Dịch vẫn chưa được kiểm soát ở TPHCM

0:00 / 0:00
0:00
Phong tỏa toàn bộ chung cư Ehome để truy vết sau khi phát hiện chuỗi lây nhiễm với 48 ca mắc COVID-19
Phong tỏa toàn bộ chung cư Ehome để truy vết sau khi phát hiện chuỗi lây nhiễm với 48 ca mắc COVID-19
TP - Sáng 14/6, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại TPHCM.

Theo Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng, sau 2 tuần thực hiện cách ly xã hội, dịch bệnh trên địa bàn đã được kiểm soát nên thành phố có thể nới lỏng biện pháp kiểm soát vì quận Gò Vấp đông dân, nhiều doanh nghiệp, thực hiện cách ly xã hội đã ảnh hưởng không nhỏ đến người dân.

Dịch vẫn chưa được kiểm soát ở TPHCM ảnh 1

Phong tỏa toàn bộ chung cư Ehome để truy vết sau khi phát hiện chuỗi lây nhiễm với 48 ca mắc COVID-19

Dịch chồng dịch…

Chủ tịch UBND quận 12 Lê Trương Hải Hiếu cho biết, ngày 13/6, quận 12 ghi nhận một số ca mới mắc COVID-19. Tuy nhiên, nơi thực hiện cách ly xã hội là phường Thạnh Lộc từ ngày 7/6 đến nay không phát sinh ca mới. Vì vậy, quận 12 đề xuất không tiếp tục thực hiện cách ly xã hội.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chất vấn: “Các điểm phong tỏa vẫn phát hiện nhiều ca mới. Thực sự, thành phố đã kiểm soát hết chưa?”. Theo Phó Thủ tướng, thực tế tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng ở TPHCM vẫn chưa được kiểm soát. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM và nhiều bệnh viện khác vẫn xuất hiện các ca bệnh mới.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, TPHCM đã cơ bản kiểm soát được các ổ dịch tại công ty kiểm toán, quán bánh canh O Thanh. Chuỗi lây nhiễm liên quan đến điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng và các nhánh của chuỗi lây nhiễm này cũng cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trên địa bàn TPHCM xuất hiện thêm 6 chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng đến nay chưa xác định được nguồn lây.

Cụ thể, chung cư Ehome 3: 16 người mắc COVID-19; bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM: 55 người; xưởng cơ khí huyện Hóc Môn: 49 người; khu nhà trọ trên đường số 11 thuộc phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức: 6 người; ấp Tân Thới 2: 10 người, ấp Tân Thới 3 (cùng thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn): 22 người…

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh đề xuất tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 trên toàn địa bàn TPHCM trong 2 tuần và đã được lãnh đạo UBND TPHCM đồng ý. “Mầm bệnh vẫn đang âm thầm trong cộng đồng. Việc gỡ bỏ giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. Thời gian 2 tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus”, ông Bỉnh cho hay.

Nhiều lỗ thủng

Ghi nhận TPHCM đã có nhiều quyết tâm, nỗ lực trong công tác phòng chống dịch, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình vẫn cho rằng kết quả đạt được vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng và mục tiêu đề ra.

Phó Thủ tướng phân tích: “Vừa qua, chúng ta muốn giãn cách trong 2 tuần để dập được dịch. Lúc đó chỉ có chuỗi lây nhiễm tại điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Chuỗi này được kiểm soát thì xuất hiện thêm nhiều chuỗi lây nhiễm mới trong cộng đồng. Nơi an toàn nhất của TPHCM là huyện Cần Giờ đến sáng 14/6 đã xuất hiện 1 ca dương tính”.

Phó Thủ tướng cảnh báo, chủng virus Delta (chủng Ấn Độ) lây lan rất nhanh, từ 3 ca chỉ trong 3 ngày đã lên tới 53 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM. May mắn là chưa lây vào các khu điều trị bệnh nhân. TPHCM cần đánh giá nguyên nhân nguồn lây để có giải pháp xử lý, đặc biệt là cần quản lý tốt địa bàn.

“Dứt khoát, trên địa bàn dân cư không được sơ hở. Các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố, tổ COVID -19 cộng đồng phải thường xuyên giám sát, không để xảy ra tình trạng tụ tập đông người”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu nơi nào xảy ra vi phạm phải xử lý người đứng đầu.

Theo Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, số người thuộc diện F1, F2 phải cách ly ngày càng nhiều. Trong cộng đồng vẫn còn các ca bệnh chưa phát hiện. Một số chuỗi mới phát hiện chưa truy vết hết. Nhiều trường hợp chưa phát bệnh, âm thầm lây truyền dịch mà các khâu tầm soát của thành phố không thể phát hiện ở giai đoạn ủ bệnh. Một số trường hợp lây nhiễm rất mạnh trong cộng đồng, trong khi người và phương tiện cấp cứu của thành phố có hạn. Các bệnh viện đã sử dụng gần hết công suất.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong kể, ông nhận được cuộc gọi của nguời dân phản ánh tại chung cư Ehome (nơi đang phong tỏa để truy vết ổ dịch chưa xác định nguồn lây-PV) người dân vẫn tụ tập rất đông xem các trận đấu bóng đá giải EURO, sau đó còn tổ chức ăn nhậu.

Người dân cũng báo với ông khi gọi điện đến Trung tâm y tế quận 5 phản ánh có trường hợp nghi mắc COVID-19 để xuống điều tra truy vết thì cán bộ trung tâm này hướng dẫn người dân gọi cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật (HCDC).

“Người dân gọi cho HCDC thì cán bộ trực đường dây nóng không bắt máy. Đây là sự vô cảm không thể chấp nhận được”, ông Phong nói.

“Một người bán nước giải khát đã lây bệnh cho rất nhiều người. Một nhân viên hành chính của một bệnh viện tuyến cuối đã gây nguy hiểm cho một thành trì, một đơn vị là tuyến đầu trong điều trị COVID-19. Một buổi ăn nhậu trái quy định đã gây hậu quả cho nhiều gia đình”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói và yêu cầu những lỗi chủ quan, lơ là cần phải xử lý nghiêm khắc những người liên quan, kể cả xử lý hình sự.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.