Đi thuyền, bắt cá trên phố

Đi thuyền, bắt cá trên phố
TP - Cho đến chiều 1/11, hầu hết các tuyến đường Hà Nội vẫn chìm trong biển nước. Giao thông tê liệt. Các “dịch vụ mùa nước ngập” đua nhau hốt tiền.

Ngay từ sớm trên một số tuyến phố bị ngập như Thái Hà, Thành Công đã xuất hiện nhiều chiếc xuồng, thuyền nhỏ bằng sắt và cao su để chở khách. Nhiều người có việc khẩn cấp khi đi qua những đoạn đường này đành phải nhờ đến... thuyền.

Mỗi chuyến đi thuyền trên phố khoảng 30-50m, người đi thuyền phải bỏ ra không dưới 50.000 đồng.

Một thanh niên chèo thuyền trên đường Thái Hà cho biết, từ sáng đến trưa 1/11, anh này đã bỏ túi gần 3 triệu đồng.

Không chỉ dịch vụ chèo thuyền đắt khách mà xe ôm cũng tăng giá. Anh P.Q – phóng viên một tờ báo - đã phải bỏ ra 180.000 đồng để chi trả cho một cuốc xe ôm từ Nguyễn Chí Thanh về đến cuối đường Bà Triệu.

Bắt cá… trên đường phố

Cảnh tượng chưa từng có ở Thủ đô Hà Nội sắp tròn 1.000 năm tuổi là người dân ở một số nơi đua nhau ra đường với nơm, vó trên tay để… bắt cá.

Đi thuyền, bắt cá trên phố ảnh 1

Do nước trong các hồ dâng cao nên nhiều loại cá đã theo dòng nước tràn ra đường phố. Tại đường Nguyên Hồng, Khu Bắc Thành Công, ven sông Tô Lịch, đường Nguyễn Khang, đường Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê…, các “ngư dân… bất đắc dĩ” đã đơm được rất nhiều cá, nhiều con trên 1kg.

Một cảnh tượng “có một không hai” là nhiều người dân ở Thành Công đã sáng kiến dùng lưới vây lại rồi kéo rê trên đường để bắt cá.

Lấy xốp trần nhà làm “xuồng”

Hai ngày liền không có điện, không có nước… nên nhiều sinh viên ở các xóm trọ, KTX đều phải “chinh chiến” bằng mỳ tôm, lương khô. Sáng 1/11, các xóm trọ ở phường Trung Hòa, Trung Yên, Cầu Giấy đã có cuộc “họp khẩn” để lên phương án đi mua lương thực.

Với 20 đến 40 người trong một khu trọ cần phải mua lượng lương thực khá lớn nên nhiều người đã nghĩ ra sáng kiến lấy xốp làm trần nhà gộp lại… làm thành “xuồng”, sau đó để xô, chậu lên trên cho người lội dưới nước đẩy đi mua.

“Bao nhiêu gạo, trứng, mỳ tôm mua gom ở các quán được cho lên “xuồng”, khi đẩy về đến gần nhà thì gặp ô tô chạy qua, thế là sóng hất đổ cả xuống nước”- Đỗ Hiếu (Sinh viên ĐH Giao thông, trú tại 148 Trần Duy Hưng) buồn bã kể.

Sinh viên đổ ra đường kiếm tiền

Đường Trần Duy Hưng (đoạn từ cầu Trung Hòa về siêu thị BigC) từ 10 giờ ngày 31/10 đến chiều 1/11, nước ngập gần 1m. Tất cả các phương tiện giao thông đều bị chìm trong nước.

Hàng chục sinh viên đang trọ tại khu vực Trung Hòa nhân dịp này đã đổ xô ra đường đẩy xe ô tô thuê. “Từ sáng đến trưa, cả nhóm 4 đứa mình đẩy 15 chiếc ô tô bị hỏng máy được hơn 4 triệu đồng” - Anh Tuấn, sinh viên ĐH Giao thông cho biết.

Ngoài đội quân đẩy xe ô tô, nhiều sinh viên đã tỏa ra đường trên tay với dụng cụ để lau bugi.

Theo quan sát của phóng viên Tiền phong tại một số ngả đường bị ngập nặng như Trần Duy Hưng, Thành Công, Láng Hạ, Tôn Đức Thắng, Thái Hà… “đội quân bugi” tỏa đi rất đông. Mỗi lần lau với giá 30 đến 50.000 đồng/xe.

Nhiều phụ nữ “chân yếu tay mềm” không dắt được xe đành phải nhờ đội quân này với giá 150.000 đồng/100m (tiền dắt xe và lau bugi).

Tất cả các trung tâm bảo dưỡng xe máy đều trong tình trạng quá tải. Nhiều nhà dân ở khu vực ngập đã tranh thủ mở dịch vụ cho gửi xe máy với giá 100 nghìn đồng/ngày.

Được biết phía dưới tầng hầm để xe của nhiều tòa nhà chung cư dọc đường Phạm Hùng… đến chiều 1/11 vẫn còn hàng trăm chiếc xe ô tô, xe máy bị ngập nước.

Một học sinh chết đuối, nhiều trẻ vẫn tắm trên… đường

Sáng 1/11, em Trần Tú Quyên, học sinh lớp 7 trường THCS Bế Văn Đàn, Đống Đa trên đường đi học đã bị rơi xuống cống thoát nước trên đường Hồ Đắc Di – Đặng Văn Ngữ.

Theo quan sát của phóng viên Tiền phong sáng 1/11, nhiều học sinh tiểu học vẫn đến trường. Nhiều học sinh sau khi tan học đã không về nhà luôn mà thong dong trên đường để tắm nước.

Nhiều người dân đi qua đoạn đường Láng Hạ lúc 12 giờ trưa đã hoảng hồn khi một đám học sinh bị ngã dúi dụi trong biển nước vì sóng dâng lên sau khi có một chiếc xe ô tô chạy qua.

Theo quan sát của chúng tôi, nhiều người dân sống ven đường vẫn vô tư để cho con nhỏ lội nước chơi trên đường vì “cháu nó thích” mà không biết cạnh đó là các hố ga không nắp đậy, ổ gà sâu.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.