Tại TP Hồ Chí Minh, kinh tế đêm vẫn còn thiếu nhiều dịch vụ du lịch trải nghiệm, hoạt động vui chơi hấp dẫn du khách.
Ăn nhậu và săn hàng hạ giá
Tầm từ 18h trở đi, các cửa hàng thời trang trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, Q.5) bắt đầu tấp nập kẻ mua người bán. Các quầy hàng thời trang từ quần áo, giày dép, túi xách… được bày chật kín hai bên vỉa hè. Tất cả đều có giảm giá để hút khách.
Chị Trần Thị Hoa (35 tuổi, quê Nha Trang) cho biết, mỗi lần có dịp vào Sài Gòn, chị đều ghé tuyến phố thời trang để săn hàng đại hạ giá. “Trước đây, tôi hay đi chợ đêm Bến Thành (Q.1) nhưng từ khi có dịch COVOD-19 tới nay, khu chợ này đóng cửa. Lên mạng xem, tôi thấy người ta giới thiệu phố thời trang về đêm này nên ghé thử rồi ghiền luôn. Sản phẩm gì cũng có mà giá lại rất phải chăng”, chị Hoa nói.
Phố thời trang tại quận 5 tấp nập mỗi đêm, do hàng giảm giá |
Mỗi lần có dịp đến TPHCM, anh Trần Đức Bình (quê Long Xuyên) thường đưa gia đình đến trung tâm thương mại vừa vui chơi, ăn uống kết hợp mua sắm. “Chúng tôi thường về khách sạn vào lúc 22h, vì lúc này các điểm giải trí, mua sắm, ăn uống đều đã đóng cửa, ra đường cũng không biết đi đâu, không có khu vui chơi nào dành cho thiếu nhi vào giờ đó cả. Trong khi đó, cả ngày tôi phải họp hành, buổi tối tranh thủ thời gian đưa gia đình đi tham quan di tích nhưng các nơi đã đóng cửa từ 16h. Buổi tối chỉ có các quán nhậu phục vụ xuyên đêm chứ không còn gì khác”, anh Bình tỏ vẻ tiếc nuối.
Khu vực ẩm thực đêm tại quận 6 TPHCM hay phố đi bộ Bùi Viện (quận 1), hầu hết chỉ phục vụ đồ ăn uống và thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí. “Tôi cũng muốn kinh doanh dịch vụ khác nhưng quán nào cũng bán đồ nhậu, giờ “mình tôi một phách” thì không hút khách. Chẳng ai đưa trẻ em đến khu vực ăn nhậu để vui chơi giải trí cả”, anh T, quản lý một quán ốc ở khu ẩm thực đêm tại quận 6 nói.
Thiếu sản phẩm đặc trưng
Bà Trần Thị Phương Linh, Giám đốc Tiếp thị, Công nghệ thông tin BenThanh Tourist cho rằng, các tuyến đường, phố đi bộ ở TPHCM chưa được chú trọng đầu tư, thiếu vắng các sân khấu ngoài trời. Thêm nữa, quy mô các tuyến đường ít và nhỏ, thiếu không gian cho hoạt động đêm hoành tráng, sôi động. Du lịch đường sông ngắm hoàng hôn trên sông Sài Gòn chưa tạo được điểm nhấn nên khó hút khách quay lại.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Liên Bang Travel phân tích, TPHCM đang thiếu các dịch vụ về đêm cho du khách. Nếu nhìn qua danh sách các điểm kinh doanh ẩm thực nằm rải rác tại quận 1, quận 3, quận 5… nhiều người sẽ thực sự choáng ngợp. Tuy nhiên, nơi này đa phần kinh doanh tự phát. TPHCM cần quy hoạch các khu vui chơi tích hợp (ăn uống, mua sắm, giải trí…) như ở Thái Lan, Singapore… để thuận tiện cho khách tiêu tiền.
“Một điểm khác nữa là chính quyền các cấp không nên để người kinh doanh tự bơi. Ngành du lịch TPHCM cần thống kê xem việc triển khai kinh doanh trên các tuyến phố ẩm thực, phố vàng bạc… hiệu quả đến đâu, bà con tiểu thương cần hỗ trợ gì hay không để có phương án điều chỉnh phù hợp. Cần quan tâm sâu sát đến người làm du lịch tại địa phương, đừng bỏ bê họ. Vấn đề an ninh, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là điều du khách rất quan tâm. Công tác phòng dịch trong thời điểm này cũng cần coi trọng nên ngành chức năng phải thường xuyên nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng tuân thủ nghiêm những quy định về phòng dịch của ngành y tế”, ông Từ Quý Thành nói.
Trong năm 2020, Sở Du lịch TPHCM đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM và các đơn vị quận, huyện xây dựng và khai thác các sản phẩm du lịch hiện có gắn với kinh tế về đêm trên địa bàn thành phố chủ yếu ở 3 nhóm sản phẩm. Cụ thể, nhóm sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm, tập trung ở các tuyến phố như: Phố đi bộ Bùi Viện, phố đi bộ Nguyễn Huệ.
Đặc biệt, năm qua, UBND các quận, huyện đã đẩy mạnh việc xây dựng và khai trương các tuyến phố đi bộ kết hợp mua sắm, ẩm thực trên địa bàn quận như phố đi bộ Kỳ đài Quang Trung (quận 10), khu chợ đêm và phố đi bộ kết hợp với các hoạt động về đêm của Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11), Quảng trường nhạc nước Hòa Bình Square Gò Vấp... Bên cạnh các phố đi bộ, một số tuyến phố chuyên kinh doanh khác thu hút nhiều du khách như phố ẩm thực; phố Đông y; phố vàng, bạc, đá trang sức; phố lồng đèn. Ngoài ra, các quán bar, câu lạc bộ, quán cà phê cũng hấp dẫn du khách.
Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, “hoạt động về đêm và giải trí” là sản phẩm có thể tạo sự khác biệt cho kinh tế đêm của TPHCM so với các tỉnh, thành phố khác. Bởi nếu không có các hoạt động liên quan đến văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, mua sắm thì những hoạt động về đêm sẽ rất nghèo nàn. Bà Hoa cũng cho biết, ngành du lịch TPHCM đang ấp ủ kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển du lịch TPHCM đến năm 2030, xây dựng thành phố trở thành trung tâm cho các hoạt động du lịch về đêm, với nhiều giải pháp phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực, mua sắm, giải trí vào ban đêm.
Tuy vậy, bà Ánh Hoa cũng thừa nhận: “Dù đã có nhiều nỗ lực, song các sản phẩm du lịch về đêm ở Thành phố nhìn chung còn chưa thật sự phong phú, đa dạng, vấn đề an ninh trật tự còn phức tạp. Số liệu khảo sát cũng chỉ ra rằng, chỉ có 15% khách du lịch chắc chắn sẽ giới thiệu TPHCM cho bạn bè và gia đình của họ và 10% khách chắc chắn sẽ quay lại vì sự hấp dẫn của hoạt động giải trí và hoạt động về đêm”.