Mang sứ mệnh cung cấp sữa cho các em bé thiếu may mắn trong bệnh viện và cho Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, Ngân hàng sữa mẹ đặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng những ngày qua vẫn miệt mài “kích sữa” dù dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành.
Hai lớp áo quần, 2 mét và 60 cây số
Sáng cuối tuần, nữ điều dưỡng Lê Thị Thanh Hương (phụ trách Ngân hàng sữa mẹ) bàn giao xong công việc vội ôm thùng giữ nhiệt xuống nhà xe. Khoác thêm bộ đồ, trùm kín mặt, chị bảo tôi lần này chạy khá xa nên phải tranh thủ đi sớm, sợ nắng to sẽ ảnh hưởng tới chất lượng sữa. Bên hông chiếc ba lô cũ mèm, chị không quên đặt thêm bình sát khuẩn.
Từ Bệnh viện Phụ sản - Nhi, chị chạy thẳng một mạch 30 cây số vào thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) giữa trời nóng bức. Tới nhà chị Nguyễn Thị Phương Liên (32 tuổi, bà mẹ vừa sinh con gần 2 tháng), chị không dám vào, chỉ đứng ngoài cổng gọi. Thấy chị Liên ra tới bậc tam cấp, chị lật đật bưng hai thùng giữ nhiệt từ trên xe xuống đặt ngay phía trước, với theo: “Chị để sẵn thùng đây, cứ làm theo chị hướng dẫn hôm trước là được!”. Nói rồi, chị bước mau ra phía cổng.
Chị Hương kể, dịch ập tới, đi xin sữa vất vả hơn trước bội phần. “Trước khi đi tôi phải gọi điện cho các mẹ biết để chuẩn bị. Đến nơi mình cũng ý tứ đứng ngoài, đặt thùng đựng sữa trước cổng rồi tránh ra xa. Dịch bệnh mà, tiếp xúc với người lạ đã sợ, lại còn là nhân viên y tế nữa nên họ cũng “phòng thân” lắm”, chị nói.
Ngắt lời, chị nhìn xuống bộ áo quần trên người, tếu táo: “Trông xuề xòa, nóng nảy, chẳng đâu vào đâu phải không?”. Đó là trang phục thay cho đồ bảo hộ y tế. Những lần trước, chị cũng mang đồ bảo hộ đi lấy sữa, nhưng nhiều gia đình thấy…sợ, và xóm làng nói vào nói ra, ảnh hưởng tới gia đình người cho sữa nên chị phải thay bằng áo quần thường. Bằng cách mặc chồng lên nhiều lớp, lần nào đi thay lần ấy. Dù không thoải mái nhưng cũng chịu khó để cả đôi bên đều thấy an tâm.
Đang dở câu chuyện, từ trong nhà, chị Liên bưng thùng sữa ra sân gọi với hỏi xếp sữa như thế nào cho đúng. Chị Hương đứng dậy tới gần cổng, ráng nói thật to bày vẽ lại từ đầu. Từ ngày có dịch tới nay, lần nào chị và người cho sữa cũng giao tiếp với nhau ở khoảng cách từ 2m, không tiếp xúc trực tiếp, không vào nhà.
Thỉnh thoảng, chị Hương lại nhắc chị Liên nhớ sát khuẩn liên tục khi lấy sữa, xếp sữa…Tầm 10 phút sau, hai thùng đầy kín những túi sữa trữ đông được đặt phía trước sân, chị Hương vào bưng ra, cắm nhiệt kế. Đợi một lúc, màn hình hiển thị âm 2 độ, chị khẩn trương lên xe hướng về phía Đà Nẵng với quãng đường 30km.
Chị Liên chia sẻ, sinh bé thứ hai, chị may mắn có rất nhiều sữa nên muốn san sẻ cho những em bé khác. “Tôi được hướng dẫn tự cài đặt nhiệt độ, gắn nhiệt kế tủ lạnh, thậm chí móng tay cũng được khuyên cắt hết để đảm bảo vệ sinh. Làm bước nào sát trùng tay bước ấy. Mọi thứ đều tự mình làm chứ không có nhân viên y tế nào làm thay được, vì hạn chế tiếp xúc”.
