Di tản cưỡng bức người dân New Orleans

Di tản cưỡng bức người dân New Orleans
Cảnh sát và vệ binh quốc gia đã bắt đầu di tản cưỡng bức những ai từ chối rời khỏi nhà của họ. Những người nhất quyết không chịu đi đã bị còng tay và đưa tới các trung tâm tạm trú.

Trong lúc đó Cựu Ngoại trưởng Colin Powell đã lên tiếng chỉ trích sự chậm trễ của Chính phủ Hoa Kỳ trong các hoạt động cứu trợ.

Khoảng 10.000 người tại New Orleans đã không chịu rời thành phố bị ngập lụt và có nguy cơ bị bệnh dịch cũng như ô nhiễm hoành hành bất chấp lệnh di tản bắt buộc của Thị trưởng thành phố.

Nhiều người trong số này nay tình nguyện rời đi trong tình trạng mệt mỏi, cơ thể bị mất nước do thiếu nước uống và đồ ăn cũng như trong nỗi ám ảnh của các xác chết vẫn còn lại trong nước lụt.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người đã bị cưỡng bức tới các trung tâm sơ tán. Ông John Hyman từ Anh tới sống ở New Orleans nói ông không rời đi vì chính quyền không nói rõ cho ông lý do tại sao.

''Tôi không hiểu lý do tại sao. Họ chưa đưa ra lý do xác đáng nào cả. Họ cứ nói chung chung là thành phố không an toàn, nhưng không có gì cụ thể cả. Bản thân tôi cảm thấy an toàn ở đây'.

'Chúng tôi ở xa các vùng ô nhiễm và các chuyên gia y tế tôi hỏi chuyện đều nói rằng không có nguy hiểm gì cho sức khoẻ cả. Tôi nghĩ buộc chúng tôi đi là không hợp lý.'

'Chúng tôi không đề nghị ai giúp đỡ cả và sẽ có nhiều người phản đối lệnh cưỡng bức người dân phải rời nhà cửa'.'

Trong lúc đó Tổng thống Bush đã tuyên bố mỗi gia đình bị ảnh hưởng bởi bão Katrina sẽ nhận được khoản tiền cứu trợ ban đầu là 2.000 đô la.

Tại họp báo ở Nhà Trắng, ông Bush cũng tuyên bố ngày 16/9 sẽ là ngày tưởng niệm các nạn nhân.

Bất bình

Khoảng 100 người cũng đã biểu tình ở bên ngoài Nhà Trắng để phản đối sự chậm trễ của Chính phủ. Một trong số họ phát biểu: ''Tổng thống Bush phải nhìn vào gương đi.'

Rõ ràng là ông ấy bàng quan, bác bỏ các vấn đề và sự thiếu năng lực của chính quyền đang làm cho đất nước lâm nguy''.

Sự tức giận của người dân cũng có thể thấy qua chuyến thăm của các quan chức cao cấp của chính quyền Hoa Kỳ tới các bang bị ảnh hưởng bởi bão Katrina.

Tại Mississippi, một người dân đã có những lời tục tĩu với Phó Tổng thống Dick Cheney.

Trong khi đó cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Colin Powell cũng đã chỉ trích sự chậm trễ trong phản ứng của chính quyền. Ông nói ông không thể hiểu nổi tại sao người ta không chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để phòng tránh bão.

Trong một cuộc phỏng vấn truyền hình ông Powell nói những người bị kẹt lại ở trong thành phố hiện nay chỉ đơn giản là vì họ là những người nghèo.

Sự chỉ trích của một nhân vật có uy tín như ông Powell sẽ làm cho những tranh cãi xung quanh các cố gắng cứu trợ thêm sôi sục. Một cuộc thăm dò ý kiến của Trung tâm Nghiên cứu Pew của Hoa Kỳ cho thấy 2/3 số người Mỹ gốc Phi được hỏi nói Chính phủ sẽ phản ứng nhanh hơn nếu các vùng bị ảnh hưởng có đa số dân da trắng.

Hôm qua, Quốc hội Mỹ cũng đã phê chuẩn một dự luật nhằm cung cấp 51,8 tỷ đô la cho các nỗ lực cứu hộ tại New Orleans. Trong lúc đó khoảng 25 ngàn túi đựng xác người đã được gửi tới thành phố New Orleans, nơi người ta lo sợ hàng ngàn người bị thiệt mạng.

MỚI - NÓNG