Đi tìm nét Việt giữa trời Âu

Đi tìm nét Việt giữa trời Âu
TP - Một năm trước, lần đầu tới Berlin, khó có thể tìm thấy một cửa hiệu nào treo biển Việt Nam. Ngay cả cửa hàng áo dài Việt Nam rất ăn khách tại khu Kufustendam cũng lấy tên tiếng Pháp Bon Amis...
Đi tìm nét Việt giữa trời Âu ảnh 1
Nón lá Việt Nam rất được ưa chuộng

Trở lại Berlin lần này, tôi nung nấu ý định đi tìm những thương hiệu Việt. Vừa hay được thông báo từ Đại sứ quán Việt Nam tại Đức: “Sắp có Tuần văn hóa Việt Nam tại Đức”.

Ga Friedrichstrasse là ga lớn ở Berlin với lưu lượng 140.000 hành khách trung chuyển hàng ngày. Tuần lễ văn hóa Việt Nam được diễn ra ngay tại sân ga Friedrichstrasse.

Anh Nguyễn Công Chính, giám đốc Cty CHINCO - ASEAN (Cty đứng ra tổ chức Tuần lễ Việt Nam tại Berlin hồi tháng 7/2005) cho biết: “Chúng tôi đã lên kế hoạch trước đó một năm. Đến bây giờ mới thực hiện được. Tôi cũng không ngờ ý tưởng của tôi được tân Đại sứ chấp thuận một cách nhanh chóng và nhiệt tình ủng hộ”.

Nhà hàng Việt Nam của anh Chính nằm ở vị trí khá đẹp ngay bên ngoài quảng trường Friedrichstrasse, đối diện nhà ga Friedrichstrasse. Cách bài trí và phong cách phục vụ của nhà hàng 100% Việt Nam với ao nước, hồ sen, cá lượn và những bức tranh phong cảnh Việt Nam to bằng cả bức tường.

Nếu chỉ để quảng cáo cho Nhà hàng Việt Nam, chắc anh chẳng dám “chơi ngông” đến vậy. Bởi anh sẽ lỗ nặng khi bỏ ra một khoản tiền lớn mà nhẩm tính sơ sơ cũng lên tới 100 000 euro (tương đương  2 tỷ đồng Việt Nam).

Đấy là còn chưa kể tới hàng tháng trời lao tâm khổ tứ cho công tác chuẩn bị. Hầu như anh và những cộng sự không hôm nào được đi ngủ trước 3 giờ sáng.

Anh tâm sự: “Cái sướng nhất là mình dám đưa những cái gì của Việt Nam sang. Chúng tôi muốn tạo dựng một hình ảnh Việt Nam thật đẹp trong mắt  cộng đồng. Bởi thực tế, đã có một thời gian dài, người Việt  để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp.

Nhìn một container  túi khảm trai đã bán hết veo trong ngày khai mạc, anh nuối tiếc: “Chúng tôi đã về tận Việt Nam tìm nguồn hàng đấy. Tham vọng nhiều lắm, nhưng sức mình có hạn. Chúng tôi còn muốn khuân cả Việt Nam sang đây”.

Hiện, anh Chính đang ấp ủ  cho một Ngày Việt Nam  qui mô lớn hơn, một hội chợ hàng tiểu thủ công nghiệp Việt Nam với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước. Còn một nhân vật nữa tôi thấy lăng xăng ở các gian hàng trong tuần lễ  Việt Nam mà ngỡ là một nhân viên bán hàng.

Sau này, tôi mới biết đó là anh Trần Công Thành. Trước đó nửa năm, anh Thành đã về Việt Nam vận động Tổng cục du lịch cùng phối hợp tổ chức vì đây là cơ hội rất tốt cho quảng bá du lịch Việt Nam. Nhưng anh chỉ nhận được câu trả lời: “ý tưởng hay, nhưng còn chờ có dự án”.

Anh cho biết: “Người nước ngoài nào đã một lần ăn món ăn Việt Nam đều bị mê hoặc. Hơn thế nữa, khi  vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng gia tăng, hà cớ gì người Việt Nam mình cứ phải núp dưới bóng của những Thai Restaurant, Chinese Restaurant, hay lập lờ đánh lận con đen kiểu Asia Restaurant.

Hiện, anh Thành có nhà hàng Đức- Anh chuyên về các đồ ăn Việt Nam. Anh còn là thành viên trong Ban Quản lý chợ Rhinge strasse 100, Berlin, khu chợ của cộng đồng người Việt với đủ các mặt hàng Việt Nam như dưa cà, mắm muối và chắc chắn sẽ không thiếu bánh chưng, giò chả trong dịp Tết này.

MỚI - NÓNG