Đi Mỹ, chuyện bây giờ mới kể - Kỳ I: Chuyện về các vệ sĩ

Đi Mỹ, chuyện bây giờ mới kể - Kỳ I: Chuyện về các vệ sĩ
Những câu chuyện về vệ sĩ thì có nhiều nhưng mấy ai biết rõ công việc của những vệ sĩ làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho các yếu nhân khi ở nước ngoài.
Đi Mỹ, chuyện bây giờ mới kể - Kỳ I: Chuyện về các vệ sĩ ảnh 1
Một trong những đội cảnh sát bảo vệ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải

Khách sạn 5  sao Fairmont Olimpic của thành phố Seattle thuộc bang Washington là nơi dừng chân đầu tiên của Thủ tướng và đoàn  đại biểu Việt Nam. Toàn bộ tầng 11 dằng dặc như một ngách phố là nơi nghỉ của Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tôi nhận thấy nút bấm có con số 11 ở hệ thống cầu thang không phải lúc nào cũng sáng! Lý do có lẽ chỉ những người phụ trách an ninh của Việt Nam và Hoa Kỳ mới biết được mà thôi(?).

Có thể là hạn chế người đến tầng 11? Có thể là không thể đến  tầng 11 là nơi ở của Thủ tướng Việt Nam vào một cái giờ không thích hợp nào đó? vv...

Có điều hơi kẹt đối với nhóm ký giả đi theo đoàn là tại vị trí cuối tầng 11 ấy lại là Business Center (mà tôi tạm gọi tắt là phòng B.C), một cái phòng rộng có đặt nhiều máy FAX và nhiều màn hình computer để có thể tác nghiệp dễ dàng.

Mỗi bận lên tầng 11 để meo miếc, vừa ra khỏi cầu thang là tôi đã, lần đầu thì cứng cả người bởi hai vệ sĩ Mỹ (mà lạ, tinh người da đen, như hai ông hộ pháp, mình có cố nhón chân lên thì cũng chỉ đến nách họ) kèm kè kè đến phòng B.C.

Đó là những nhân viên của cơ quan an ninh Mỹ làm nhiệm vụ trực gác nơi ở của Thủ tướng ta. Không rõ họ có bao nhiêu người nhưng lần nào ló lên chỗ cầu thang này, bất luận vào buổi tinh mơ hay khuya khoắt đều bị kèm như thế.  Ngó trang bị hành nghề của họ mới hãi: Vòng bụng vốn đã bự lại có một cái đai đen sì quặp chặt trên đó lỉnh kỉnh những là súng, những dùi cui, bộ đàm dự trữ, những đèn những còng...

Cũng có khi hai ông hộ pháp ấy lại ục ịch cứng đơ trong bộ comlê đen thẳng tắp nhưng trên vành tai lại trắng ởn chiếc cần của một máy bộ đàm. Họ kèm tôi đến phòng B.C để trao cho một phụ nữ Mỹ tên là Barbara, người cũng hơi sồ sề và cực tốt bụng.

Mỗi khi có ký giả Việt Nam, bà đều nhã nhặn hỏi cần gì và không quên mang tới một cốc cà phê hoặc chè tùy yêu cầu của từng người. Lại thông thạo kỹ thuật máy móc.

Bàn máy nào trục trặc gì đó, không như các B.C ở những nơi tôi tới là chỉ cho khách sang bàn khác, bà chỉ tí toáy một tẹo là đã đâu vào đó. Có lẽ mối thiện cảm đầu tiên khi đến nước Mỹ là cánh ký giả chúng tôi dành cho bà Barbara này chăng?

Một bận tôi vừa ló ra khỏi cầu thang như thế, kè kè tôi sang phòng B.C chỉ có một ông hộ pháp, còn người thứ hai săn chắc dong dỏng, thoạt ngó qua cũng biết là người châu Á. Anh chàng đi bên tôi một quãng rồi quay sang cười thân mật chào anh...

Tôi ngạc nhiên, anh vệ sĩ này nói tiếng Việt tuy lơ lớ nhưng mạch lạc lắm. Ngạc nhiên hơn khi nghe những âm sắc Việt tiếp theo mà tôi biết được, anh tên là Lâm quê ở Bình Thuận. Tới phòng B.C rồi nhưng tôi đành bai cái cười cởi mở của bà Barbara nọ, ngần ngừ một tẹo để tạm dứt việc meo miếc, lộn trở lại chỗ thang máy.

Đứng ở chỗ vệ sĩ làm nhiệm vụ như thế này có lẽ cũng bất tiện nhưng câu chuyện lúc đứt lúc nối với một nhân viên an ninh của Phủ Tổng thống Mỹ có tên là Lâm này khiến tôi nếu có bị nhắc, bị cản thì cũng đành liều vậy!

Quê Lâm ở Bình Thuận nhưng anh sang Mỹ từ hồi còn bé tí. Việc mưu sinh của ba má Lâm hồi đầu mới tới đất Mỹ cũng chả phải dễ dàng gì. Có một thời gian dài cả nhà phải đi làm thuê. Cả Lâm cũng vậy. Nhưng tới giờ nhà Lâm cũng đỡ rồi.