“Bầu sữa” không cạn
Từ đầu đợt dịch (tháng 5/2021) đến nay, ngân hàng đã hơn 30 lần đi xin sữa từ các bà mẹ ở quanh thành phố cũng như vào tận Điện Bàn, Hội An (tỉnh Quảng Nam). Điều dưỡng Lê Thị Thanh Xuân kinh nghiệm rằng, tới nhà bà mẹ cho sữa, mọi thao tác phải thật nhanh, không dám cà kê trò chuyện. “Dù họ không nói ra nhưng mình phải hiểu tâm lý người dân nghe người từ bệnh viện tới rất lo”, chị đúc kết.
Các bà mẹ được Ngân hàng sữa mẹ hướng dẫn bảo quản sữa tại nhà, cắm nhiệt kế đảm bảo đạt nhiệt độ tiêu chuẩn để không làm hỏng sữa Ảnh: Thanh Trần |
Trên bảng thống kê tại Ngân hàng sữa mẹ, tháng 5 còn tới gần 300 lít sữa thanh trùng và 250 lít sữa thô, đáp ứng đủ cho nhu cầu của các em bé thiếu may mắn trong Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Chị Hương nhớ lại, đợt dịch năm trước, mọi người đứng ngồi không yên vì lo thiếu sữa. Nghe đâu có người cho là ngân hàng lập tức kết nối để không đứt nguồn sữa.
“Bây giờ có kinh nghiệm, khi dịch bùng phát, chúng tôi tiếp tục khai thác nguồn sữa ở rất nhiều kênh như từ các bà mẹ sinh tại bệnh viện, trên mạng xã hội, những người chủ động liên hệ với ngân hàng…Những cuộc trao đổi, thăm hỏi và dặn dò việc vắt sữa, trữ sữa dày hơn để sữa thu về đảm bảo chất lượng. Vậy nên không lo thiếu sữa trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như thế này”, chị Hương nói. Lượng sữa lấy về, ngân hàng sẽ thanh trùng, kiểm tra chất lượng kỹ càng trước khi trao cho các bé.
Anh Phạm Minh Thanh (quê Nông Sơn, Quảng Nam) có con trai hơn một tháng tuổi bị bệnh tim bẩm sinh đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng cũng được Ngân hàng sữa mẹ nuôi nấng. Anh kể hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, con vừa lọt lòng đã ốm đau, vợ lại không đủ sữa.
“Nếu không có Ngân hàng sữa mẹ hỗ trợ miễn phí thì nhà tôi không biết xoay xở thế nào. Mấy bữa nay dịch bệnh, rất khó vào thăm vợ con trong viện. Nhưng nghe con được uống sữa mẹ, lại là sữa được kiểm tra, bảo quản an toàn nên tôi cũng bớt lo lắng”, anh Thanh cảm kích. Cũng như anh Thanh, nhiều gia đình khác mang ơn “bầu sữa” khổng lồ này vì giữa bão dịch, không ai dám tự tin xin sữa ở bên ngoài, thậm chí xin được thì việc mang vào viện cũng rất gian nan.
Được biết Ngân hàng sữa mẹ cung cấp sữa cho các em bé sơ sinh có thu phí, trừ những trường hợp đặc biệt khó khăn sẽ được miễn phí. Số tiền thu được phục vụ việc xét nghiệm, trang thiết bị, máy móc, chi phí vận hành hệ thống bảo quản sữa mẹ… Còn Ngân hàng hoạt động không lợi nhuận.
Từng cung cấp sữa cho con bệnh nhân COVID-19
Giữa tháng 8/2020, một nữ bệnh nhân COVID-19 điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã sinh con tại đây. Sau khi chào đời, em bé khó thở, mẹ lại sốt cao nên bé chưa thể bú mẹ tốt như những em bé khác. Từ Ngân hàng sữa mẹ, các điều dưỡng đã vận chuyển sữa bằng xe cấp cứu lên Bệnh viện Hòa Vang, tiếp tục được đưa vào phòng điều trị theo phân luồng riêng. Chưa đầy một giờ đồng hồ, em bé đã có sữa để ăn những bữa ăn đầu đời.