Đi tìm Việt Nam ở Israel

Đi tìm Việt Nam ở Israel
Ông Yona Yahav, Thị trưởng thành phố Haifa (Israel) đã tỏ ra rất tự hào khoe rằng cộng đồng người Việt ở đây đã ủng hộ mạnh mẽ và góp phần đưa ông vào chức vụ này.
Đi tìm Việt Nam ở Israel ảnh 1
 Hai gia đình các chị Hồng và Sơn, Việt kiều ở Israel

Theo sự giúp đỡ của ông Yona Yahav, tôi đi tìm sự hiện diện của Việt Nam ở quốc gia đang là điểm nóng ở Trung Đông này…

Gặp người mình ở xứ sở của Chúa

Theo ông Thị trưởng Haifa Yona Yahav, hiện nay ở Israel có khoảng 200 người Việt sinh sống. Những người này đến Israel bằng nhiều con đường và hoàn cảnh khác nhau. Một số tới miền đất này năm 1975, số khác kết hôn với người Israel rồi theo chồng, vợ sang đây định cư.

Cho đến nay họ đã hòa nhập rất tốt vào xã hội Israel, trở thành một trong những cộng đồng ngoại kiều mẫu mực về sống hài hòa với người Do Thái. Tại Israel chưa có tổ chức hội người Việt Nam như ở các nước khác nên không ai biết chính xác con số người Việt đang sinh sống ở đây. Những năm cuối 1990, do kinh tế Israel khó khăn, một số người Việt đã rời Israel để sang định cư tại các nước khác.

Nếu ai đã từng đọc Kinh thánh, đều biết rằng cuốn sách thiêng này gắn chặt với lịch sử của dân tộc Do Thái và cả một vùng đất rộng lớn ở Trung Đông, trong đó bao gồm cả Israel được xem là xứ sở của Chúa.

Trong một chuyến đi tham quan phần Cao nguyên Golan mà Israel chiếm của Syria trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967, tôi gặp ông Vương Di Liêm, 42 tuổi người Hải Phòng. Ông Liêm kết hôn với bà Vương Thanh Ni, người Việt gốc Hoa từ Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh).

Hai ông bà đã có 3 con, trai đầu lòng 16 tuổi, hai con gái tiếp theo 12 và 5 tuổi. Các cháu chỉ nói được tiếng Hebrew (tiếng Do Thái) và một chút tiếng Anh chứ không biết tiếng Việt. Hiện nay ông bà Liêm làm chủ tiệm ăn Việt Nam ở khu du lịch Hồ Galilee trên Cao nguyên Golan. Gặp tôi, ông bà Liêm tỏ ra rất vui mừng vì đã 27 năm qua chưa về thăm Việt Nam.

Thấy giới thiệu có người Việt đến thăm, ông Liêm bỏ cả việc đang nấu bếp ra gặp tôi để hỏi chuyện quê nhà. Ông tíu tít giục người giúp việc pha trà Việt Nam cho tôi uống. Gọi là chủ cửa hàng nhưng ông bà Liêm phải trực tiếp làm đầu bếp và bưng bê, lấy thực đơn. Hàng ngày làm việc từ 12 - 14 giờ nên chẳng có thời gian để đi chơi và dạy các con tiếng Việt.

Ông Liêm cũng muốn các con mình nói tiếng Việt Nam nhưng do mỗi ngày chỉ được gặp các con vài tiếng đồng hồ, hơn nữa bọn trẻ đi học về toàn nói tiếng Do Thái nên cả nhà cứ dùng tiếng Hebrew cho tiện. Ông bà Liêm tỏ ra rất thích thú khi tôi giới thiệu địa chỉ báo Tiền Phong điện tử và các trang web khác của Việt Nam để từ Israel có thể truy cập theo dõi tin tức quê nhà.

Tại số nhà 28 phố Ha Meginim ở trung tâm thành phố Haifa có vợ chồng ông bà Vinh, Thi sinh sống và mở tiệm ăn. Bà Thi hỏi tôi nhiều về tình hình Việt Nam đồng thời cho biết một số người Việt ở Israel chủ yếu liên hệ với nhau bằng điện thoại vì ai cũng bận làm ăn. Mỗi năm thường chỉ gặp nhau một lần vào dịp Tết Nguyên đán.

Nhờ điện thoại của bà Thi, chị Sơn người Hải Phòng biết tôi mới từ Việt Nam sang đã rất nhiệt tình mời tới thăm nhà riêng ở phố Disreli, thành phố Haifa. Chị Sơn có một con gái 8 tuổi với ông chồng người Do Thái làm nghề kế toán cho một Cty viễn thông.