Ba má Lâm có một qui định ngặt nghèo khắt khe với mấy anh em Lâm là ra đường nói thứ tiếng chi thì mặc, nhưng đã ở nhà, mặc dù thời gian cả nhà với nhau cũng chả có bao nhiêu nhưng dứt khoát phải nói tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ! Trở thành nhân viên an ninh của Phủ Tổng thống không phải đơn giản! Nhưng Lâm trong số rất ít người Việt đã vượt qua được!

Nước Mỹ mênh mông. Nước Mỹ chằng chịt các thứ luật lệ, có nhiều thứ kỳ quái gây khó chịu cho không ít người... Nhưng nước Mỹ có một hành lang, một lối đi thông thoáng cho những người có tài có khả năng của 134 quốc gia  nhập cư vào đất Mỹ gần hai trăm năm nay.

Lâm từ Washington được cử về Seattle làm nhiệm vụ. Lúc đầu Lâm không biết đối tượng cần bảo vệ là ai mà chỉ khi tới Seattle mới biết là đi đảm bảo an ninh cho một yếu nhân Việt Nam! Rồi sau đó mới biết là bảo vệ Thủ tướng Phan Văn Khải...

Tôi cũng chả ngạc nhiên khi lưng vốn của Lâm về quê cha đất tổ có không ít điều tụt hậu, thậm chí méo mó do Lâm phải đứng phải nghe ở phía chỉ có gió độc một chiều quá lâu. Lâm chưa hiểu chuyện ai cũng có thể đầu tư làm ăn ở trong nước.

Chuyện Nguyễn Cao Kỳ về nước thì Lâm biết nhưng chưa biết ông Kỳ đã được đón tiếp ở trong nước ra sao, và cả việc ông Kỳ còn đầu tư làm ăn ở đảo Tuần Châu như thế nào, cả chuyện ông Kỳ vác gậy đi đánh gôn ở sân gôn Đồng Mô, Ngải Sơn quê hương của ông nữa... Lâm thực sự ngạc nhiên và thích thú khi nghe những chuyện đại loại như thế bên nhà.

Loay hoay việc meo miếc một hồi, tôi lộn trở ra  xuống phòng để lấy cái máy ảnh thì Lâm và ông hộ pháp kia đã không còn tại vị trí bên cửa thang máy nữa! Họ thay ca? Đang tần ngần thì tôi đụng Q với cái cười thân mật trên khuôn mặt điển trai...

Có lẽ cũng phải nói qua một chút về người vệ sĩ riêng của Thủ tướng ta... Do công việc và nhiều chuyến đi công tác ở nước ngoài, mà nhóm báo chí tháp tùng trong đó có tôi quen biết Q. và B. là hai cận vệ riêng của Thủ tướng.

Trong những chuyến đi công cán như thế, nếu không quen thì khó ai biết được họ đang làm cái nghề đặc biệt ấy mà ngỡ hai chàng trai trong bộ đồ phẳng phiu cắt rất khéo vừa khít với khổ người dong dỏng là nhân viên của Văn phòng Chính phủ hoặc người của Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao!

Nhiều bận trong những lúc gặp thoáng qua, sau cái vỗ vai thân mật chừng như quá thông hiểu công việc của anh em ký giả đi theo đoàn nên Q. hé cho những thông tin trong chừng mực cho phép! chẳng hạn như Q. đang hỏi tôi đã gặp một vệ sĩ của Phủ Tổng thống Hoa Kỳ là người Việt chưa?

Hóa ra ngoài Lâm, còn có một người nữa tên là Thuận và một cô gái nữa, bố mẹ cô quê ở An Giang mà Q. chưa kịp nhớ tên... Tôi đang thốt ra cái khó là không chụp được ảnh Lâm và chưa gặp được hai đồng nghiệp của Q. như anh vừa nói thì Q. cười rằng nhà báo chớ vội nản, bởi có thể họ cũng có mặt trên chuyến chuyên cơ tháp tùng Thủ tướng ta từ Seattle đi Washington DC chăng? (Rất tiếc ngày hôm sau, trên chuyến chuyên cơ ấy, tôi đã không gặp ba đồng nghiệp người Việt của Q. Có thể họ đi bằng phương tiện khác?

Có thể họ ẩn ở vị trí nào đó trên chiếc Boeing- 777 khổng lồ kia? Chịu, ai mà biết được công việc lẫn hành trình của cái nghề đặc thù ấy?).

Bữa chặng đi trên chuyên cơ, tôi mục kích anh bạn đồng nghiệp băn khoăn với Thượng tá Nguyễn Giao Thiệp, Phó tư lệnh cảnh vệ phụ trách trực tiếp an ninh của đoàn đi rằng tại sao hồi ông Bill Clinton sang Việt Nam, đội ngũ vệ sĩ có tới non trăm người mà vệ sĩ của ta trong chuyến đi này lại mỏng, đếm chưa hết mười đầu ngón tay như vậy?

Rằng những thành phố mà đoàn qua, những điểm đoàn tới tình hình an ninh chưa phải là suôn sẻ, nhất là sự có mặt của nhóm người Việt lưu vong quá khích vv... và vv...

