Đi tìm nguyên nhân xe khách liên tiếp gây tai nạn

TP - Thời gian gần đây, hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tục xảy ra, đặc biệt là liên quan đến xe khách đường dài. PV Tiền Phong đã đi thực tế và tìm hiểu nguyên nhân từ chính những người cầm lái.
Hiện trường vụ xe khách lao vào nhà dân làm 11 người bị thương ngày 11/2 tại Bình Dương

Chỉ trong vòng 3 ngày gần đây (từ 10 - 12/2) liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe khách, làm chết 6 người, bị thương hàng chục người.

Tài xế bất cẩn

Theo một số tài xế chạy xe khách Bắc - Nam, nguyên nhân chủ yếu của những vụ tai nạn liên quan đến xe khách đường dài chủ yếu là do các xe chạy tốc độ cao vào buổi tối, mặt đường quá xấu. Ngoài ra, do điều khiển xe với khoảng thời gian dài và nhiều ngày liên tục khiến tài xế lâm vào tình trạng mệt mỏi dẫn đến ngủ gật khi lái xe.

Anh Nguyễn Văn An (37 tuổi, tài xế xe chạy tuyến Hà Nội - TPHCM) cho rằng, thời gian sau tết là dịp làm ăn mạnh nhất của các hãng xe khách, đặc biệt là xe Bắc - Nam vì cả năm người dân mới nghỉ tết và về quê một lần. Vì vậy tài xế thường cố gắng chạy nhanh nhất có thể để quay đầu về chạy tuyến tiếp theo.

Theo anh An, khoảng thời gian ban đêm là dễ chạy nhất vì lúc này số lượng xe chạy trên đường khá ít, đường vắng nên tài xế có thể đạp hết ga được đoạn nào hay đoạn đó. “Cỡ 1 - 3 giờ sáng trên đường có lác đác vài chiếc xe, nếu đường đẹp thì tranh thủ “đạp” cho nhanh còn về “đạp” chuyến khác”, anh An nói.

Anh Tùng (35 tuổi, tài xế chiếc xe chạy tuyến Thanh Hóa - huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương) cho biết, từ sau tết đến nay anh và người đồng nghiệp chưa hề rời chiếc xe. Hai người liên tục thay nhau lái, bình quân mỗi người lái xe 6 tiếng một lần, ngày này qua ngày khác. Nhiều lúc anh mệt mỏi, buồn ngủ nhưng vẫn phải cố lái xe vì đang ở ca lái của mình.

“Có lần đang lái tự nhiên ngủ gật, chiếc xe lao qua bên kia đường, may mà lúc đó có xe khác rọi đèn vào làm mình bừng tỉnh chứ không thì nguy to” - anh Tùng nhớ lại.

Một hành khách trên xe được cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM

Anh Tùng cho biết, thông thường mỗi chiếc xe chạy Bắc - Nam chỉ có hai tài xế và hai phụ xe. Tuy là phụ xe nhưng hầu như ai cũng biết lái vì đa số họ đang học lấy bằng lái. Có những tài xế trong lúc mệt mỏi mà không có người thay ca cũng giao cho phụ xe lái, đặc biệt là đêm khuya vì khi đó đường thông thoáng.

Cả anh An và anh Tùng đều cho rằng những vụ tai nạn thời gian gần đây là do tài xế muốn “đạp” cho nhanh hết chuyến để chạy chuyến khác. Mà chạy quá nhanh đến khi gặp sự cố thì xử lý không kịp. Ngoài ra, mệt mỏi, buồn ngủ vì chạy xe nhiều ngày liên tục mà không được nghỉ ngơi cũng là nguyên nhân…

“Lỗi chủ yếu vẫn là ở tài xế vì chạy nhanh và không làm chủ được tay lái. Tuy nhiên cũng do mặt đường xấu mới xảy ra như thế chứ đường không có ổ gà, tài xế không đánh lái né thì làm gì xảy ra tai nạn”.

