Dịch bệnh truyền nhiễm: Bệnh nhân tăng vọt, biến chứng nặng

Trẻ bị TCM điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: T.Hà
Trẻ bị TCM điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư. Ảnh: T.Hà
TP - Nhiều bệnh viện đang dành hẳn khu vực riêng điều trị từng bệnh nhân sởi, tay chân miệng (TCM), sốt xuất huyết. Bác sĩ, điều dưỡng di chuyển liên tục giữa các buồng bệnh. Những đứa trẻ thở máy, thở oxy. Phòng bệnh nào cũng vọng ra tiếng trẻ khóc. Những hình ảnh đó đủ để phác họa bức tranh dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn ra nóng và phức tạp thời điểm này.

Bé T.H. (3 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) nằm điều trị tại khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) đã 4 ngày nay nhưng trên hai đầu gối, cánh tay, bàn chân và quanh miệng là cả trăm nốt phỏng của bệnh TCM. Nốt to như hạt lạc mọng nước chỉ trực vỡ ra khiến cậu bé khó chịu khóc ngằn ngặt. Gần đó là bé trai 19 tháng tuổi được chuyển đến từ Hải Phòng. Bệnh nhi này đã được bác sĩ tuyến dưới chọc dịch não tủy và kết luận bị TCM biến chứng lên não. Hai đợt dùng thuốc IVIG nhằm giảm phản ứng miễn dịch trong cơ thể ở tuyến tỉnh hết chừng 60 triệu đồng nhưng trẻ vẫn phải chuyển lên Bệnh viện Nhi T.Ư cấp cứu.  Khu vực điều trị bệnh sởi của khoa Truyền nhiễm liên tục có 20 trẻ nằm. Phần lớn trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin hoặc chưa được tiêm vắc-xin do bố mẹ quên lịch tiêm chủng hoặc đến ngày tiêm thì trẻ bị ốm.

Thạc sĩ, bác sĩ Trần Thị Thu Hương, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm cho biết, so với cùng kỳ năm 2017, số trẻ nhập viện do bệnh TCM và sởi đều tăng gấp 4 lần. Đáng chú ý, bệnh TCM có nhiều ca biến chứng nặng vào tim, phổi, não do năm nay chủng virus EV71 gây bệnh nặng quay trở lại và tấn công những trẻ nhỏ sức đề kháng yếu. Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm cho hay từ đầu năm đến nay, đã có gần 500 trường hợp trẻ mắc sởi nhập viện. Khoảng 2 tháng qua, mỗi tháng trung bình gần 100 ca, ngày cao điểm tiếp nhận 10-12 trẻ. Trong số này có tới 85% trẻ mắc sởi nhập viện đều không được tiêm vắc-xin đầy đủ hoặc chưa đến tuổi tiêm chủng. Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư), trong hơn 1 tháng qua, đã có thêm 35 trường hợp trẻ bị sởi đến khám, nhập viện, nâng tổng số trẻ nhập viện do mắc sởi từ đầu năm đến nay lên 75 ca. Đã có một số trẻ bị biến chứng viêm phổi nặng.

Các chuyên gia y tế khẳng định, nguyên nhân khiến số trẻ mắc TCM tăng cao, nhiều ca nặng là do sự trở lại của chủng virus EV71 với thứ nhóm gene C4. Đây là chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước năm 2011, khiến 70.000 người mắc và 145 người tử vong. Bác sĩ Hương cho biết, những mẫu bệnh phẩm Bệnh viện Nhi T.Ư gửi sang Viện Dịch tễ T.Ư xét nghiệm tìm căn nguyên gây bệnh TCM phần lớn đều do chủng EV71. Đây cũng là chủng gây bệnh TCM cho trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi T.Ư trong năm 2017. Đáng chú ý, trong số 772 trẻ bị TCM nhập viện điều trị từ đầu năm đến nay tại khoa Truyền nhiễm có tới gần 20% biến chứng viêm não, trong khi mọi năm con số này là dưới 5%.

Dịch diễn biến phức tạp

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) thông tin: “Một số bệnh đã có vắc-xin tiêm chủng như sởi vẫn có thể gia tăng số ca mắc bệnh. Nguyên nhân là sau nhiều năm đến nay, các trường hợp không có miễn dịch do không tiêm chủng đã tích tụ lại, nếu không tiếp tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao, những người này dễ dàng mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Thời gian qua, dịch bệnh chưa bùng phát mạnh do chúng ta đang được hưởng thành quả duy trì tỷ lệ tiêm chủng đạt tỷ lệ cao trong nhiều năm. Nhưng một khi tỷ lệ tiêm chủng giảm, tỷ lệ miễn dịch cộng đồng xuống thấp, thì lúc đó bất kỳ ai trong mỗi chúng ta đều có thể mắc bệnh nếu chưa có miễn dịch do chưa được tiêm chủng hoặc chưa có miễn dịch tự nhiên”.

 Lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng dự báo, dịch TCM có xu hướng gia tăng và phức tạp trong thời gian tới đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh. So với cùng kỳ năm 2017, số mắc cả nước giảm 15,3%, số trường hợp nhập viện giảm 20,1%. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Hà Nội.

Nhiều biện pháp

phòng chống dịch

Ông Phu cho biết, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh TCM. Giám sát tình hình dịch bệnh, kịp thời phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện... -Tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, lưu ý với các bệnh nhân nặng, hạn chế thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng gây tử vong. Thực hiện phòng tránh lây nhiễm chéo các bệnh viện và trong các cơ sở điều trị, đặc biệt giữa bệnh TCM với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác”- đại diện Cục Y tế dự phòng nói. Ngoài ra, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị chủ động chuẩn bị kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh. 

Trước thực trạng nhiều trẻ chưa đến tuổi tiêm vắc-xin phòng sởi (9 tháng tuổi trẻ mới được tiêm vắc-xin sởi) nhưng đã mắc bệnh, PGS.TS Trần Ðắc Phu cho hay hiện Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch tiêm vét vắc-xin phòng sởi cho những trẻ 6 tháng tuổi ở những vùng nguy cơ cao để hạn chế tỷ lệ nhiễm bệnh.

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.