Dịch COVID-19 ảnh hưởng thế nào đến ngành ô tô Việt Nam?

Công nhân lắp ráp ô tô tại nhà máy ở Quảng Nam của THACO. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Công nhân lắp ráp ô tô tại nhà máy ở Quảng Nam của THACO. Ảnh: Tuấn Nguyễn
TPO - Sau 6 tháng đầu năm kinh doanh ế ẩm, hoạt động sản xuất đình trệ, các doanh nghiệp ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước như “mở cờ trong bụng” khi Chính phủ giảm 50% lệ phí trước bạ, chuẩn bị giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.Tuy nhiên, với diễn biến khó lường của đợt dịch COVID-19 mới, các doanh nghiệp ô tô đang “vừa làm vừa run”.  

Mong không phải giãn cách để phục hồi sản xuất

Với ngành ô tô, sau khi kết thúc giãn cách xã hội hồi tháng 4, phần lớn các đại lý, doanh nghiệp (DN) đã hoạt động trở lại. Song, theo khảo sát của Bộ Công Thương, công suất sản xuất, lắp ráp hiện chỉ duy trì ở mức rất thấp do lượng xe tồn kho còn cao, lên đến 122,5%. Nguyên nhân chính bởi tiêu thụ ô tô đang gặp nhiều khó khăn do sức mua trong nước sụt giảm mạnh.

Ngày 6/8, chia sẻ với Tiền Phong, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho biết dịch COVID-19 quay trở lại với những diễn biến khó lường. Các DN vẫn đang vừa sản xuất vừa nghe ngóng tình hình để điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Theo ông Hiếu, trước mắt các DN ô tô ở 2 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam chịu ảnh hưởng đầu tiên như Cty ô tô Trường Hải (THACO), và Tan Chong Motor có nhà máy sản xuất ô tô ở Quảng Nam. THACO đóng góp tới 55% ngân sách cho tỉnh Quảng Nam. Đó là lý do mà lãnh đạo UBND tỉnh này mới đây cho biết, có thể phải tính đến phương án đề xuất không điều tiết ngân sách về Trung ương và quay về xin trợ cấp từ Trung ương.

Cũng do ảnh hưởng của COVID-19, Triển lãm ô tô Việt Nam 2020 – ngày hội ô tô lớn nhất nước do VAMA và Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng Việt Nam (VIVA) phối hợp tổ chức mỗi năm một lần, dự kiến cuối tháng 10 này đã bị hủy.

Ford Việt Nam là một trong những DN chịu thiệt hại nặng nề nhất trong ngành ô tô do đợt dịch COVID-19 lần 1. Nhà máy của Ford tại Hải Dương vừa được đầu tư thêm 82 triệu USD để mở rộng quy mô từ đầu năm 2020, dự kiến hoàn thành giữa năm 2022. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ ngày 27/3, hoạt động sản xuất phải tạm dừng để giãn cách xã hội, nhiều chuyên gia nước ngoài đến nay vẫn chưa thể sang Việt Nam. Sau khi dịch lắng xuống, nhà máy đã quay trở lại hoạt động từ giữa tháng 7.

Tuy nhiên, theo quy định của hãng Ford ở Mỹ áp dụng toàn cầu nên hầu hết nhân viên văn phòng tại Việt Nam đều đang phải làm việc tại nhà. Chủ yếu bộ phận sản xuất tại nhà máy, bán hàng, dịch vụ vẫn hoạt động và phải áp dụng triệt để các quy định về phòng chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người.

Bình luận về động thái của Chính phủ khi giảm 50% lệ phí trước bạ từ đầu tháng 7, sắp giãn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, đại diện Ford Việt Nam cho rằng: “Các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đều rất quý với các DN. Tuy nhiên, do ảnh hưởng chung toàn cầu nên nguồn nguyên liệu nhập khẩu của Ford về Việt Nam để sản xuất cũng bị gián đoạn, nhu cầu mua sắm của người dân giảm mạnh với tâm lý dè chừng”.

Trước đó, Ford Việt Nam cũng có kế hoạch lắp ráp mẫu Escape sau 5 năm vắng bóng thị trường. Thế nhưng, do tác động từ dịch COVID-19, nguồn cung nguyên liệu khó nhập về nên mẫu xe này có thể không kịp ra mắt trong năm nay đúng “thời điểm vàng” ưu đãi trước bạ.

Tạo điều kiện doanh nghiệp tích lũy thêm vốn

Theo đại diện của Honda Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã khiến kết quả kinh doanh ô tô của hãng trong năm tài chính 2020 giảm gần 8% so với năm trước. Tuy nhiên, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ như giảm 50% lệ phí trước bạ, ngày 20/7, Honda Việt Nam đã quay trở lại lắp ráp và cho xuất xưởng mẫu xe CR-V 2020 sau khoảng 3 năm nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan về phân phối.

Tương tự, Mitsubishi Việt Nam đã quay trở lại lắp ráp tại nhà máy ở Bình Dương và ra mắt mẫu xe bán chạy nhất của mình là Xpander sau gần 2 năm nhập khẩu từ Indonesia về phân phối.

Động thái này của các DN cho thấy họ đang tiếp tục mở rộng sản xuất trong nước, đồng thời bổ sung thêm nguồn cung xe, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng. Hơn nữa việc lắp ráp trong nước sẽ giúp khách hàng mua xe tiết kiệm được số tiền không nhỏ từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ vừa ban hành.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương dự báo, trong thời gian tới, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những ngành hàng không thiết yếu sẽ gặp nhiều khó khăn. “Đặc biệt, người dân sẽ có tâm lý đề phòng dẫn tới một số mặt hàng như quần áo, đồ gỗ, ô tô, trang thiết bị điện tử bị giảm sút, thị trường bất động sản cũng ảnh hưởng", TS. Lê Đăng Doanh phân tích.

Trưởng ban chính sách VAMA dự báo, thị trường ô tô sẽ tăng trưởng âm ít nhất 15% trong năm 2020. Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, sản lượng, doanh số ô tô tại Việt Nam có thể thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, Bộ Công Thương kiến nghị cần sớm thông qua nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, sửa đổi các quy định của luật về thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất trong nước theo hướng ưu đãi cho tỉ lệ sản xuất nội địa; thuế GTGT theo hướng hoàn thuế sớm nhằm tạo điều kiện cho DN tích lũy thêm vốn.

Theo số liệu từ VAMA, tháng 5, thị trường ô tô mới khởi sắc với mức tăng 62% so với tháng 4. Sang tháng 6, tổng doanh số của các thành viên đạt 24.002 xe, tăng 26% so với tháng 5. Tháng 7 vừa qua khi chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ của Chính phủ bắt đầu có hiệu lực, kết quả bán hàng các hãng có phần cải thiện hơn.

MỚI - NÓNG