Bản thân Sơn sang Israel  được 10 năm cũng có việc làm ổn định tại văn phòng quản trị ở một trại dưỡng lão, lương tháng sau khi trừ thuế còn 1.000 USD. Vợ chồng chị sống trong một biệt thự 3 tầng xung quanh có những cây thông cổ thụ rất đẹp.

Thấy tôi đến thăm, vợ chồng Sơn tíu tít mời bằng được ở lại dùng bữa tối cơm Việt Nam rồi chở tôi bằng xe hơi đến thăm nhà chị Trương Thị Hồng quê ở Vĩnh Linh cũng lấy chồng là người Do Thái Israel tại thành phố Nahariya. Vợ chồng chị Hồng đã có một con trai 3 tuổi đang sống hạnh phúc tại nhà riêng của bố mẹ chồng.

Phu quân của Hồng là Nadav Shurany từng dạy tiếng Anh tại Đại học Mở Hà Nội. Hai người làm lễ kết hôn tại Vĩnh Linh rồi sang định cư tại Israel được gần chục năm. Hàng ngày, Hồng đi làm tại nhà máy xuất khẩu trái cây, thu nhập cao, chồng làm kinh doanh.

Nghe tôi kể chuyện tình hình Việt Nam, anh Nadav tỏ ra rất muốn được làm đầu mối để đưa người lao động Việt Nam sang Israel. Anh cứ dặn tôi khi nào có thời gian rảnh thì điện thoại để anh đến đón về nhà chơi. Tại thành phố Tel Aviv, cũng có ít nhất 2 gia đình người Việt.

Chị Chu Ngọc người phố Hàng Bông Hà Nội, lấy chồng Do Thái rồi sang sống định cư tại Tel Aviv.  Anh chị đã có hai cháu nhỏ sống rất hạnh phúc. Anh làm nghề kinh doanh phần mềm máy tính, chị  làm tiếp thị cho một công ty kim cương nổi tiếng thế giới.

Nhìn chung những người Việt Nam mà tôi gặp ở Israel đều có việc làm ổn định và luôn hướng về Tổ quốc, có tình cảm thân thiết với người đồng hương. Ai cũng rất mừng khi tôi giới thiệu các địa chỉ trang web Việt Nam để có thể đọc báo, theo dõi tình hình quê nhà bằng tiếng Việt.

Phong vị quê nhà nơi đất khách

Đến nay gần như chưa có sinh viên học dài hạn tại các trường đại học Israel. Quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – Israel hiện còn ở mức thấp, mới đạt khoảng 60 triệu USD/năm. Tại cửa hàng giầy dép “Touch Down” ở số nhà 119 phố Dizingof, thành phố Tel Aviv có bán giầy thể thao Addidas sản xuất tại Việt Nam.

Giầy thể thao nam và nữ loại Addidas SAMOA được bán với giá 200 Shekel (gần 50 USD). Giầy thể thao Puma loại Converse sản xuất tại Việt Nam giá hơn 20 USD. Ông Avi- chủ cửa hàng này cho biết, giầy Việt Nam được nhập qua Cty Addidas Israel Trading Company, chất lượng tương đương hàng cùng loại của Trung Quốc, Indonesia.

Nghe nói Việt Nam có xuất khẩu gạo sang Israel nhưng tôi đi tìm tại các siêu thị chỉ thấy gạo nhập từ Thái Lan, ấn Độ chứ không thấy gạo Việt Nam. Giá gạo khô hạt dài của Thái Lan là 9,6 shekel (hơn 2 USD)/kg. Siêu thị ở Nahariya có bán cá chỉ vàng khô sản xuất tại thành phố Hồ Chí Minh.

Nơi đây còn bán một số sản phẩm của Việt Nam nhãn mác bằng tiếng Việt như đồ hộp “Nước cơm dừa”, “Bánh phở gạo đặc biệt” nhưng lại do Thái Lan sản xuất. Đây là minh chứng về việc thương hiệu của Việt Nam bị nước ngoài đánh cắp. Một vài siêu thị khác có bán bình hoa gốm do công ty IKEA (Thụy Điển) sản xuất tạiViệt Nam.

Mới sang Israel được ít ngày tôi đã nhận thấy đây là thị trường không lớn nhưng tương đối hấp dẫn. Những người Việt mà tôi gặp ở Israel đều có chung đánh giá rằng các mặt hàng như  cà phê, giầy dép, hàng may mặc, thực phẩm chế biến, đồ gốm, đồ gỗ, mỹ nghệ, v.v. là những thứ Việt Nam hoàn toàn có thể thâm nhập được vào thị trường Israel.

Kỳ sau:  Những bài học về kỷ luật và lòng yêu nước

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...