Đi tìm nguồn vốn cho kinh tế hợp tác xã

Kinh tế hợp tác đang rất cần tăng vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Kinh tế hợp tác đang rất cần tăng vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
TP - Với lợi thế và ưu việt đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) đóng vai trò ngày càng quan trọng, từng bước trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế - xã hội. Tìm nguồn vốn cho loại hình kinh tế này cũng đang là trăn trở của Liên minh HTX.

Cả năm 2016 chỉ vay được 70 tỷ

Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 19.487 HTX đang hoạt động (tăng 10% so với năm 2016). Trong đó, có 2.226 HTX thành lập mới, tăng 46,5% so với năm 2016; giải thể 785 HTX do làm ăn không hiệu quả, ngừng hoạt động. 90% số HTX đã đăng ký hoạt động theo Luật HTX, 38% tổng số HTX làm ăn có hiệu quả (tăng 8% so với năm 2016), khu vực HTX có hơn 6,4 triệu thành viên. Nền kinh tế Việt Nam có xu hướng tăng trưởng nhanh, bền vững ở các ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Với lợi thế và ưu việt đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế hợp tác, HTX đóng vai trò ngày càng quan trọng, từng bước trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế - xã hội.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam hiện đóng góp vào GDP của khu vực HTX, LHHTX, THT và thành viên HTX ngày càng tăng; HTX có khả năng huy động các nguồn lực từ thị trường trong và ngoài nước để phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp.

 “Kinh tế hợp tác, HTX ở khu vực nông thôn đóng góp quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, an sinh xã hội, ổn định an ninh, chính trị. Với hơn 93 triệu dân, gần 10 triệu hộ sống ở địa bàn nông thôn, hơn 4,0 triệu hộ cá thể sinh sống ở đô thị; số người thu nhập cao và tích luỹ tài sản ngày càng tăng, có nhu cầu liên kết và hợp tác theo mô hình THT, HTX để sản xuất và giải quyết nhu cầu của đời sống”, ông Bảo nhấn mạnh.

Tuy hoạt động là vậy nhưng theo lãnh đạo Liên minh HTX, khó khăn lớn nhất  vẫn là việc tiếp cận tín dụng của các HTX. Ước tính từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, năm 2016, các tổ chức tín dụng chỉ cho vay được 70 tỷ đồng đối với các HTX, trong đó hầu hết là các HTX tiểu thủ công nghiệp hoặc dịch vụ, những HTX nông nghiệp tiếp cận vốn được rất ít. Nguyên nhân chính là do các HTX mô hình hoạt động thường nhỏ, thiếu tài sản thế chấp, năng lực quản trị kém và hơn cả là tâm lý “mặc cảm” với HTX của các tổ chức tín dụng.

Thực tế thời gian qua, nguồn vốn mà các HTX tiếp cận được chính là từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Cả nước hiện có 47 Quỹ Hỗ trợ phát triển, gồm một Quỹ Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã Trung ương trực thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và hơn 40 quỹ trực thuộc Liên minh Hợp tác xã tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, các Quỹ này cũng đang hoạt động không mấy hiệu quả do thiếu đồng bộ và thống nhất, nguồn vốn của Quỹ cũng không cao, chỉ từ 5-10 tỷ đồng/quỹ.

Quỹ hỗ trợ phát triển HTX cần thêm vốn

Tính đến cuối năm 2017, vốn điều lệ thực có (được ngân sách Nhà nước cấp và tự tích ũy) của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Trung ương là 136 tỷ đồng; doanh số cho vay là hơn 235 tỷ đồng, dư nợ 96 tỷ đồng. Đối với 43 Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX địa phương, hiện có tổng vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng, tổng doanh số cho vay hơn 10.400 tỷ đồng, dư nợ 1.314 tỷ đồng. Tăng vốn cho Quỹ phát triển HTX đang là bài toán đặt ra.

 Được biết, hiện Bộ Tài chính đang xây dựng và lấy ý kiến đóng góp từ các Bộ, ngành, đơn vị liên quan về Dự thảo Nghị định thành lập, tổ chức và hoạt động Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Đại diện một số HTX cũng kiến nghị cần bổ sung đối tượng được hỗ trợ là thành viên các hợp tác xã và thành viên các tổ hợp tác. Ngoài ra, việc quy định vốn điều lệ thực hiện tối thiểu phải có tại thời điểm thành lập là 100 tỷ đồng do ngân sách tỉnh cấp là điều khó khả thi bởi hiện nay các quỹ đều có quy mô vốn dưới con số này, ở mức rất thấp. Vốn điều lệ của các Quỹ nên căn cứ vào tình hình ngân sách địa phương nên để từng địa phương cân đối cho phù hợp.

Nhìn nhận về sự phát triển kinh tế HTX,  ông Nguyễn Ngọc Bảo Chủ tịch Liên minh khẳng định:  “Chúng ta có thể đi xa hơn nếu đi cùng nhau”. Trên thế giới hiện nay, kinh tế hợp tác, HTX phát triển ở hầu hết các nước, đóng góp từ 10-30% GDP, đang ngày càng chứng minh được sức mạnh và tiếng nói của mình”.

Ngày 18/5/2018, tại Hà Nội, Ngân hàng Sài Gòn - SCB đã cùng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ tiến hành ký kết hợp tác chiến lược ba bên nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dành cho các hợp tác xã thành viên. Đồng thời, SCB và Ngân hàng Agricultural Bank of Taiwan cũng tham gia ký kết hợp tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Qua đó, các xã viên tham gia mô hình chuỗi này sẽ được SCB hỗ trợ cho vay ưu đãi với lãi suất bình quân trong khoảng 5-7%/năm.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn – TGĐ SCB cho biết “SCB mang đến lãi suất ưu đãi và cạnh tranh so với các gói vay thông thường nhằm hỗ trợ các thành viên hợp tác xã an tâm sản xuất kinh doanh. Đồng thời, với hơn 6,5 triệu xã viên cùng lợi thế của Việt Nam về nông nghiệp và sức lao động, chúng tôi tin sẽ dễ dàng chuyển thành cơ hội kinh doanh tốt. Chúng tôi mong muốn trong 2-3 năm nữa đây sẽ là mảng kinh doanh quan trọng của SCB.”

MỚI - NÓNG