> Giới trẻ Ba Lan linh hoạt thời khủng hoảng
Các bạn trẻ trong trò chơi tìm hiểu tâm lý hai giới. |
19 giờ, căn phòng nhỏ của lớp học tiền hôn nhân trên phố Thái Hà đã chật ních. Hầu hết các bạn trẻ phóng thẳng từ chỗ làm việc đến, không kịp ăn tối. Tối nay, các bạn được học về sức khỏe sinh sản, do bác sĩ Hồ Mai Hoa (Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội) đứng lớp.
Mỗi học viên được phát 1 tờ giấy A4. Bác sĩ Hồ Mai Hoa yêu cầu tôi và các học viên khác vẽ cơ quan sinh dục nữ. Tiếng cười khúc khích, tôi và nhiều học viên đỏ mặt, ngượng nghịu cầm bút vẽ. Phạm Văn Phương, SN 1981 (Khâm Thiên, Hà Nội) chăm chú vẽ.
Tuy nhiên, khi bác sĩ yêu cầu Phương đọc tên từng bộ phận, anh tỏ ra lúng búng. Phương bảo còn một tháng nữa tổ chức đám cưới, mọi thứ đã chuẩn bị hết, những điều tưởng chừng đơn giản hoá ra mình còn mơ hồ.
Được bạn đời hoặc bạn cùng lớp khích lệ, Phương và những người trẻ khác mạnh dạn bày tỏ thắc mắc về những chuyện thầm kín trong quan hệ nam nữ giữa lớp học.
Học viên tìm hiểu sức khỏe sinh sản và tâm lý hai giới. |
Trong bài học tìm hiểu tâm lý hai giới, thạc sĩ, bác sĩ Phan Bích Thủy, chuyên gia về giới và gia đình, phát cho mỗi học viên một tờ giấy yêu cầu kể ra những tính cách nổi bật của phái nam và nữ, đặc biệt là tính xấu. Một phút sau, trên tấm bảng trắng đã được dán chi chít những mẩu giấy kể tội của hai phe. Con trai nào là lăng nhăng, nóng tính, độc đoán, gia trưởng, lười việc nhà...; con gái có tật nói nhiều, hay nũng nịu.
Nguyễn Thị Nguyệt, SN 1987 (Kim Mã, Hà Nội), kể: “Người yêu em nóng tính lắm, nhiều lúc chưa giải thích xong anh ấy đã nổi xung lên”. Vân Anh, SN 1988 (Khâm Thiên) cho biết người yêu mình tính gia trưởng chỉ thích sinh con trai, nên cô không khỏi băn khoăn.
Hầu hết các bạn gái trong lớp đều cho rằng, khó chịu nhất vẫn là thói lăng nhăng của các chàng. Vì sao nhiều bạn trai có tính lăng nhăng, làm thế nào để chàng bỏ được tính đó… là chủ đề được bàn luận sôi nổi. Bạn Nguyễn Tiến Dũng, SN 1983 (Đống Đa, Hà Nội) can đảm đứng lên thừa nhận: “Con trai thích chinh phục cái mới. Tuy nhiên, nếu người vợ khéo léo dẫn dắt sự quan tâm của chồng đến mình thì sẽ khác”.
Sau khi được chuyên gia giảng giải, bạn trẻ hiểu rằng mỗi người đều mang trong mình tính xấu nên cần phải có sự cảm thông cho nhau. Thạc sĩ Thủy cho rằng, sở dĩ con gái nói nhiều bởi thích được quan tâm, chiều chuộng. “Nếu chồng nói mệt, vợ nên biết chừng mà chăm sóc, bởi anh mệt thật. Ngược lại, nếu vợ kêu mệt thì chưa hẳn đã vậy. Nếu chồng hiểu tâm lý, ân cần hỏi han hay đơn giản chỉ là một cái ôm hôn cũng đủ đánh tan mọi mỏi mệt”, thạc sĩ Thủy nói.
Lớp học tiền hôn nhân còn thu hút các bạn trẻ chưa có người yêu hoặc đã lập gia đình. Mang bầu 6 tháng, nhưng hằng ngày Trương Thị Thu Hương, SN 1983 (Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn được chồng đưa đến tham gia lớp học. Hương cho biết vợ chồng có sự đồng điệu về tính cách, quan điểm sống nên sống hòa hợp.
Tuy nhiên, từ ngày mang bầu, Hương cáu gắt vô cớ. “Tham gia lớp học, vợ chồng mình hiểu được căn nguyên của vấn đề và tìm được giải pháp chuẩn bị tinh thần tốt nhất đón em bé chào đời”, Hương chia sẻ.
Yêu nhau đã được 5 năm đang tính đến hôn nhân, nhưng Vũ Trà My, SN 1988 (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vẫn không khỏi lo lắng khi nghĩ đến cuộc sống chung sau này, đặc biệt là cách ứng xử với gia đình nhà chồng. “Tham gia khóa học này, bạn trai em đã hiểu tâm lý của em hơn. Chúng em đã chia sẻ thêm với nhau nhiều điều mà trước nay chưa hề nghĩ tới”, Trà My nói.
Bạn Nguyễn Ánh Nguyệt chia sẻ: “Sau khi tham gia khóa học, những thứ mơ hồ với mình dường như rõ ràng hơn. Mình học để quyết định xem có nên lấy chồng hay không và nay đã có câu trả lời. Mình chắc chắn sẽ là một phụ nữ hạnh phúc, được bạn đời chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống. Nếu chuẩn bị kết hôn, mình sẽ cùng người ấy đi học lại lớp này lần nữa”.