Dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp tại các tỉnh

Dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp tại các tỉnh
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch tiêu chảy cấp tại tỉnh Hải Dương, chiều nay 17/4, Thứ trưởng Bộ Y tế Trịnh Quân Huấn đã về kiểm tra, làm việc với UBND tỉnh Hải Dương và ngành Y tế tỉnh, tiến hành kiểm tra tình hình phòng dịch tại xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc.
Dịch tiêu chảy cấp diễn biến phức tạp tại các tỉnh ảnh 1

Bệnh nhân tiêu cấp cấp nằm tràn cả ra hành lang BV huyện Thạch Thất, Hà Tây dù trong buồng bệnh đã ghép 2 bệnh nhân mỗi giường. Ảnh chụp chiều 16/4/2008. Ảnh : Phạm Yên

Trong 2 ngày 16-17/4, Hải Dương đã có thêm 3 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả, nâng tổng số ca dương tính với phẩy khuẩn tả lên 16 trường hợp, trong đó 1 bệnh nhân là người tỉnh Thái Bình, 15 bệnh nhân của tỉnh Hải Dương.

Ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cho biết: Hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp trên địa bàn toàn tỉnh dù được triển khai quyết liệt song vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Điển hình là việc mầm bệnh chưa xác định được vị trí cụ thể; việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm tại các đám cỗ, nhà hàng, cơ sở sản xuất thức ăn sẵn... còn hạn chế; các ổ dịch trên tỷ lệ người lành mang trùng cao.

Bên cạnh đó, thời tiết đã bắt đầu vào mùa nắng ấm, là điều kiện thuận lợi phát triển cho vi khuẩn tả; ý thức của người dân về vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường còn rất thấp.

Trong khi đó, người dân ở thành phố Hải Dương vẫn tỏ ra khá thờ ơ, coi "dịch tiêu chảy cấp như ở nơi xa lắm". Điển hình cho thái độ bàng quang đó là tại phố Tuy An, phường Trần Phú, "đặc sản" bánh đúc, đậu phụ, mắm tôm, rau sống, lòng lợn tiết canh... vẫn được bày bán công khai. Từ sáng đến chiều, cảnh người mua, kẻ bán các mặt hàng này diễn ra tấp nập.

Mặc dù vậy, UBND phường này chỉ cách các cửa hàng "đặc sản" chưa đầy 100m. Hệ thống loa truyền thanh phường, vốn được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch tiêu chảy cấp tỉnh Hải Dương yêu cầu tăng cường tới mức cao nhất "việc tuyên truyền về sự nguy hiểm của dịch tiêu chảy cấp và các biện pháp phòng ngừa" không thấy hoạt động theo đúng chỉ đạo.

Từ 14-17/4, tại Bắc Ninh, số ca bệnh dương tính với phẩy khuẩn tả đã tăng lên 46 người trong số 98 trường hợp ở 24 xã thuộc 6 huyện, thành phố, trong đó huyện Thuận Thành phát hiện tới 24 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả.

Theo điều tra của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Ninh, các trường hợp nhiễm bệnh đều do sự chủ quan của người dân trong các khâu vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường và sử dụng nguồn nước tại các địa phương cũng không đảm bảo vệ sinh.

Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch như: rắc vôi bột tại các hộ có người nhiễm bệnh tiêu chảy cấp trong bán kính 40m, xịt hoá chất sát khuẩn Cloramin B và phát thuốc phòng bệnh cho người thân trong gia đình người bệnh...

Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh tiếp tục triển khai chiến dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa dịch bệnh tiêu chảy cấp.

Từ ngày 10/4 đến nay, tỉnh Hoà Bình có 14 người nhập viện do bị tiêu chảy cấp. Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã sẵn sàng công tác đối phó với dịch tiêu chảy cấp. Tất cả các khâu từ việc khử khuẩn đến phòng bệnh đã được quán triệt tới tất cả nhân viên trực tiếp làm nhiệm vụ. Tỉnh đã thành lập đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ dập dịch tiêu chảy cấp cho tuyến cơ sở.

MỚI - NÓNG