Địa phương chung tay thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Qua 27 năm hình thành và phát triển, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng trong trong thực hiện chính sách BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT). Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp trung ương, nỗ lực củ a ngành BHXH, còn nhận được sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Địa phương đóng vai trò “then chốt”

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng và đẩy mạnh thực hiện chính sách BHXH, BHYT, trong đó vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Vai trò này của địa phương đã được Đảng và Nhà nước đưa vào các quy định cụ thể, như Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020; Nghị quyết 28-NQ/TW năm 2018 của của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách BHXH…

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp là một trong những yếu tố then chốt, quyết định đến hiệu quả tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, thời gian qua, BHXH Việt Nam luôn đặc biệt coi trọng và tranh thủ sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam, BHXH các địa phương đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt liên quan tới các giải pháp phát triển BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương; tham mưu, đề xuất đưa chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHXH, BHYT, BHTN vào nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Các địa phương đã chú trọng ban hành các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn; thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; có cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình ngoài mức quy định của nhà nước; chỉ đạo, phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành trong công tác tổ chức, thực hiện tốt chính sách BHXH, BHYT tại địa phương đảm bảo hoàn thành các mục tiêu đề ra…

Sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các địa phương sẽ đảm bảo cho sự thành công của thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Đồng bộ từ chỉ đạo đến thực hiện

Để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao thực hiện chính sách BHXH, BHYT, ngoài vai trò cơ quan BHXH, còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp; sự đồng thuận của các sở, ban, ngành liên quan tại địa phương.

Hiện, 63/63 tỉnh, thành phố đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn. Cụ thể, có 47 tỉnh thành đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo đến 100% cấp xã, huyện trên địa bàn; có 668 huyện và trên 9.000 xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo. Cùng đó, có 55 tỉnh thành đã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHXH, BHYT vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Trong đó, có 543 huyện, hơn 6.400 xã đã đưa chỉ tiêu bao phủ cả BHXH, BHYT; có 620 huyện, hơn 7.100 xã đưa chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT.

Nhiều tỉnh đã thực hiện hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng ngoài mức quy định của Nhà nước. Trong năm nay, đã có 13 tỉnh thành hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, có 57 tỉnh thành hỗ trợ thêm mức đóng BHYT thuộc hộ cận nghèo; có 27 tỉnh thành hỗ trợ người làm nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT hộ gia đình.

Đồng thời, có 24 tỉnh hỗ trợ người thuộc hộ nghèo đa chiều tham gia BHYT với nhiều mức khác nhau; có 28 tỉnh hỗ trợ thêm cho đối tượng học sinh sinh viên tham gia BHYT; có 19 tỉnh hỗ trợ người tham gia BHYT hộ gia đình. Ngoài ra, một số tỉnh khác còn có chính sách hỗ trợ thêm cho người tham gia BHYT là người cao tuổi (dưới 80 tuổi), người thu gom rác…

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách BHXH, BHYT đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực. Diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng. Số người tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 2,3 triệu người năm 1995 lên trên 16,5 triệu người vào năm 2021 (gấp 7,2 lần); Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng từ 6 nghìn người năm 2008 lên 1,45 triệu người vào năm 2021 (gấp 241,7 lần). Số người tham gia BHTN tăng từ gần 6 triệu người năm 2009 lên 13,4 triệu người vào năm 2021 (gấp 2,2 lần). Số người tham gia BHYT tăng từ 7,1 triệu người năm 1995 lên 88,8 triệu người vào năm 2021 (gấp 12,5 lần), đạt tỷ lệ bao phủ hơn 91% dân số.

Đặc biệt, trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 vừa qua, với tinh thần triển khai quyết liệt, toàn ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ từ quỹ BHXH, quỹ BHTN cho người lao động và doanh nghiệp. Với tổng chi hỗ trợ trên 47,2 nghìn tỷ đồng, chiếm trên 54% trên tổng các gói hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ. Trong thành tích ấy có sự đóng góp quan trọng từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện.

Sự vào cuộc tích cực, chủ động của các cấp ủy, chính quyền địa phương cho thấy, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội được nâng lên rõ rệt. Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, chỉ đạo quyết liệt thì công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT đạt được những kết quả tích cực. Qua đó tăng diện bao phủ BHXH, BHYT, để ngày càng nhiều người dân được đảm bảo an sinh, tạo động lực để phát triển bền vững đất nước.

Để tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu về BHXH, BHYT toàn dân đã được Đảng và Nhà nước đề ra, thời gian tới, công tác tổ chức, thực hiện chính sách BHXH, BHYT tiếp tục cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các địa phương.