Đi qua đá núi, đi qua sương mù

0:00 / 0:00
0:00
Nữ giám đốc Sùng Thị Sy
Nữ giám đốc Sùng Thị Sy
TP - Sinh năm 1989, từ chỗ không biết chữ, không có công việc ổn định, thường xuyên bị chồng bạo hành, chị Sùng Thị Sy (dân tộc Mông, ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đã “đi qua đá núi, đi qua sương mù” trở thành giám đốc điều hành một HTX, rồi từ đó vươn tay kéo đỡ nhiều phận người cũng từng mờ mịt như mình.

“Trước đây lúc nào đi cũng cúi đầu”

Năm 2018, tôi gặp Sùng Thị Sy trong chuyến đi khảo sát về bình đẳng giới của một tổ chức phi chính phủ. Lúc ấy, Hợp tác xã (HTX) dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A (hay còn gọi là HTX Lanh Trắng chuyên sản xuất các mặt hàng dệt lanh, thêu trang phục truyền thống) mới thành lập, Sy là nhân viên bán hàng thổ cẩm trong dinh thự nhà Vương, nói tiếng phổ thông còn ngượng và lúc đi luôn cúi đầu.

“Người Mông sống trên núi cao, muốn mang, chuyển cái gì cũng dùng vai gùi, vác thành ra đi cứ phải cúi về phía trước. Tôi thường cúi thấp hơn vì hay bị chồng đánh. Cúi cho đỡ xấu hổ”, Sy kể.

Giống như nhiều phụ nữ người Mông khác, Sy sinh ra trong gia đình đông con, không được đi học, đến tuổi thì lấy chồng, sinh con. Công việc mỗi ngày chính là làm nương, cuốc rẫy, tra hạt, gùi nước, kiếm củi, nuôi lợn, xe lanh, dệt vải, nấu ăn, giặt giũ… Những công việc không tên làm mãi không hết nhưng vẫn không có vị thế gì trong gia đình chỉ bởi những việc ấy “không ra tiền”.

Chồng Sy cũng là một thanh niên người Mông thất học, bình thường ở nhà làm nương với vợ, thi thoảng qua biên giới làm lao động “chui”. Sy kể: “Khi chồng đi làm xa nhà thì thôi, chứ cứ về uống rượu là đánh vợ, khi nó tỉnh rượu lại không nhớ gì, không nói gì”. Sy còn bảo: “Nhiều lần muốn bỏ nó, bỏ nhà để đi làm thuê ở chốn nào đó, nhưng có các con rồi lại thương con, không nỡ đi”.

Đi qua đá núi, đi qua sương mù ảnh 1

Chị Sy thực hiện công đoạn lăn lanh nặng nhọc

Lúc HTX Lanh Trắng thành lập, chị Vàng Thị Cầu (người sáng lập HTX) đến tận nhà vận động Sùng Thị Sy vào làm việc. Khi trở thành nhân viên bán hàng của HTX, Sy vẫn bị chồng đánh thường xuyên, nhất là những hôm nhiều việc, phải làm thêm, về muộn. Về sau, chị Cầu dứt khoát “mời” cả chồng Sy vào HTX, trở thành lao động nam duy nhất chuyên làm các công việc nặng nhọc như bê vác hoặc giao hàng. Từ đó, gia đình Sy yên ổn hẳn, hai vợ chồng đều có việc, có lương, Sy không còn bị đánh như trước.

Mang tâm lý biết ơn “cái HTX này”, Sy nỗ lực gấp đôi làm tốt tất cả mọi việc đến tay, từ xe sợi, dệt vải, may vá, bán hàng, cùng mọi người nghĩ mẫu mới. Chị còn học thêm tiếng Anh, học cách đọc chữ, cộng số... Có những việc rất nặng nhọc, như đứng trên một cái trục bằng đá rồi lăn qua lăn lại cho sợi lanh mềm ra, mỏng đi, chỉ còn phần dai nhất, mảnh nhất. Người nào nhẹ quá, yếu quá không làm nổi...

Không lâu sau Sy được bầu làm Giám đốc điều hành HTX. Chỉ trong chưa đầy ba năm, cô như thoát thai hoán cốt. Nhìn Sy bây giờ, không ai liên hệ được nữ Giám đốc tự tin, đảm lược dẫn dắt hơn 90 nhân viên cố gắng trụ vững trong đại dịch COVID-19 với cô Sy đi lúc nào cũng cúi đầu lúc trước.

