Dịch COVID-19 ở TPHCM: Không phức tạp vì biết được nguồn lây

Giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TPHCM) đo thân nhiệt cho học sinh khi dịch COVID-19 tái xuất hiện trong cộng đồng. Ảnh: Huy Thịnh
Giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Hữu Huân (quận Thủ Đức, TPHCM) đo thân nhiệt cho học sinh khi dịch COVID-19 tái xuất hiện trong cộng đồng. Ảnh: Huy Thịnh
TP - Bộ Y tế cho biết, liên quan 4 ca COVID-19 trong cộng đồng tại TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thông báo đã lấy mẫu xét nghiệm 2.532 người, trong đó có 2.344 trường hợp âm tính.

Tại cuộc giao lưu trực tuyến về phòng chống dịch COVID-19 với bạn đọc báo Tiền Phong sáng 4/12, PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định: “Tình hình dịch COVID-19  hiện nay ở TPHCM không phức tạp như ổ dịch tại Đà Nẵng hồi tháng 7 vừa qua vì chúng ta phát hiện được sớm, biết được nguồn lây bệnh (F0) và triển khai mạnh mẽ các biện pháp truy vết để quản lý các trường hợp F1, F2, từ đó khoanh vùng, tiến hành các biện pháp dập dịch kịp thời và đặc biệt dịch cũng chưa có dấu hiệu lây lan vào trong bệnh viện”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đến thời điểm này, Việt Nam chủ động được việc xét nghiệm COVID-19 vì nước ta có nhiều cơ sở xét nghiệm và đủ kit xét nghiệm. TPHCM có năng lực xét nghiệm rất tốt, có thể thực hiện xét nghiệm có chỉ định trên diện rộng để phát hiện kịp thời những trường hợp mắc COVID-19, từ đó cách ly, tránh lây lan ra cộng đồng.

 Liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm, đó là virus SARS-CoV-2 lần này có biến đổi, tăng độc lực, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra virus SARS-CoV-2 cũng có những biến đổi về gene và làm tăng độ bám dính vào tế bào cảm nhiễm khiến tốc độ lây lan có thể mạnh hơn. Tuy nhiên, hiện chưa phát hiện thấy virus này có sự thay đổi về độc lực.

 Về việc có thể dập dịch COVID-19 trước Tết Nguyên đán 2021, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư) cho rằng, việc phát hiện những ca lây nhiễm COVID-19 ở cộng đồng tại một địa phương là việc rất đáng lo ngại. Bởi dịch có thể lây nhiễm trên diện rộng, tác động đến sức khỏe của người dân. “Việc có chấm dứt được dịch hay không ngoài sự nỗ lực của chính quyền, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức và sự tuân thủ các biện pháp phòng dịch của mỗi người dân”, bác sĩ Hùng nói.

 PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, chúng ta không được chủ quan, lơ là. Bởi cũng có những trường hợp tương tự xảy ra mà không phát hiện được do nhiều người không có biểu hiện, triệu chứng nhiễm bệnh hoặc có triệu chứng nhẹ mà người dân không khai báo và không đến trạm y tế, không phát hiện ra.

 Bộ Y tế khuyến cáo, hiện tình hình dịch COVID-19 trên thế giới rất phức tạp, các chuyến bay nhập cảnh vào Việt Nam đều có bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Theo ông Phu, trung bình có từ 3 đến 20 trường hợp dương tính trên một chuyến bay. Do đó, nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập vào nước ta rất lớn nếu không thực hiện tốt biện pháp phòng, chống. Thêm vào đó, COVID-19 là dịch lây lan qua đường hô hấp và cũng thường lây lan mạnh trong mùa đông. Tại Việt Nam, thời tiết như hiện nay cũng là yếu tố thuận lợi cho sự lây lan của bệnh.

 Về cơ hội tiếp cận vắc-xin ngừa COVID-19, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, đầu năm 2021, Việt Nam chưa thể có vắc-xin. Nếu tình hình thuận lợi thì cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, trên cơ sở nước ta nhập được hoặc tự sản xuất được, mới có thể có vắc-xin.

Dịch COVID-19 ở TPHCM: Không phức tạp vì biết được nguồn lây ảnh 1  
MỚI - NÓNG