Dịch COVID-19 vào đề thi văn chuyên của Hà Nội

Dịch COVID-19 vào đề thi văn chuyên của Hà Nội
TPO - Đánh giá của giáo viên cho thấy đề thi môn Ngữ văn chuyên của Hà Nội vào lớp 10, vẫn theo cấu trúc cũ, an toàn, không đột phá. 

TS.Trịnh Thu Tuyết, cựu giáo viên dạy văn trường THPT Chu Văn An, Hà Nội nhận định:

Đề Ngữ văn chuyên trong các kỳ thi tuyển sinh lớp 10 luôn là điểm nóng của sự chờ đợi, đề văn chuyên của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội càng được đặt trong sự đón đợi của dư luận xã hội.

Cũng như nhiều năm nay, đề Ngữ văn chuyên trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 vẫn theo một cấu trúc quen thuộc với quỹ điểm 4/6 dành cho hai câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học.

Câu nghị luận xã hội đề cập tới một trong những vấn đề thời sự nhất, nóng nhất, và có sự chi phối mạnh mẽ nhất với cuộc sống nhân loại nói chung và cuộc sống của từng gia đình, từng cá nhân nói riêng, đó là đại dịch COVID-19. Đã có nhiều đề Ngữ văn trong thời gian qua, và trong cả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của cả nước đề cập tới vấn đề COVID-19 ở những góc độ, những điểm nhìn khác nhau, ví như đề thi môn Ngữ văn điều kiện của Sở GD&ĐT thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu học trò chia sẻ thái độ cá nhân khi đối diện với sự khốc liệt của dịch bệnh.

Đề Ngữ văn chuyên của Sở GD&ĐT thành phố Hà Nội yêu cầu học sinh “trình bày suy nghĩ về những anh hùng thầm lặng đã làm nên bao điều kì diệu trong cuộc sống” trong cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Có thể nhận ra chút khác nhau trong hai đề thi của hai thành phố lớn khi cùng khai thác một chủ đề - nói về sự lựa chọn thái độ cá nhân, đề bài sẽ tạo cho học sinh khoảng trống cho sự thể hiện tư duy độc lập, tự chủ, giúp học sinh đưa ra cái nhìn nghiêm túc, thẳng thắn, đối diện với chính mình, góp phần tạo lập kỹ năng sống trước những tai ương, thử thách; nói về những người anh hùng trong một biến cố lớn của cuộc sống, đề bài đã phần nào có tính định hướng cho học trò về cảm hứng ngợi ca và rút ra bài học cho chính bản thân mình khi đứng trước tấm gương “những người anh hùng thầm lặng đã làm nên bao điều kì diệu trong cuộc sống”.

Yêu cầu “trình bày suy nghĩ về những anh hùng thầm lặng đã làm nên bao điều kì diệu trong cuộc sống” có khả năng khơi gợi những xúc cảm đạo đức tốt đẹp, nhân văn, tuy nhiên, tính chất định hướng và sự đúng đắn hiển nhiên ít nhiều sẽ thu hẹp dư địa cho học trò được bộc lộ cái tôi của tư duy sáng tạo và thái độ cá nhân.

Đề bài nghị luận xã hội thường có khả năng mở ra nhiều góc độ suy nghĩ, nhưng như quan niệm của tôi khi nhận xét về đề Ngữ văn chuyên của thành phố Hồ Chí Minh ngày 17/7, muốn mở rộng dư địa suy nghĩ, xúc cảm cho học trò, cần chọn cách đặt vấn đề từ những quan điểm có thể chênh vênh giữa những chân lý đối lập – khi ấy, chọn phương án nào cũng có thể là đúng, là hợp lý!

Câu nghị luận văn học đề cập tới quan niệm của nhà văn Nguyễn Minh Châu về truyện ngắn:“Có những truyện ngắn chứa đựng tư tưởng cao sâu mà câu chuyện vẫn dung dị, chi tiết vẫn là chi tiết của đời sống bình thường hàng ngày”, câu lệnh của đề yêu cầu học trò làm sáng tỏ quan niệm đó thông qua một số tác phẩm văn học của chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở.

Nguyễn Minh Châu là nhà văn “tinh anh và tài năng” (chữ của nhà văn Nguyên Ngọc) của văn học Việt Nam thời Đổi mới, bên cạnh sáng tác, ông còn có những bài viết về nghề văn, về người đọc, người viết, về cả một giai đoạn văn học minh họa mà theo ông cần quyết liệt đọc lời “ai điếu” tiễn đưa…, thể hiện quan niệm nghệ thuật, quan điểm sáng tác văn chương sâu sắc, thể hiện tâm huyết và bản lĩnh của một nhà văn “dũng cảm điềm đạm”.

