Ông Nguyễn Đình Thiện, Tổng Giám đốc một công ty may xuất khẩu tỉnh Bắc Giang cho biết, ngày 17/2, công ty bắt đầu hoạt động trở lại. Trong ngày đầu tiên, toàn bộ công nhân, với khoảng 3.000 người đều đi làm đầy đủ. “Mặc dù tình hình dịch COVID - 19 diễn biến phức tạp, nhưng công ty vẫn có đơn hàng từ đầu năm để toàn bộ cán bộ, công nhân trong công ty có việc làm. Điều chúng tôi quan tâm nhất là việc phòng chống dịch để ổn định sản xuất”, ông Thiện cho hay.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, có khoảng 365 công ty hoạt động trong các KCN, với hơn 165.000 công nhân. Trong Tết, có 13 doanh nghiệp duy trì sản xuất, với khoảng 7.000 công nhân. Sau kỳ nghỉ Tết, hầu hết các doanh nghiệp trong KCN tỉnh Bắc Giang có đơn hàng, nhiều doanh nghiệp có đơn hàng cho cả năm 2021. Bởi vậy, cơ bản công nhân trong các doanh nghiệp quay trở lại làm việc vào ngày 17/2. Lao động ở các tỉnh như Lai Châu, Thanh Hóa, Nghệ An… cũng bắt đầu trở lại làm việc. Tính đến ngày 17/2, khoảng 80 % số công nhân đổ về các KCN.
Cũng theo ông Ngọc, sau Tết, hàng trăm nghìn công nhân quay trở lại làm việc. Trước tình trạng dịch COVID - 19 bùng phát trở lại nên Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang, các doanh nghiệp rất coi trọng phòng chống dịch. Hàng loạt giải pháp phòng chống dịch đã được triển khai, trong đó trọng tâm là rà soát lao động từ Hải Dương và các tỉnh có ổ dịch. Qua rà soát, có khoảng 2.000 lao động từ Hải Dương và Hà Nội làm việc tại các KCN tỉnh Bắc Giang. Với lao động từ Hải Dương đến Bắc Giang làm việc có khoảng 700 người; doanh nghiệp bố trí cho họ chỗ ăn nghỉ. Lao động từ Hà Nội đến bắt buộc phải khai báo y tế; doanh nghiệp được khuyến khích sắp xếp cho chuyên gia và cán bộ quản lý làm việc trực tuyến và xét nghiệm COVID - 19 khi cần thiết.
Doanh nghiệp chủ động thường xuyên phun khử khuẩn, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giãn cách cho người lao động, kiểm tra thân nhiệt, khai báo y tế. “Người lao động đeo khẩu trang từ lúc đến công ty, trong quá trình làm việc và khi ra về. Việc nghỉ ăn trưa tại các doanh nghiệp thực hiện giãn cách…”, ông Ngọc chia sẻ.
Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, tỉnh Bắc Giang gửi thư thông báo tình hình dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch đến tất cả doanh nghiệp trong KCN. “Chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp phòng dịch từ xa. Ngay khi Hải Dương có ca bệnh COVID - 19, tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp thông báo cho tất cả công nhân người Hải Dương nghỉ ở nhà không sang Bắc Giang làm việc và dừng xe đưa đón lao động từ Hải Dương. Tỉnh Bắc Giang hạn chế giao dịch có liên quan đến địa phương có dịch trong cả nước, quản lý chặt chuyên gia nước ngoài ra vào KCN và sau cách ly tập trung. Chúng tôi cũng tổ chức cho người lao động ngoài tỉnh ở lại ăn Tết tại khu nhà ở dành cho công nhân”, ông Dương nói.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Ninh, tỉnh này có hơn 1.000 doanh nghiệp, với hơn 330.000 công nhân đang làm việc tại các KCN trong tỉnh. Hiện tại, cơ quan chức năng của tỉnh đang tập hợp số lượng công nhân đi làm việc trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Để tăng cường biện phòng chống dịch COVID - 19 sau kỳ nghỉ Tết tại KCN, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu doanh nghiệp cho lao động khai báo y tế và cung cấp cho cơ quan y tế địa phương thông tin về lịch sử đi lại, tiếp xúc trong thời gian 14 ngày, kể từ ngày lao động đến tỉnh này. Các doanh nghiệp phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh rà soát, lập danh sách lao động từ vùng dịch trở lại làm việc sau nghỉ Tết.
Tỉnh Bắc Ninh tạm dừng tiếp nhận công nhân từ tỉnh Hải Dương, chỉ tiếp nhận công nhân khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 2 bằng phương pháp PCR. Đối với công nhân khi quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết ở các địa phương đang có ca dương tính trong cộng đồng phải thực hiện khai báo y tế và có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 3 ngày mới được làm việc.