầu mọi người ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

Các cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được hoạt động bình thường, nhưng phải đảm bảo khoảng cách an toàn giữa người lao động tối thiểu 1,5 m. Người lao động phải mang khẩu trang. Nơi làm việc phải thực hiện khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo thông thoáng thường xuyên.

UBND TPHCM yêu cầu dừng các hoạt động hội họp không cần thiết. Trong trường hợp cần thiết phải tổ chức, các sự kiện, cuộc họp không quá 10 người trong một phòng (ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt được chính quyền địa phương cho phép), tuân thủ tuyệt đối quy tắc 5K…

Cán bộ, công chức, viên chức người lao động sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Chỉ những trường hợp thật sự cần thiết như trực chiến đấu, trực chống dịch, trực cơ quan, cung ứng hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến làm việc tại công sở.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.