Quan niệm nêu trên của Nguyễn Minh Châu về truyện ngắn có thể được học trò dễ dàng lý giải bằng chức năng phản ánh hiện thực của văn học, mối quan hệ giữa văn học và hiện thực… - các em sẽ không khó nhận ra mọi tư tưởng cao sâu nhất thực ra đều xuất phát từ cuộc sống đời thường, chỉ cần nhà văn “có con mắt nhìn thấu sáu cõi” (chữ dùng theo Mộng Liên Đường chủ nhân), có tấm “kính chiếu yêu” (chữ dùng theo Nguyễn Minh Châu) để phát hiện những quy luật, những vấn đề mang tính bản chất của cuộc sống, con người ngay trong những chi tiết đời thường bình dị.

Yêu cầu làm sáng tỏ quan niệm trên qua các tác phẩm của chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở cũng không quá khó khi hầu hết các truyện ngắn đưa vào chương trình Trung học cơ sở, và kể cả Trung học phổ thông đều là những câu chuyện dung dị của cuộc sống đời thường – bởi ngoại trừ những chi tiết kỳ ảo mang tính “truyền kỳ” như trong truyện ngắn Người con gái Nam Xương của Nguyễn Dữ, các tác phẩm văn học kỳ ảo thời hiện đại (fantasy) chưa được đưa vào chương trình phổ thông. Tuy nhiên, cũng chính vì lý do đó, quan niệm của Nguyễn Minh Châu về truyện ngắn trở thành một điều hiển nhiên đúng đắn, ít yếu tố tranh biện, ít nhất là với học trò phổ thông.

Mới thấy, với một đề Ngữ văn, nhất là đề chuyên, điều quan trọng nhất không phải là vấn đề mà chính là góc độ đặt vấn đề - chính cách đặt vấn đề có thể thu hẹp hoặc mở rộng tầm nhìn, khả năng tư duy và xúc cảm cho học trò.

Còn theo cô Đỗ Khánh Phượng, giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI: Đề thi năm nay có cấu trúc quen thuộc với hình thức đề thi gồm 2 câu hỏi lần lượt là câu về nghị luận xã hội (4 điểm) và câu về nghị luận văn học (6 điểm).

Cụ thể từng câu như sau:

Câu 1: Phần Nghị luận xã hội bắt đầu từ một nhận định “Nơi đây có vô vàn anh hùng thầm lặng đang sống và chiến đấu cùng nhân dân” trong cuộc chống dịch Co-vid 19. Vấn đề nêu ra cho dù mang tính thời sự nhưng không mới mẻ, bởi điều kì diệu mà các anh hùng thầm lặng đem đến cho cuộc sống là vấn đề quá quen thuộc trong đời sống, cũng như trong văn học. Đề này dễ viết, nhưng để viết hay, đòi hỏi học sinh phải tinh tế trong việc chọn dẫn chứng và cần biết cách khai thác theo quan điểm của cá nhân để tránh tình trạng viết ra “những bài văn quốc dân”.

Câu 2: Câu hỏi phần Nghị luận văn học đề cập đến một vấn đề lí luận, đó là quan điểm của nhà văn Nguyễn Minh Châu trong sáng tạo tác phẩm nghệ thuật: “Có những truyện ngắn chứa đựng tư tưởng cao sâu mà câu chuyện vẫn dung dị, chi tiết vẫn là chi tiết của đời sống bình thường hàng ngày”. Đề đưa ra những khía cạnh đối lập “cao sâu” và “dung dị” nhưng không loại trừ, mà bao chứa nhau. Có những vẻ đẹp kì diệu, những tư tưởng lớn lao ẩn sâu đằng sau lớp ngôn ngữ mang hơi thở của đời thường và vai trò của chi tiết trong tác phẩm nghệ thuật bởi “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn” (Mác- Xim Gor-ki). Như vậy, vẫn là vấn đề quen thuộc trong hình thức và nội dung, nhưng so với đề của một số trường chuyên khác thì giới hạn dẫn chứng có phần hẹp hơn khi chỉ khuôn khổ trong “một vài tác phẩm trong chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở”, và phải là truyện ngắn.

Nhìn chung, đề thi này có phạm vi kiến thức nằm trong chương trình Trung học cơ sở, nội dung có tính định hướng rõ ràng. Tuy nhiên, nội dung đề thi không quá khó, dễ xác định trọng tâm bài làm, vì vậy yêu cầu học sinh phải nắm vững lí luận để phân tích và làm bài.

“Đề thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2020 – 2021 môn thi chuyên Văn tập trung khai thác năng lực cảm thu văn học của học sinh cũng như kĩ năng lập luận. Tuy nhiên, cách ra đề hơi theo lối mòn, chưa có đất để học sinh bộc lộ những cảm nhận riêng, độc đáo, nhiều học sinh có thể sẽ đạt điểm từ 6 đến 7,5 điểm”’, cô Phượng cho biết.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.