Anh Tùng, 35 tuổi, chạy tuyến Thanh Hóa - Bình Dương

Chị Hạnh (21 tuổi, quê Hà Nam, hành khách chiếc xe của anh An) cho biết, chị đón xe từ Hà Nam vào tối 11/2, ban đầu thì chiếc xe chạy khá chậm để đón khách. Nhưng khi qua thành phố Vinh (Nghệ An) xe bắt đầu chạy nhanh vì đã đầy khách. Nhiều lúc, tài xế đua tốc độ với xe khác bóp còi inh ỏi, xe cứ lách bên này, lạng bên kia như múa.

“Đến tối, xe bắt đầu chạy như bay, tôi ngồi trên xe mà cứ nghiêng bên này, ngả bên kia, gặp lúc đang ngủ thì cứ như mình đang trên mây. Có lúc tài xế phanh gấp là cả xe nhào ra trước hay gặp đường xấu, nhiều ổ gà thì cứ bị nảy lên như bóng bàn, nhất là những người ngồi ghế cuối cùng”.

Mặt đường xấu

Theo các tài xế thì mặt đường xấu, nhiều rãnh, ụ và ổ gà, ổ voi cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông gần đây. Theo tài xế Tùng, đoạn Quốc lộ 1 từ Hà Tĩnh vào Quảng Nam rất xấu, thường xuyên có xe tải nặng, container lưu thông nên mặt đường bị cày xới với nhiều rãnh sâu, ụ cao nổi lên. Nếu tài xế không cẩn thận khi chạy qua đây thì rất dễ bị lạc tay lái, trượt xe dẫn đến tai nạn.

“Nhất là đoạn đường qua Hà Tĩnh và Thừa Thiên - Huế, toàn luống khoai, ổ voi, ổ gà… chạy qua đây mà không cẩn thận thì tai nạn như chơi, đặc biệt là những ngày trời mưa, đường trơn trượt càng nguy hiểm hơn nữa”. Anh Tùng dẫn chứng vụ tai nạn xảy ra vào ngày 12/2 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh: “Lỗi chủ yếu vẫn là ở tài xế vì chạy nhanh và không làm chủ được tay lái. Tuy nhiên cũng do mặt đường xấu mới xảy ra như thế chứ đường không có ổ gà, tài xế không đánh lái né thì làm gì xảy ra tai nạn”.

Mỗi khi phải chạy xe qua các tỉnh khu vực miền Trung, anh An rất sợ vì mặt đường quá xấu, người dân lại thả gia súc tự do trên đồng, hai bên lề đường rất nguy hiểm.

“Có những đoạn đường mình không dám chạy nhanh vì có những ổ voi rộng cả mét, có đoạn thì rãnh sâu như mương nước kéo dài cả cây số. Trâu bò thì chạy khắp đường, nghe tiếng còi xe ô tô là mấy con bê con lại nhảy ngược lên. Những lúc đó không cẩn thận thì rất dễ xảy ra tai nạn”.

* Khoảng 6 giờ sáng ngày 10/2, xe khách chạy hướng Nam - Bắc do ông Bùi Quang Ngo (38 tuổi, quê Bình Định) điều khiển. Khi đến đoạn qua xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa thì đâm trực diện xe container chạy chiều ngược lại. Vụ tai nạn khiến ba người trong gia đình ngồi trên chiếc xe container bị thương nặng, trong đó có một phụ nữ đang mang thai 6 tháng và 3 người khác trên xe khách bị thương nặng.

* Khoảng 6 giờ ngày 11/2, chiếc xe khách chở 17 người đi lễ chùa từ Bình Dương đi An Giang, qua Quốc lộ 13, phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An (Bình Dương) xảy ra va chạm với chiếc xe tải. Vụ tai nạn đã làm 11 người bị thương nặng, trong đó có 4 người lâm vào tình trạng nguy kịch.

* Rạng sáng 12/2, chiếc xe khách mang biển số 18N-5681 do tài xế Trần Đức Thọ (35 tuổi, quê Nam Định) điều khiển chở hàng chục hành khách lưu thông hướng Bắc - Nam. Khi chạy qua địa bàn xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh thì đấu đầu với xe container chạy chiều ngược lại. Vụ tai nạn làm phụ xe khách và phụ lái xe container chết tại chỗ và hơn 10 người khác bị thương.