Dĩ vãng phía trước

Ngô Thảo (phải) và nhạc sĩ Phạm Duy tại lễ ra mắt “Dĩ vãng phía trước”. Ảnh: T.Toan
Ngô Thảo (phải) và nhạc sĩ Phạm Duy tại lễ ra mắt “Dĩ vãng phía trước”. Ảnh: T.Toan
TP - Cuốn sách gần 500 trang của nhà phê bình, nhà văn Ngô Thảo về tư liệu chuyện đời, chuyện văn một thuở, ra mắt sáng qua tại Thư viện Hà Nội.
Ngô Thảo (phải) và nhạc sĩ Phạm Duy tại lễ ra mắt “Dĩ vãng phía trước”. Ảnh: T.Toan
Ngô Thảo (phải) và nhạc sĩ Phạm Duy tại lễ ra mắt “Dĩ vãng phía trước”. Ảnh: T.Toan.
 

Ở thời điểm nhà nhà mải lo Tết, lễ ra mắt Dĩ vãng phía trước khá đông đủ bạn bè, đồng nghiệp của Ngô Thảo. Đặc biệt có sự hiện diện của người thân các nhà thơ, nhà văn Thâm Tâm, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao- những tên tuổi được nhắc trong cuốn sách.

Người nhà Nguyễn Tuân đáng ra cũng có mặt, nhưng đành lỗi hẹn do không nhích nổi trên đường. Nhà điêu khắc Lê Công Thành- người được nhắc đến trong Dĩ vãng phía trước- ở tuổi 80 cũng bước lên sân khấu đối thoại với Ngô Thảo.

Vì lẽ ấy, cuộc gặp gỡ trở nên thân tình và đúng chất văn nghệ sĩ. Nhà thơ Mai Linh mang chai rượu lên tận bàn các diễn giả để mời Ngô Thảo coi như quà mừng sách mới. Nhà phê bình Chu Văn Sơn cũng chọn rượu làm quà. Những người có mặt tại Thư viện Hà Nội cảm nhận buổi gặp gỡ thân tình của nhiều thế hệ. Cao tuổi nhất, bất ngờ không kém là sự hiện diện của nhạc sỹ Phạm Duy- nhân chuyến ông ra Hà Nội làm MC cho chương trình Tuấn Ngọc.

Cuốn sách gồm 17 phần lớn, có tư liệu văn học được góp nhặt công phu, nhờ khoảng thời gian đáng quý Ngô Thảo làm ở tạp chí Văn nghệ Quân đội- nơi gặp gỡ, trò chuyện với nhiều nhà văn thế hệ kháng chiến. Đó là những cuộc trò chuyện với Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc; một số bài giảng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà thơ Tố Hữu hay những ghi chép đáng quý tại Hội nghị nhà văn Đảng viên bàn về văn học (1979).

Ngô Thảo bao giờ cũng có giọng điệu riêng, nói đến lí do ra đời cuốn sách, ông đùa: “Ngày này năm trước tôi phải mổ phanh bụng vì ung thư. Những ngày ra ngoài cuộc sống, tôi luôn nghĩ xem cách gì giết thì giờ”. Thế là ông làm công việc gom tư liệu, kể những chuyện đời, chuyện văn như một cách để nhìn lại quá khứ, suy xét đánh giá nhiều sự việc.

Như lời phi lộ tác giả in nguyên văn phần tư liệu quý, không chuyển thành hồi ký, để giữ tính xác thực của tư liệu. Chính ông đọc cho cử tọa nghe cuộc trò chuyện trong quán cà phê năm 1976 giữa những con người ăn nói sắc xảo: Nguyễn Khải-Nguyễn Hải-Lê Công Thành.

“Tôi gửi lời cảm ơn tới NXB Hội Nhà văn, Cty sách Phương Nam vì gan dạ, dũng cảm chịu in cuốn sách thiếu tính chất văn chương, xa lạ với sản phẩm thị trường. Tôi tự thấy ghi chép còn sơ sài, tư liệu tản mát, thô mộc. Nhưng điều an ủi là sau tất cả, bạn đọc có thể thấy có thế hệ như thế đi qua cõi đời này, những con người rất đẹp”, tác giả nói. Tuy nhiên, đó chỉ là lời khiêm tốn của Ngô Thảo.

Nhà văn Lê Minh Khuê, nữ nhà văn duy nhất được mời lên sân khấu, lại nói đọc gần xong cuốn sách thấy rất hấp dẫn, dù mới được tác giả tặng chiều qua. “Ấn tượng của tôi với cuốn sách rất mạnh, đó là những bài viết của Ngô Thảo về Nguyễn Khải, Vũ Cao… Những trang ghi chép lại chuyện đời thường, nói được tính cách của một người”.

Thời nào, ở đâu con người cũng có những cái đẹp và không đẹp, hay và chưa hay, đáng nhớ và đáng quên. Nhưng khi qua rồi, cái tốt đẹp bao giờ cũng đáng nhớ. Dĩ vãng bao giờ cũng đẹp là vì vậy. Chỉ có thể tìm lại cái đẹp khi gan góc đi qua cuộc chiến tranh một mất một còn này. Vì thế, tập ghi chép có tên: Dĩ vãng phía trước (Chuyện đời, chuyện văn một thuở).

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG