Đi châu Âu thời 'khủng hoảng'

Đi châu Âu thời 'khủng hoảng'
TP - Tôi đi châu Âu bằng đường không, trên hãng Cathay Pacific nổi tiếng. Từ Nội Bài đến Hồng Kông thì đổi máy bay. Chuyến bay CX253 từ Hồng Kông đến sây bay Heathrow của nước Anh đi bằng Boeing 747-400.
Đi châu Âu thời 'khủng hoảng' ảnh 1
Người dân London xếp hàng dài mua vé tầu điện ngầm - Ảnh: Dương Kỳ Anh

Nhiều lần đi Boeing của hãng Cathay nhưng chưa khi nào tôi thấy lạ, lạ quá… Máy bay chuẩn bị cất cánh… Sao hành khách không lên máy bay? Các hàng ghế gần như trống không?

Tôi thấy lo lắng, chỉ có mấy chục người, liệu máy bay có cất cánh! Hay như ở Việt Nam, dồn chuyến! Phải đợi sao?

Tôi nhìn đồng hồ: 14 giờ 55 phút, máy bay chuyển động, rồi vút lên, không sai phút nào! Thở phào! Không phải đợi. Có thế chứ! Cathay Pacific cơ mà!

Khi máy bay đã ổn định độ cao, tôi mới nhìn ra xung quanh. Hàng ghế tôi ngồi gồm 10 ghế, chỉ có một mình! Ngồi hàng ghế trước tôi là anh Khuynh ở VTV3, cũng một mình.

Máy bay trên 370 chỗ ngồi tôi ước lượng chỉ có khoảng 70 hành khách. Vắng đến gần 300 chỗ. Đêm đó, tôi ngả 4 ghế làm giường, ngủ một giấc ngon lành!

“Khủng hoảng tài chính nên vắng khách” - một người nói với tôi như vậy - Khó khăn về kinh tế, người ta hạn chế đi du lịch, đi thăm thú, đi làm ăn… bằng máy bay”.

Cái từ “khủng hoảng” có vẻ vô hình, hóa ra lại rất cụ thể. Nó len lỏi vào mỗi gia đình, vào từng đất nước. Có thể nhìn thấy trước mắt, hàng ngày, hàng giờ….

Tôi đã nhiều lần đi tầu điện ngầm ở London, chưa bao giờ phải xếp hàng mua vé. Lần này, đông quá, xếp hàng đợi mua vé không được, tôi chuyển sang đi xe buýt.

Đi châu Âu thời 'khủng hoảng' ảnh 2
Ô tô để lá vàng rơi - Ảnh: Dương Kỳ Anh

Anh Sơn Thành, chủ tịch Hội người Việt ở Anh, một người rất nhiệt tình, cởi mở, sống ở London đã gần 30 năm. Anh nói, khủng hoảng tài chính ảnh hưởng đến người dân Anh nhiều hơn là người Việt ở đây.

Bây giờ ở London nếu đi xe ô tô phải mua vé vào trung tâm mất 8 bảng (16 đô la Mỹ). Ngày nào cũng phải qua trung tâm thành phố thì tốn kém rất nhiều. Người ta đến công sở buộc phải xuống tàu điện ngầm. Trách gì người xếp hàng rồng rắn thế! Được cái, giờ cao điểm ở trung tâm thành phố London ít bị tắc xe ô tô.

Hôm anh Sơn Thành chở tôi ra sân bay Heathrow, anh bấm bản đồ định vị, không biết thế nào, cứ loay hoay mãi với mấy dãy phố ở Trung tâm. Tôi lo chậm giờ lên máy bay. Lần đi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Anh quốc, dù đã có xe cảnh sát dẹp đường, thế mà vẫn tắc vì từng dãy ô tô nối đuôi nhau vào giờ cao điểm.

Thấy tôi có vẻ lo lắng anh Thành cười bảo: Bây giờ khác rồi. Từ ngày “khủng hoảng” lan sang nước Anh, người ta đi làm chủ yếu bằng tầu điện ngầm, xe buýt. Ô tô trở nên xa xỉ! Tôi nhìn thấy những chiếc ô tô đỗ bên đường không chủ, lá vàng đã phủ đầy mui xe…

Hôm diễn ra đêm chung kết Hoa hậu người Việt toàn châu Âu, cũng là hôm sinh nhật tôi. Bạn bè của cháu Dương Anh Xuân đang học và làm việc ở London đến chúc mừng tôi rất đông.