Đi qua đá núi, đi qua sương mù ảnh 2
Tranh: Kim Duẩn

“Vững tay chèo lái”

Tôi nhớ, khi thuyết phục khách mua hàng thổ cẩm của Lanh Trắng, Sùng Thị Sy, lúc ấy đang là nhân viên bán hàng giới thiệu: đồ này đều nhuộm bằng lá cây, củ quả trên rừng nên màu đẹp, tự nhiên, độ bền cao, không ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Một người bạn tôi hỏi đồ có bền không, Sy gật đầu khẳng định: mặc được 10 năm không hỏng, càng dùng vải càng mềm!

Một trong những đóng góp của Sy với HTX chính là việc cùng các chị em cải tiến khung dệt. Trước đây người Mông chỉ dệt được vải lanh khổ 50cm, hiện giờ HTX đã cải tiến dệt được khổ 75cm và tiến tới sẽ đến khổ 90cm, thuận lợi hơn nhiều cho việc may vá. Từ một cửa hàng nho nhỏ trong khuôn viên dinh nhà Vương, Lanh Trắng đã mở rộng thành bốn điểm bán hàng và chạm đến thị trường xuất khẩu.

Từ đầu năm 2020 do dịch bệnh, bốn điểm bán hàng phải đóng cửa ba, một điểm còn lại gần như không có khách mua. Hàng làm ra cũng không xuất được đến Canada, Úc, Ý, Nhật... như trước nữa.

Cuộc sống của hơn 90 con người và hơn 40 hộ gia đình liên kết trồng lanh cũng gần như bị đóng băng theo dịch. Để tìm cách tiêu thụ hàng, Sy và các chị em liên hệ với những cán bộ ở các tổ chức phi chính phủ, nhờ họ giới thiệu website HTX lên các trang mạng bằng tiếng Anh để thu hút khách nước ngoài. Lúc ấy, chính Sy cũng không biết, quy trình này được người ta gọi là sàn giao dịch điện tử. Khi có giao dịch, nếu đơn giản thì dùng Google dịch, nếu phức tạp hơn thì nhờ con cháu có tiếng Anh để trao đổi. Nhờ sáng kiến này, sản phẩm của Lanh Trắng vẫn túc tắc bán được trong mùa dịch.

Tranh thủ thời gian vãn khách, các chị em trong HTX lại động viên nhau học thêm tiếng Anh và các kỹ năng phục vụ du lịch. Những bàn tay xưa nay chỉ quen với việc xe lanh, dệt vải, giờ thoăn thoắt thao tác trên điện thoại. Họ học cách chụp ảnh, quay video giới thiệu sản phẩm, cả cách livestream và “bắn” phụ đề.

“Những công đoạn tước lanh, vê, quay, xe sợi, nhuộm màu và dệt... phải quay sao không quá dài mà vẫn đủ quy trình. Mỗi video chỉ có hai ba phút nhưng chúng tôi phải học đi học lại vì hay bị mờ, nhòe... Nhiều khách phản hồi họ mua hàng vì nhìn được một phần công việc làm ra một sản phẩm thổ cẩm”, Sy cho biết.

HTX Lanh Trắng - nơi chị Sùng Thị Sy làm Giám đốc điều hành cùng với Hội LHPN huyện Đồng Văn đang nuôi dạy 50 cháu có hoàn cảnh đặc biệt (bố hoặc mẹ mất, hoặc đi làm ăn xa, bơ vơ không nơi nương tựa).

Hiện nay, để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của khách, HTX Lanh Trắng không chỉ may, thêu trang phục truyền thống mà còn mở rộng mặt hàng, đa dạng các sản phẩm từ lanh như: Túi xách, ví, túi đựng điện thoại, tranh treo tường, ga, gối... Sản phẩm không chỉ được bày bán tại Dinh thự nhà Vương mà còn được bán rộng rãi tại các điểm du lịch ở phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Hà Nội…, và được trưng bày tại một số sự kiện của Liên hợp quốc.

Ngôi nhà chung của phụ nữ yếu thế

Các thành viên của HTX Lanh Trắng phần lớn là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế. Trong đó có 2 người bị mua bán quay trở về tái hòa nhập cộng đồng, 2 người bị tàn tật, 11 người là nạn nhân từng bị bạo lực gia đình, 5 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong thôn, xã.

