Món ăn phổ biến
Chặng đường 314km từ Phnompenh tới Siêm Riệp như ngắn lại khi được dừng chân tại chợ côn trùng ở quê hương Thủ tướng Hun Sen. Những chậu côn trùng được bày bán la liệt với nhện xào, dế trời, dế cơm chiên tẩm ớt, cà cuống rán vàng... Ấn tượng nhất với chúng tôi là những con nhện đen nhiều lông chân.
Nhện đen ở vùng này to như cua đồng ở Việt Nam được người dân chế biến làm nhiều món trong đó có hai món phổ biến được ưa chuộng nhất là nhện ướp gia vị ớt chiên giòn và nhện ngâm rượu.
Du khách tò mò với đặc sản côn trùng ở chợ Skun. Ảnh: Bảo Linh
Tò mò và hấp dẫn chúng tôi thử ăn nhện xào. Ban đầu có cảm giác sợ, nhưng khi ăn, lại thấy rất ngậy, bùi và thơm. Anh Ngô Văn Hinh, một du khách Việt Nam cho biết: “Lần đầu tiên ăn, tôi thấy rất ngon, bùi hơn món bọ xít chiên ở Việt Nam”. Theo người dân Campuchia, món nhện xào phổ biến như món bò khô ở Việt Nam. Người dân đi nhậu hay đi hát karaoke món thường xuyên có trên bàn là nhện xào.
Một con nhện được bán với giá 2.000 riels (tiền Campuchia), tức 10.000 tiền Việt. Mưu sinh bằng nghề bán côn trùng, chị Chaika, dân tộc Khơ me ở Skun và người dân quanh chợ Skun sống khỏe. “Tôi và con gái cùng bán, mỗi người bán được 7 USD/ngày (khoảng 140.000 tiền Việt) đủ nuôi cả gia đình và có tiền tiết kiệm”, chị Chaika chia sẻ.
Ông Tith Chantha, Thứ trưởng Bộ Du lịch Campuchia cho biết: “Hằng năm có 3,5 triệu du khách tới Campuchia trong đó khoảng 1 triệu là du khách đến từ Việt Nam”.
Theo chị Chaika, mỗi người bán côn trùng ở chợ Skun trung bình bán khoảng 400-500 con nhện/ngày. Ở chợ Skun có khoảng hơn 20 người bán côn trùng. Chị Chaika nói không có thống kê chính xác nhưng có khoảng gần 300 kg côn trùng được bán ra trong ngày. Nhện và dế trời là hai món được bán nhiều nhất, cà cuống được du khách ưa thích nhưng đắt hơn các món khác nên tiêu thụ chậm.
Nhiều du khách tìm tới chợ côn trùng mua nhện sống về ngâm rượu. Rượu ngâm nhện có tác dụng chữa đau nhức xương khớp. Anh Hoàng Hà đến từ TP Hồ Chí Minh cũng đã tìm mua một bình rượu nhện. Anh cho biết: Tôi đã nhiều lần tới Campuchia và lần nào cũng mua 30- 50 con nhện về ngâm. Tôi thường mua nhện sống, sau đó cho vào chai rượu mang về”. Rượu nhện là món quà thường được du khách chọn mua về làm quà.
Mỗi nhà có hơn 100 bẫy côn trùng
Người dân địa phương bắt nhện đen trong hang đá. Chị Sò, 28 tuổi, người Khơme ở tỉnh Kampong Cham làm nghề bán nhện hơn 5 năm. Chị cho biết, bắt nhện rất đơn giản. Hằng ngày người nhà chị bắt được khoảng 500 con bằng bẫy. Bẫy côn trùng là việc làm phổ biến của người dân trong vùng.
Nhà nào cũng dựng một tấm bạt nylon trắng, bên dưới làm một máng nước, trên lắp bóng đèn neon tím. Tối thắp đèn sáng, dế, cà cuống bay vào chỗ ánh sáng và sà vào nước, sau đó trôi theo máng vào túi bóng để sẵn. Theo chị Sò mỗi nhà có khoảng 100 bẫy, mỗi bẫy bắt được khoảng 2kg – 5kg côn trùng mỗi đêm. Gia đình nào đất rộng có thể đặt 200-300 bẫy thu về khoảng 50 kg một đêm.
Côn trùng là món ăn thịnh hành ở Campuchia. Dế và nhện là hai món được bày bán phổ biến dọc đường, luôn có trên bàn nhậu. Người dân Campuchia thường uống bia với dế, lai rai mấy con côn trùng vừa bùi vừa ngậy. Anh Jin, hướng dẫn viên ở Siêm Riệp khuyên chúng tôi nếu muốn ăn côn trùng thì mua côn trùng sống về chiên giòn hoặc chiên tỏi để ăn. Mua côn trùng chiên sẵn ở chợ Skun không đảm bảo vệ sinh.
Anh Jin cho biết: “Côn trùng ở Campuchia xuất khẩu sang các nước, trong đó xuất khẩu đi Thái Lan nhiều nhất. Côn trùng ở Campuchia ngon, thơm và có hương vị tự nhiên bởi người dân Campuchia làm nông nghiệp không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hoá học. Đó cũng là lý do côn trùng tự nhiên có nhiều ở xứ này”.
Xuất khẩu côn trùng là nguồn thu nhập làm thay đổi cuộc sống của bà con tỉnh Kampong Cham (Campuchia) - quê hương Thủ tướng Hun Sen.