Đi hay ở?

TP - Cuộc bầu cử quốc hội lại của Hy Lạp ngày 17-6 đang đặt quốc gia này ở bước ngoặt quan trọng trong quan hệ với liên minh tiền tệ châu Âu.

> Điều trớ trêu của châu Âu

Trong suốt hơn ba năm qua, Hy Lạp đã nhận được các gói cứu trợ tài chính khẩn cấp để thoát khỏi cảnh vỡ nợ.

Thế nhưng, những điều kiện kinh tế khắc khổ đi kèm gói cứu trợ đã khiến Hy Lạp một lần nữa lâm vào khốn đốn.

Hậu quả là liên minh cầm quyền bị người dân trừng phạt khi mất đa số ghế trong cuộc bầu cử quốc hội diễn ra ngày 6-5 vừa qua.

Giờ đây mọi lo ngại của quốc tế đang dồn về khả năng đảng Syriza giành thắng lợi do kết quả thăm dò cho thấy đảng này đang được lòng cử tri với các cam kết bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ của các định chế tài chính quốc tế.

Các nhà hoạch định tài chính hàng đầu đã tính đến kịch bản Hy Lạp tách khỏi khu vực eurozone nếu như Syriza thắng cử.

Nếu khả năng này trở thành hiện thực, giá trị nền kinh tế của toàn khu vực đồng euro có thể sẽ giảm 2%, eurozone sẽ ngay lập tức mất 350-400 tỷ euro, liên minh tiền tệ này đứng trước hai lựa chọn hoặc sụp đổ hoặc thu hẹp thành khối nhỏ hơn.

Tuy nhiên, điều quan ngại lớn nhất chính là sự ra đi của Hy Lạp sẽ giáng một đòn chí tử mới cho nền kinh tế toàn cầu vốn vẫn còn rất mong manh.

Đứng về phía Hy Lạp, quay lưng lại với eurozone cũng sẽ khiến nước này đối mặt với vô vàn khó khăn, bị đào thải khỏi thị trường vốn quốc tế, các khoản cứu trợ bị phong tỏa, mức thu nhập của người dân sẽ giảm xuống hơn một nửa, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng lên tới 34%, lạm phát lên ngưỡng 30% ... trong khi ngân sách lại trống rỗng.

Nếu xét đến hậu quả, nhiều khả năng cử tri Hy Lạp sẽ khó mà lựa chọn việc rút khỏi eurozone.

Trong điều kiện khó khăn, điều người dân Hy Lạp mong muốn là chính phủ mới sẽ thương lượng được với các định chế tài chính chấp nhận tiếp tục giúp Hy Lạp song không đòi hỏi phải thực thi các biện pháp kỷ luật tài chính.

Ngoài ra, việc giữ Hy Lạp ở lại khu vực sử dụng đồng tiền chung euro và tiếp tục chương trình cứu trợ tài chính sẽ không chỉ đưa khu vực đồng euro tiến đến sự liên minh kinh tế và tài chính bền vững hơn mà còn đẩy lùi các rủi ro và mang lại sức bật cho các thị trường tài chính.

Có lẽ chưa bao giờ một cuộc bầu cử quốc hội tại một quốc gia nhỏ bé với quy mô kinh tế chỉ chiếm 0,4% kinh tế toàn cầu lại khiến cả thế giới hồi hộp như thế.

Bằng lá phiếu của mình, cử tri Hy Lạp giờ đây sẽ là người quyết định không chỉ tương lai nền kinh tế đất nước, mà còn cả diện mạo của liên minh tiền tệ euro và thậm chí cả tương lai kinh tế toàn cầu.

Theo Báo giấy