Đi thi… ‘chờ thời’
> Thi vào lớp 1 như thi đại học!
> Bốn đại học ngoài công lập tuyển sinh riêng thế nào?
Đến hẹn lại lên. Phòng GD&ĐT huyện nọ đang rục rịch chuẩn bị tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Đây là một trong những chỉ tiêu thi đua mà giáo viên đăng ký (không bắt buộc) ngay từ đầu năm học, và kèm theo một số điều kiện (theo Thông tư 21/2010/TT - BGDĐT ban hành ngày 20/7/2010).
Ảnh có tính chất minh họa/internet. |
Hội thi là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các trường, được tổ chức định kỳ, theo quy mô từng cấp dưới sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý giáo dục của địa phương và Trung ương. Đồng thời, Hội thi góp phần triển khai các phong trào thi đua trong trường học; khuyến khích, động viên, tạo cơ hội và rèn luyện để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tự học tập và sáng tạo. Qua Hội thi, các cơ sở giáo dục phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tạo động lực phát triển sự nghiệp giáo dục của mỗi địa phương và của toàn ngành.
Ai cũng mong muốn, việc tổ chức Hội thi phải đảm bảo tính khách quan, trung thực, công bằng, có tác dụng giáo dục, khuyến khích động viên giáo viên học hỏi, trao đổi, truyền đạt, phổ biến kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu giáo dục... Nhưng sự đời đâu phải lúc nào cũng bằng phẳng, trơn tru, cầu được ước thấy. Điều đáng bàn ở đây, rằng có một bộ phận nhỏ giáo viên trình độ chuyên môn hơi “nhẹ ký”, đạo đức nhà giáo chưa đi vào chuẩn mực, nhưng vì có quan hệ thân tín, “gan ruột” với cán bộ cao cấp, và được sự “động viên” kịp thời của các vị quan chức nên cũng khăn gói đi thi với hy vọng ấp ủ … “chờ thời”.
Này nhé, muốn bài dạy đa dạng về hình ảnh, sống động về âm thanh và đầy đủ về nội dung, có sức thu hút học sinh,… thì giảng dạy bằng giáo án điện tử là một ưu thế nổi bật đang được nhiều thầy cô đầu tư lựa chọn, vận dụng linh hoạt. Thực trạng đáng buồn là, có giáo viên nọ dù tuổi nghề đã thâm niên, sống ở vùng thuận lợi, kinh tế thuộc diện “ưu”, và đặc biệt là luôn được cây cao bóng cả “che mát” suốt bốn mùa, nhưng không hề biết đến máy vi tính, bàn phím, con chuột là gì. Vậy mà cũng đăng ký thi tuốt. Sống ở cõi đời, ai chẳng muốn tự lực cánh sinh, nhưng năng lực có hạn thì chỉ còn cách là “cậy em em có chịu lời”. Về nhà rảnh rỗi biết cầu cứu ai trợ giúp? Tại sao không tranh thủ tận dụng thời gian vàng ngọc ở lớp để nhờ vả những người “cao tay ấn” về công nghệ thông tin soạn hẳn cho một giáo án điện tử rồi quà cáp, ăn uống, chén chú chén anh, coi đó là sự trả ơn? Đến khi đi thi giống như con robot chỉ cần thao tác kích chuột, enter là xong ngay. Ban Giám khảo đố ai lên tiếng rằng giáo viên nọ không biết trình chiếu powerpoint, không biết sử dụng internet, kỹ năng ứng dụng thông tin?
Thời gian phân bổ ở lớp tập trung vào việc giảng dạy. Tuy nhiên, để hoàn chỉnh “đứa con cưng” mang vinh quang về, nên thầy nọ cô kia đã không ngại bỏ lớp, khoán trắng cho học sinh tự mày mò nghiên cứu bài học trong sách giáo khoa, gây lúng túng và mất phương hướng khi tiếp cận với dung lượng kiến thức khá mới mẻ. Hệ lụy này liên đới đến những bài học về sau. Hàng loạt các tiết học chẳng khác nào “cơm chấm cơm”. Còn các trò thì mặc sức làm chủ không gian lớp học.
Phấn đấu vươn lên, không ngừng nỗ lực để đoạt được danh hiệu là điều đáng khích lệ, biểu dương. Nhưng đừng đánh bóng tên tuổi mình trong khi vay mượn quá nhiều và bản thân chưa thật sự đúng tầm, đủ “lực”.
Vì vậy, bớt đi suy nghĩ ỷ lại khi nhận được sự hậu thuẫn hùng mạnh của các “ông tiên bà thần”. Cần phải để Hội thi diễn ra đúng nghĩa, tích cực và thắp lên ngọn lửa hồng trong mỗi giáo viên.
Theo Thiên Thu
Giáo Dục & Thời Đại