Ngoài duy trì việc làm cho hơn 90 thành viên, Lanh Trắng còn thực hiện mô hình liên kết, hỗ trợ sản xuất với các hộ gia đình trong 15/19 xã, thị trấn thuộc huyện Đồng Văn trồng cây lanh nguyên liệu. Đối tượng thực hiện liên kết là những gia đình thuộc diện đói nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chị em là nạn nhân của bạo lực gia đình và buôn bán người. Tham gia liên kết với HTX, chị em có thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, năm 2018, lần đầu tiên Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp”. Trong số 137 đề án khởi nghiệp thì đề án “Phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên” của HTX Lanh Trắng là một trong 5 đề án xuất sắc nhất được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ vốn mức cao nhất (100 triệu đồng) để tiếp tục phát triển. Năm 2019, đề án “Hỗ trợ phụ nữ nghèo” của HTX Lanh Trắng tham gia Ngày hội “Phụ nữ khởi nghiệp” cũng được xếp vào tốp 20 đề án nhận giải của năm.

Giúp người cùng cảnh

Bản thân từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, những ngày đầu HTX Lanh Trắng mới thành lập, Sy luôn nghĩ đến những phụ nữ cùng cảnh như bà Sùng Thị Say, dân tộc Mông, 55 tuổi ở xã Sủng Là là người tàn tật, không có sức khỏe để làm nương và các công việc nặng nhọc; chị Giàng Thị Già, dân tộc Mông, 23 tuổi do nhẹ dạ cả tin đã từng bị lừa sang Trung Quốc… Cô đã cùng các thành viên sáng lập đến từng nhà những người không có việc làm, gia cảnh khó khăn trong xã Sà Phìn, động viên họ tham gia HTX để có việc làm, có thu nhập ổn định. Những người ấy sau này đều coi HTX như nhà, nhờ công việc ở đây họ có thu nhập bình quân 6 triệu đồng mỗi tháng, gấp gần 10 lần thu nhập của cả nhà trước đây.

“Dù mới làm chưa lâu nhưng các chị em trong HTX đã thấy mình tự tin lên rất nhiều. Có công ăn việc làm, họ có tiền để mua sắm cho con cái, bản thân và cả mua quà cho mẹ nữa. Chồng thấy vợ tự kiếm ra tiền, không xin tiền mình, cũng không dám đánh mắng vợ nữa. Các chị em có công việc, có thu nhập, có cuộc sống dễ chịu hơn nên không bỏ nhà ra đi nữa” - Sùng Thị Sy chia sẻ.

Càng làm, Sy lại càng ý thức được “lợi đơn lợi kép” từ nghề trồng lanh dệt vải. Ngoài tạo công ăn việc làm, cho thu nhập, công việc này còn góp phần gìn giữ truyền thống của người Mông.

HTX Lanh Trắng được thành lập từ 11/2017 với nguồn vốn từ chương trình 135, nghị quyết 30a về giảm nghèo của Chính phủ, ban đầu chỉ có hơn 20 thành viên. Hiện HTX có hơn 90 thành viên (thu nhập bình quân 6 triệu đồng/ tháng), hơn 40 gia đình liên kết trồng lanh cung cấp nguyên liệu dệt (thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/ người/ tháng).

“Nghề dệt vải lanh và thêu đã có từ lâu đời. Để làm ra được các sản phẩm thổ cẩm từ cây lanh có màu sắc đẹp, đường nét tinh xảo và độ bền cao phải trải qua trên 40 công đoạn, đòi hỏi người dệt phải rất kiên trì, nhẫn nại và khéo léo nên thế hệ trẻ của người Mông rất ngại và lãng quên dần truyền thống này”, Sy cho biết.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Quốc hội: Những gì đã hứa phải thực hiện nghiêm!
Chủ tịch Quốc hội: Những gì đã hứa phải thực hiện nghiêm!
TPO - “Quốc hội rất sốt ruột, làm sao luật có rồi chúng ta phải có nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý Chính phủ, các bộ phải xem xét, những gì đã hứa trước quốc dân đồng bào thì phải thực hiện thật nghiêm. Đến nay, Luật Đất đai còn 2 nghị định, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản còn 1 – 2 thông tư. Theo báo cáo cách đây ít ngày, mới có 12/63 địa phương có hướng dẫn thi hành...