Dĩ độc trị độc

Dĩ độc trị độc
TP - Việc bà Tomomi Inada, 57 tuổi, nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đã trở thành tâm điểm của truyền thông toàn cầu những ngày qua. Trái với suy nghĩ cho rằng nữ giới làm chính trị sẽ mềm mỏng, bà Inada được xem là người có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc,  Triều Tiên và Hàn Quốc.

Trước khi bước lên vũ đài chính trị, bà Inada ủng hộ và từng kêu gọi sửa đổi Hiến pháp hòa bình, cho phép Nhật Bản đưa quân tham chiến nước ngoài. Bà Inada cũng là người thường xuyên viếng đền Yasukuri, nơi thờ binh lính nước này thiệt mạng trong cuộc chiến tranh mà các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc, xem là biểu tượng chủ nghĩa quân phiệt trong quá khứ của Nhật Bản.

Theo giới phân tích, việc chọn bà Inada vào vị trí trung tâm Bộ Quốc phòng hoàn toàn nằm trong tính toán của Thủ tướng Shinzo Abe trong thời điểm địa - chính trị khu vực diễn biến ngày càng khó lường.

Thứ nhất, quan hệ Tokyo và Bắc Kinh không chỉ bị bóng ma quá khứ bao phủ, mà còn căng thẳng xung quanh tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi Nhật Bản điều tàu chiến tới khu vực đảo thì các máy bay chiến đấu của Trung Quốc cũng xuất hiện tại đây với tần xuất ngày càng dày.

Thứ hai, diễn biến khó lường ở Đông Bắc Á với những hành động của Triều Tiên. Ngay trong ngày đầu tiên bà Inada giữ cương vị mới,?Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo và rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Tokyo.

Thứ ba, Nhật Bản dưới thời ông Abe có sự thay đổi lớn trong chính sách quốc phòng. Nhật Bản đã sửa đổi cách diễn giải Điều 9, Hiến pháp hòa bình tồn tại từ sau Thế chiến thứ 2, qua đó cho phép tham chiến ở nước ngoài; nới lỏng, cho phép quân đội tham gia hoạt động do Liên Hợp quốc tổ chức ở nước ngoài về hòa bình, cứu trợ... Sự xuất hiện của bà Inada ở Bộ Quốc phòng đồng nghĩa với lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc.

Có thể nói, việc bổ nhiệm bà Inada là hành động “dĩ độc trị độc” của ông Abe nhằm đối phó với những mối đe dọa đến từ bên ngoài, giúp Nhật Bản củng cố tham vọng địa - chính trị trên bản đồ khu vực. Nói như Jeff Kingston, Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á - Đại học Temple: “Vai trò của bà Inada sẽ phức tạp bởi quan điểm nhất quán về quá khứ quân phiệt Nhật Bản. Các quốc gia trong khu vực từ đó sẽ phải theo dõi những phát biểu của bà Inada cũng như hoạt động của hải quân nước này trong thời gian tới”. 

MỚI - NÓNG