Rocker lừng lẫy thế giới này được phát hiện trong tư thế treo cổ tại nhà riêng ở Los Angeles (Mỹ) lúc 9 giờ sáng ngày 20/7. Giờ phút chàng thủ lĩnh nhóm Linkin Park chia tay trần thế, trong căn phòng ấy hẳn đang còn chứa đầy bóng tối. Như thiếu nữ Naoko trong tiểu thuyết “Rừng Na Uy”. Run rẩy giữa rừng sâu ướt lạnh bóng đêm, cũng với một sợi dây thừng…
“Trưởng thành là một quá trình đau đớn”, một chàng trai của Murakami đã thốt lên như vậy. Nhưng đó là tuổi 20 của Naoko. Còn Chester đã 41, có cả thảy 6 đứa con với hai đời vợ. Vậy đã trưởng thành chưa?
Đời sống cần cái chết để khám phá những tiềm năng của chính đời sống. Và nữa, nếu vắng mặt cái chết, đời sống sẽ chỉ còn là những cái gì đó không ranh giới, không hình dạng - và rốt cuộc trở nên vô vị. Ý tưởng đó là của Costica Bradatan, giáo sư người Mỹ gốc Romania, trong cuốn “Chết cho tư tưởng - Cuộc đời nguy hiểm của các triết gia” (Trần Ngọc Hiếu dịch) vừa ra mắt tại Việt Nam. Một cuốn sách đáng đọc, với những người đang sống.
Nói như Costica Bradatan, với những triết gia, cái chết “bản thân nó (có thể) chính là một tác phẩm triết học - thậm chí là một kiệt tác”. Nhưng tôi tự hỏi, còn với những ca sĩ như Chester, thì việc tự tìm đến cái chết sẽ làm nên “tác phẩm” gì?
Người bạn họa sĩ thân thiết nhất của tôi, hồi cuối mùa đông năm ngoái cũng đã chọn cho mình sự ra đi. Khi độ tuổi cũng bằng Chester bây giờ. Với câu cuối nghe bạn bè kể lại, hình như là rất thoảng “Thân nhẹ nhàng như mây”...
“Tôi đang gồng mình cố gắng, tại sao mọi thứ lại nặng nề thế này”. Nghe lại “Heavy” của Linkin Park vừa mới ra mắt đầu năm nay, dẫu dịu nhẹ đi nhiều so với phong cách quen thuộc, nhưng đã thấy rõ một lời trao gửi gánh nặng đời sống.
Như từ ngót 2 thập kỷ trước, Chester đã gào thét xen lẫn những khoảng ngân dài day dứt với “In The End”. Rằng “Tôi đã viết ra những vần thơ này/ Để nhắc nhở chính bản thân mình/ Tôi đã cố gắng biết nhường nào.../ Cái cách bạn chế nhạo tôi thật tàn nhẫn”. Và nữa “Tôi đặt niềm tin của tôi nơi bạn/ Đẩy đi thật xa đến chừng tôi có thể tới”.
“Kiệt tác” nào của những chàng trai chọn cho mình một lối đi với bước chân dấn tới để rồi trong tích tắc không còn quay lại đời sống này? Là những cơn “choáng váng hơn bao giờ hết” như của Watanabe Toru khi đã qua gần nửa đời người, một buổi sáng trên xe tình cờ nghe bản hòa tấu “Norwegian Wood” (Rừng Na Uy) của nhóm Beatles?
Để mới nhận ra những cái chết đã đi qua đời mình.