Trong số đó, có một cô gái trẻ mà nhiều tờ báo đã viết bài: Nguyễn Ngọc Nam Phương. Nam Phương là học sinh xuất sắc được học bổng của trường đại học danh tiếng bậc nhất nước Anh Oxfford.

Năm ngoái, Phương tốt nghiệp loại giỏi và được nhận vào làm việc ở Ngân hàng lớn J.P Morgan với mức lương khởi điểm là 37 ngàn bảng Anh (74 ngàn đô la Mỹ). Nếu tính ra tiền Việt, mỗi năm Phương nhận mức lương khởi điểm hơn 1,2 tỷ. Phương mang đến một bó hoa rất đẹp tặng tôi.

Trong lúc cháu Xuân đi nấu cơm, tôi ngồi trò chuyện với Nam Phương. Chủ đề xoay quanh “khủng hoảng” tài chính. Phương ở trong ngành tài chính nên biết khá rõ tác động của nó.

Phương cho biết, Ngân hàng J.P Morgan vừa mua lại mấy ngân hàng bị phá sản ở nước Anh. Phương nói: “Mức độ rủi ro tăng gấp 3 lần so với trước đây, tâm lý các nhà đầu tư bị tác động mạnh…”. Phương cũng tin là giai đoạn khó khăn này sẽ qua, nhưng không phải là ngày một ngày hai…

Đi châu Âu thời 'khủng hoảng' ảnh 3
Dựng tượng Ngựa... chổng vó để thu hút khách hàng - Ảnh: Dương Kỳ Anh

Có được vài ngày nghỉ, tôi tranh thủ đi chợ, đi thăm bảo tàng hải dương học (Thủy cung)… Thực ra là để quan sát, lấy tài liệu cho bài viết… Tôi nghe nói trước đây những nơi như bảo tàng sáp, thủy cung, chợ đồ cổ… nếu không đi sớm thì hết vé, hết hàng… Vậy mà, hôm ấy, đến là mua vé vào ngay.

Khách thưa vắng so với thời chưa “khủng hoảng”. Tôi để ý quan sát trong một cửa hàng bán thực phẩm, thấy quầy thịt bò khá đông còn quầy tôm, cá, rau có vẻ vắng khách.

Nhìn giá bán, tôi biết những thứ như rau tươi, tôm, cá rất đắt, đắt hơn rất nhiều so với các loại thịt. Tôi mua một cây xà lách (ước độ năm bảy lá) phải trả gần một bảng (gần 30 ngàn đồng Việt Nam). Ngần ngừ một lát, tôi lại phải mua thêm mấy cây xà lách nữa, chẳng lẽ một mình ăn rau, mà nếu một mình tôi, cũng phải ăn vài ba cây mới đủ!

Thời buổi khó khăn về kinh tế khiến người ta phải dè sẻn trong chi tiêu, hạn chế đi lại, thăm thú… Tôi nhớ năm 2007, đêm chung kết hoa hậu người Việt ở Anh, quảng trường O2 lớn bậc nhất London đông nghịt người. Khán giả vừa xem vừa ăn, uống. Bàn nào cũng bày rượu, bia, gà quay, hoa quả…

Năm nay, Hoa hậu người Việt toàn châu Âu, nhiều người đẹp hơn, chương trình hay hơn, hấp dẫn hơn nhưng người đến xem có vẻ không bằng năm ngoái. Trên bàn, bày các thứ cũng kém hơn… Thời “khủng hoảng” hiện rõ hơn…

Lúc trở về Việt Nam, tôi để ý, thấy hãng Cathay Pacific không đưa máy bay Boeing 747 mà thay vào đó là chiếc Airbus. Vậy mà, chỗ ngồi cũng thừa rất nhiều.

Cả máy bay, chỉ có một mình tôi là người Việt Nam. Dãy ghế của tôi có 7 chỗ ngồi (không phải 10 chỗ như máy bay Boeing). Tôi lại ngả ghế… nằm! Tôi nằm nhưng không tài nào ngủ được…

Mười mấy tiếng bay trên trời, tôi cứ nghĩ về “khủng hoảng” tài chính hiện nay với những điều tai nghe, mắt thấy… Thế giới rộng lớn giờ đã là ngôi nhà chung, có lẽ, không một ai đứng ngoài mà bình chân như vại…

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.