Đi xem đặc sản phố cổ Hà Nội

Hát múa “Bỏ bộ” tại đình Kim Ngân của CLB Ca trù Hà Nội Ảnh: N.M.Hà
Hát múa “Bỏ bộ” tại đình Kim Ngân của CLB Ca trù Hà Nội Ảnh: N.M.Hà
TP - Từ sau khi được UNESCO xếp vào số di sản phi vật thể của thế giới sẵn sàng biến mất bất cứ lúc nào, ca trù như được tiếp sức sống mới. Cụ thể, đang xuất hiện ngày càng nhiều điểm diễn ca trù thường xuyên giữa lòng Hà Nội và ca trù bắt đầu bán được vé- điều hiếm có suốt nhiều thập kỷ nay.

> Ca nương kể chuyện hát ca trù ở Hàn Quốc

Hát múa “Bỏ bộ” tại đình Kim Ngân của CLB Ca trù Hà Nội Ảnh: N.M.Hà
Hát múa “Bỏ bộ” tại đình Kim Ngân của CLB Ca trù Hà Nội. Ảnh: N.M.Hà.
 

Chỉ chiếc sập gụ sát ban thờ trong gian tiền tế của đền Quán Đế (28- Hàng Buồm) là được chiếu sáng. Đó chính là sân khấu dành cho ca trù. Mở đầu chương trình, khán giả phải xem đào kép qua một mành tre mỏng. Hết một bài, bức mành mới được cuốn lên. Việc xem qua mành đơn thuần là một cách lạ hóa của Ca trù Thăng Long, chứ không theo truyền thống gì.

Căn cứ vào lượng ghế dành cho khán giả thì điểm diễn ca trù ở đền Quán Đế mỗi lần chỉ đón 20 khách. Khách Việt phải trả 100.000đồng, còn khách nước ngoài- 10USD. Hỏi vì sao có sự phân biệt này, ca nương Phạm Thị Huệ- phụ trách điểm diễn lý giải, đơn giản là vì thu nhập của du khách nước ngoài thường cao hơn.

Khách đến với Quán Đế vào tối thứ bảy hàng tuần sẽ được thưởng thức những thanh âm ca trù nguyên bản, không qua tăng âm. Sau nhiều năm diễn miễn phí theo chủ trương của giáo phường để quảng bá ca trù ở các đình và tư gia, giờ đây các đào nương trẻ của ca trù Thăng Long giọng đã ngọt hơn, tiếng đàn thuần thục hơn, đủ tài “lấy” tiền của khán giả.

Khán giả (người nước ngoài thường chiếm quá nửa) nghe ca trù có thể nói như nuốt lấy từng lời. Có thể vì ca trù lạ quá, hay quá. Cũng có thể họ phải nghe cho thỏa… số tiền đã bỏ ra. Nhưng có một bí quyết khiến khách tập trung đó là ánh sáng. Có lần tôi than phiền ánh sáng quá yếu để có thể chụp ảnh, chị Huệ cho hay, nếu sáng tưng bừng là khán giả mất tập trung ngay. Việc không có tăng âm vô hình trung cũng khiến khán giả càng phải lắng tai nghe.

Buổi diễn chỉ kéo dài 1 tiếng, kể cả thời gian giữa giờ dành để giới thiệu (bằng tiếng Việt và Anh) về nghệ thuật ca trù. Cùng lúc, các cô đào trẻ bưng trà và bánh đậu xanh đi mời khách. Nếu trời nóng, các cô phát cả quạt giấy. Không buổi nào khách không thắc mắc về ca trù. Khách nước ngoài rất hay tò mò về nội dung các bài hát. Còn người Việt hay hỏi học ca trù cần tiêu chuẩn gì, ngoài 20 tuổi có học được không… nhưng rồi không thấy đến học.

Đã bắt đầu nhen nhóm được thú chơi ca trù như của các văn nhân tài tử khi xưa. Thỉnh thoảng lại thấy những gương mặt quen thuộc của vài cụ ông tại Quán Đế. Các cụ hẹn nhau đem những bài thơ hát nói do chính mình sáng tác đến cho đào nương hát. Đào nương Ca trù Thăng Long có khả năng xem qua cái hát ngay được bài thơ mới. Tác giả bài thơ ngồi làm quan viên (gõ trống chầu) luôn, sau đó không quên thưởng thêm cho đào kép vào một chiếc khay để trên sập.

Cách điểm diễn của Ca trù Thăng Long mấy con phố là nơi đàn hát của CLB Ca trù Hà Nội- tối chủ nhật hàng tuần tại đình Kim Ngân- 42 Hàng Bạc. Đây là không gian to rộng, rất thuận lợi với hình thức hát cửa đình. Vì thế mà Ca trù Hà Nội đã đưa thêm vào tiết mục múa hát Bỏ bộ ở mỗi cuối chương trình.

Điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển thể hiện các công việc hàng ngày của người con gái tảo tần nơi thôn dã. Giữa giờ diễn tại 42 Hàng Bạc, đào nương Bạch Vân- chủ nhiệm CLB cũng giới thiệu về ca trù và mời khách lên thử gõ trống chầu.

Một cặp đào kép chạy sô giữa hai điểm diễn là chị Phạm Thị Mận và anh Nguyễn Văn Tuyến- người làng Lỗ Khê (cách trung tâm Hà Nội 22km) - cái nôi của ca trù phía Bắc. Giọng hát dân dã của chị Mận- vốn là giáo viên mầm non- có nét riêng, khang khác đào nương ở phố.

Vài năm nay, chị Mận nhận dạy ca trù cho Trung tâm Văn hóa và đoàn chèo của tỉnh Bắc Giang. Chị cũng chính là người dàn dựng màn múa Bỏ bộ tại đình Kim Ngân. Hai đào chanh cốm (hay đào teen- nói theo mốt bây giờ) của ca trù Thăng Long- học trò bà Nguyễn Thị Chúc, ở làng Ngãi Cầu- còn phải đi xa hơn, cả đi cả về hơn 60km ngay trong đêm. Tất nhiên các cô bé được người nhà đưa rước tận tình.

Cả 2 điểm diễn đều do Ban Quản lý Phố cổ đỡ đầu. Điểm diễn thứ 3 sẽ được khai trương vào tháng 9 tại nhà cổ 87 Mã Mây cũng sẽ do Ca trù Thăng Long phụ trách, dự kiến sáng đèn hàng đêm.

Ngoài khu phố cổ, du khách vẫn xem được ca trù, kể cả vào ban ngày. CLB Ca trù Hà Nội diễn tại Bích Câu đạo quán (14 Cát Linh) vào tối thứ bảy hàng tuần và sáng chủ nhật cuối tháng. Còn sáng chủ nhật đầu tháng, từ 9h đến 10h là giờ diễn tại Bảo tàng Dân tộc học (Nguyễn Văn Huyên) của Trung tâm UNESCO Ca trù

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG