Đi qua những phận người

0:00 / 0:00
0:00
TP - Họ là những phận người tận cùng của sự nghèo khó, khổ đau. Tình cờ gặp và viết, thâm tâm tôi chỉ mong ai đó có lòng thiện nguyện đọc được và giúp họ vượt qua khó khăn trước mắt. Nhưng hơn cả sự mong đợi, không ít người, nhờ những “tình cờ” ấy mà thay đổi cuộc đời, bước sang trang mới, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Duyên phận với người nghèo

Năm 2009, trong một lần về các làng quê ở Hà Tĩnh tìm người giúp việc gia đình, tình cờ tôi gặp một cô bé gầy đét chừng mười bốn, mười lăm tuổi ở đầu làng, rụt rè xin được về ở giúp việc cho gia đình tôi. Hỏi ra mới biết, cháu là Phạm Thị Loan (SN 1994), nhà ở thôn Trung Sơn, xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà. Cháu đã học xong lớp 9 và vừa thi đậu vào lớp 10, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, cháu quyết định nghỉ học, tìm việc làm để em gái Phạm Thị Phượng (SN 1997) có cơ hội tiếp tục đến trường.

Đi qua những phận người ảnh 1

Ba mẹ con bà Hương cùng Loan và Phượng trước ngôi nhà mà tôi gặp cách đây 13 năm

Trên con đường nhấp nhô men theo bờ ruộng dẫn tôi về nhà, Loan kể: Ba cháu bị bệnh tâm thần nhẹ, người làng gọi là man man, còn mẹ đau yếu suốt không làm được việc gì. Ngôi nhà tranh xiêu vẹo cũng nhờ bà con làng xóm dựng cho để có chỗ gia đình Loan chui vào, chui ra. Loan nói, cháu rất muốn đi học nhưng không thể tiếp tục nữa, nên tính đường đi ở để đỡ một miệng ăn và kiếm thêm ít tiền mua sách vở cho em chuẩn bị vào lớp 7.

Đi qua những phận người ảnh 2

Hai chị em Loan và Phượng hiện nay

Mẹ của Loan, bà Đào Thị Hương (SN 1964), gầy quắt queo từ trên chiếc giường ọp ẹp, nặng nhọc bước ra chào khách. Nước mắt lưng tròng, bà tâm sự: Bà học chưa hết lớp 3, còn chồng bà thì mù chữ, nhờ trời thương, hai đứa con đều học giỏi. Lần lượt đứa chị rồi đến đứa em, cả hai nhiều năm liền đều đoạt giải nhất Văn Toán toàn huyện.

Bà Hương đứng lên giường với tay lấy một tập giấy dày cộp dắt trên mái nhà xuống trải lên bàn cho tôi xem. Tập giấy úa vàng và bị chuột gặm nham nhở toàn là giấy khen, giấy chứng nhận giải nhất Văn Toán tiểu học toàn huyện, giải nhất vở sạch chữ đẹp toàn huyện, thư khen của hiệu trưởng nhà trường... của hai chị em Loan và Phượng.

Cả ba mẹ con bà Hương đã khóc nức nở khi tôi không đồng ý nhận cháu Loan về giúp việc và khuyên gia đình nên cố gắng cho cháu tiếp tục đi học. Vừa ám ảnh, vừa tiếc nuối cho một học sinh con nhà nghèo học giỏi, tôi viết bài “Cháu không thể đến trường được nữa” đăng trên Tiền Phong, với hi vọng cháu Loan sẽ nhận được sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm.

Đi qua những phận người ảnh 3

Ngôi nhà mới mà hai chị em Loan, Phượng xây lại cho cha mẹ vào năm ngoái

Cũng không kém phần bi đát, năm 2010, trong một chuyến công tác tôi tình cờ gặp 4 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang tuổi ăn, tuổi học ở với ông bà ngoại đã ngoài 70 tuổi ở thôn Đông Thành, xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Cha mẹ của các cháu bị bệnh ung thư, chỉ trong vòng một năm các cháu mất cả cha lẫn mẹ. Không nhà cửa, ông bà nội thì đã mất, các cháu về ở với ông bà ngoại già yếu, không lương hưu, không ruộng vườn, suốt ngày mò cua bắt ốc ven bãi bồi kiếm sống qua ngày.