Nhưng suốt trong quá trình trao đổi, chúng tôi cấm moi được từ người phụ trách an ninh của đoàn những chuyện hoặc thông tin nào cụ thể cả mà chỉ nhận được cái cười thông cảm có thể hiểu đại loại rằng là mọi chuyện đã đâu vào đó, rằng các ông nhà báo chớ nên tọc mạch vào việc này! 

Nhưng tôi biết trước chuyến đi có cả tháng, trong bộ phận tiền trạm có nhiều thành phần, vị phó Tư lệnh này cũng đã có mặt đi đến từng điểm, đã làm việc cụ thể trước với an ninh Hoa Kỳ từng việc một.

Có không ít khó khăn, nhưng an ninh Hoa Kỳ đã nhiệt tình cộng tác trong phương án bảo vệ an ninh cho Thủ tướng và đoàn ta. Đã đành là an tâm nhưng ai mà biết mà lường hết những phát sinh, những trục trặc?

Nhiều lần đi, nhất là chuyến thăm lịch sử này, tôi cứ nghiệm rằng cứ căn cứ vào vệt quầng thâm quanh mắt của ông Thiệp, của Q. của B. là có thể láng máng biết được mức độ tình hình an ninh đến đâu?! Nhưng có lẽ cũng may, bởi cái tỷ lệ thâm quầng trong chuyến đi hình như chỉ xuất hiện in ít bữa.

Hôm ở một hội trường ở Washington D. C, doanh nhân Việt Mỹ tổ chức hội thảo có mặt của Thủ tướng, tôi nhác thấy Q. chĩnh chiện trong bộ vét màu nhạt quen thuộc thấp thoáng đâu đó trong hội trường đông chật những người.

Tôi láng máng trong những cuộc như thế này, mặc dù an ninh Mỹ có vô khối các biện pháp nghiệp vụ nhưng khó mà ngăn hết một vài anh người Việt quá khích nào đó.

Và bất kỳ thành viên dự hội thảo nào cũng có quyền đặt câu hỏi đối với Thủ tướng! Mà một khi những câu hỏi đặt vào miệng những kẻ đi chệch nội dung hội thảo hoặc đi ngược lại lợi ích của dân hai nước Việt - Mỹ mà Tổng thống Bush đã từng tuyên bố rõ ràng tại phòng bầu dục Nhà Trắng thì tình thế những buổi hội thảo như thế này sẽ bất lợi như thế nào.... 

Tôi chợt nhác thấy vẻ căng thẳng trong cái cười quen thuộc của Q. Anh đang đi tới gần mấy nhân viên vệ sĩ hộ pháp của Hoa Kỳ đứng gần cửa ra vào...

Một lúc sau, hai ông hộ pháp tách ra tới gần một tốp người Việt đứng cuối phòng. Cuộc hội thảo vẫn diễn ra không ai để ý tới cảnh có hai ông hộ pháp đứng kè kè bên hai ông người Việt ăn mặc chỉn chu. Hai người này đi tới đâu hai ông hộ pháp kè theo tới đó. Có những câu trao đổi gì đó, lúc đầu nhỏ sau hơi to...

Rồi lúc sau tôi thấy hai người kia đi trước, tinh mắt mới thấy hai ngón tay cái của ông hộ pháp thúc vào lưng hai người. Họ bị dẫn ra khỏi phòng một cách khéo léo. Cuộc hội thảo diễn ra thành công, an ninh được đảm bảo.

Bữa sau, tôi có tò mò hỏi thì Q. cười, bảo rằng anh nghe một trong hai kẻ hôm qua ấy nói vào máy di động cái câu vu vơ  rằng Chúng mày cứ mở máy, chút nữa tao sẽ hỏi ông Thủ tướng(!?). Rằng người lương thiện ít khi có khẩu khí như vậy!

Trực cảm của Q. đã đúng. Hôm sau an ninh Hoa Kỳ cung cấp đó là hai kẻ trong một nhóm quá khích của người Việt ở Washington D.C! Còn có biết bao chuyện cánh nhà báo chúng tôi không biết không trực tiếp nhìn thấy? Trực cảm an ninh, trực cảm vệ sĩ? Hình như có một bộ môn học như thế...

Nhưng xác suất sẽ  như thế nào đây khi họ quyết định cho một đầu bếp người Việt cỡ bếp trưởng ở một khách sạn sang trọng trực tiếp nấu một bữa cơm thường của ngưòi Việt cho Thủ tướng? Cơm trắng, thịt rim, canh chua thôi nhưng là thời trân sau những buổi tiệc tùng ngoại giao căng thẳng.

Mà người Việt này là người hồi ấy đã bỏ nước ra đi... Một vinh hạnh mà tôi chưa bao giờ dám nghĩ đến... Câu đó của người bếp trưởng, của người thợ Việt có đôi tay vàng ấy không phải nói trước khi nấu mà sau khi được ông chủ khách sạn mừng vui báo rằng Thủ tướng Việt Nam ăn rất ngon miệng!

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.