Thời điểm tôi gặp, cháu đầu Hoàng Thị Tuyết, đang học năm thứ 3, Cao đẳng Việt Nam học; cháu thứ hai là Hoàng Thị Nhung, đang học năm thứ 2, CĐSP âm nhạc ở trường Đại học Quảng Bình; cháu thứ 3 là Hoàng Thị Minh, đang học lớp 10, trường THPT số 2 Quảng Trạch; và cháu trai út mới hơn 2 tuổi. Nếu không có sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm và các đoàn thể chắc chắn các cháu sẽ thất học. Bài báo Bốn cháu mồ côi và nguy cơ “giữa đường đứt gánh” được đăng tải trên Tiền Phong…

Tình cờ gặp lại

Khoảng năm 2012, trong một lần làm việc với Ban QLDA Nhiệt điện Vũng Áng, Hà Tĩnh, trong lúc đang chờ lãnh đạo dự án ra gặp, một nhân viên nữ mang nước ra mời tôi. Vừa trao li nước cho tôi, cô ấy reo lên “Ôi! chú Nam”. Khi tôi đang ngớ người, thì cô bé nhanh nhảu: “Cháu là Tuyết đây, nhân vật trong bài báo của chú đây!”.

Chưa kịp hỏi chuyện thì lãnh đạo Ban QLDA đi ra, chúng tôi vào việc, cô bé cũng rút vào trong. Sau khi xong việc, tôi có hỏi chuyện về cô bé, một lãnh đạo Ban QLDA Nhiệt điện Vũng Áng cho biết: Tình cờ biết được gia cảnh của gia đình cháu Tuyết qua bài báo đăng trên Tiền Phong, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã quyết định giúp đỡ nuôi các cháu ăn học. Sau khi cháu Tuyết ra trường, Tập đoàn đã nhận vào làm ở đây. Lương của Tuyết cũng đủ sống và giúp đỡ phần nào cho các em, nhưng Tập đoàn vẫn tiếp tục nuôi các cháu cho đến khi trưởng thành.

Mới đây khi có dịp đi qua xã Bắc Sơn, tôi quyết định ghé thăm gia đình bà Hương, xem các cháu giờ ra sao. Đứng trước ngôi nhà mới khang trang, cửa đóng im lìm, tôi cứ ngờ ngợ không biết mình có nhầm nhà? Tôi gõ cửa, một thiếu nữ xinh xắn bước ra, hỏi “chú tìm ai?”. Khi tôi nói tên và muốn tìm nhà bà Hương, cô bé nhảy cẫng lên “Ôi chú Nam, cháu Phượng đây”.

Phượng cho biết, mẹ đang đi nuôi cha ở bệnh viện vì bệnh viêm cầu thận. Cháu xin nghỉ việc vừa từ Hà Nội về để đỡ đần thêm cho mẹ. Phượng kể, sau khi bài báo được đăng tải có nhiều nhà hảo tâm gửi sách vở, áo quần và tiền về cho, trong đó có một chú tên Khiêm, ở Hưng Yên, có xưởng mây tre đan, kinh doanh nhà hàng, khách sạn đã nhận nuôi hai cháu đến hết đại học.

Loan học hết cấp 3, vào học Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật, Thương mại ở TP. Vinh (Nghệ An). Sau khi học xong, ông Khiêm đã nhận Loan vào làm ở công ty của mình và hiện Loan đang tiếp tục học ngành Kế toán tại Trường Kinh tế quốc dân Hà Nội. Còn Phượng sau khi học xong đại học kế toán tại Trường Giao thông Vận tải, được một công ty tại Hà Nội nhận vào làm. “Lương hai chị em mỗi người mỗi tháng cũng được 10 triệu đồng. Thấy ngôi nhà của ba mẹ còn rách nát, hai chị em gom góp, tiết kiệm, năm vừa rồi về xây lại ngôi nhà hết khoảng 600 triệu đồng. Chú Khiêm tốt lắm, nghe hai cháu xây xong nhà cho cha mẹ, liền gửi 20 triệu về mua tặng một chiếc tivi đặt ở phòng khách” - Phượng chia sẻ.

Qua điện thoại, Loan cho biết: Hiện đang làm kế toán, kiêm lễ tân khách sạn thuộc công ty của ông Khiêm ở Hưng Yên. “Nếu không gặp chú, không gặp chú Khiêm, không biết gia đình cháu, và tương lai của cháu và Phượng giờ ra sao nữa. Cháu chẳng biết nói gì ngoài sự cảm ơn sâu sắc đến những người đã giúp đỡ gia đình cháu thời gian qua và cho bọn cháu một tương lai tươi sáng như ngày hôm nay” - Loan xúc động nói.

Hỏi chuyện chồng con, Loan cười bảo, lúc nào học xong đại học kế toán và lo cho cha mẹ có cuộc sống khá hơn, mới tính đến chuyện lấy chồng. Và Phượng cũng vậy, cả hai chị em luôn có ý thức phấn đấu, tiết kiệm và nghĩ đến cha mẹ nghèo khó của mình đang ở quê nhà.

MỚI - NÓNG