Đi bộ cùng nhà văn... nhặt bút

Đi bộ cùng nhà văn... nhặt bút
TP - Ông là nhà văn của nhiều chuyện lạ, từ sinh hoạt đến viết văn. Một là thói quen chỉ viết bằng những chiếc bút nhặt rơi vãi ngoài đường.
Đi bộ cùng nhà văn... nhặt bút ảnh 1
Nhà văn Dương Thu Ái với hàng vạn chiếc bút giời ban

Hai là đã hơn 30 năm nay, ngày nào hai vợ chồng ông cũng đi bộ 2 tua/ngày, chừng 4 cây số một tua. Ba là dù đã hơn 70, nhưng vợ chồng ông vẫn giữ được tình cảm nồng thắm như ngày mới yêu nhau, vẫn một điều anh, hai điều em.

Bốn là từ những chiếc bút nhặt ấy, ông đã dịch hàng trăm cuốn sách, những cuốn đã in và phát hành lên đến gần 200. Ông cũng là một trong những người có nhiều sách bị in lậu nhất. Nhà văn đó là Dương Thu Ái.

Lý giải chuyện nhặt bút

Để theo dõi và biết nhà văn Dương Thu Ái nhặt bút thế nào, tôi ngỏ ý xin phép đi bộ cùng vợ chồng ông. Từ ngôi nhà ở trong con ngõ nhỏ đường Hoàng Quốc Việt, đi tắt qua những ngõ ngách nhỏ khác, chúng tôi đến công viên hồ Nghĩa Tân.

Một hành trình quen thuộc mà đã hơn 30 năm qua, ngày hai lần vợ chồng nhà văn dắt nhau đi qua. Nhà văn bảo: “Tôi đi bộ cốt để khỏe người. Ngoài ra, nếu có duyên thì gặp những chiếc bút rơi vãi, tôi nhặt về dùng”.

Bà Nguyễn Kim Hanh, người bạn đời chung thủy của lão nhà văn lý giải chuyện nhặt bút viết sách của chồng rằng, do ông nhà sống tiết kiệm, cũng bởi ảnh hưởng lối sống từ thời bao cấp.

Còn bản thân nhà văn, điều đó chỉ đi một nhẽ, nhẽ khác là do ông thương những chiếc bút, được sinh ra bởi biết bao công sức của con người, mà nó vẫn chưa làm tròn sứ mệnh (vẫn còn mực) của mình, giúp con người hoàn thành những dòng chữ.

Thêm nữa, nhà văn nhận thấy, những chiếc bút đó đã để mình nhìn thấy, thì coi như một cái duyên số. Cao một chút, là do trời ban cho. Ông coi điều đó là thiêng liêng, và càng trân trọng những chiếc bút. Nên mỗi khi nhặt được, ông đều mang về rửa sạch. Cái nào còn mực thì dùng, cái nào đã hết mực cũng cất đi.

Và khi tất cả những chiếc bút dù đã hoàn thành sứ mệnh (hết mực) ở trên cõi đời này, thì nhà văn Dương Thu Ái vẫn giữ lại, để chúng hiện diện cùng hành trình sống và viết của mình. Và cũng hàng vạn chiếc bút nhặt được ấy, đều là những kỷ niệm đáng nhớ của lão nhà văn.

Hiện những chiếc bút đó được bỏ trong những hộp các-tông, ai hỏi đến thì ông đem ra khoe. Ông nói: “Nhiều cái rất xịn, viết rất tốt”. Tôi hỏi đùa nhà văn: “Vậy có ngày nào ông nhặt được nhiều bút, đến nỗi không cầm hết và phải để bà cầm đỡ?”.

Đôi vợ chồng già cười sảng khoái, trong chiều cuối năm se lạnh. Dương Thu Ái bảo: “Đâu phải ngày nào cũng có duyên với bút. Có ngày nhặt được vài cái, cũng có ngày chẳng được cái nào. Bút rơi ở đâu ra mà nhặt được nhiều thế!?”.

Sức làm việc của ông khiến những người trẻ chúng tôi phải ngỡ ngàng thán phục. Trong vòng 20 năm, ông Dương Thu Ái liên tiếp dịch và biên soạn hàng loạt bộ sách như “Mưu lược gia tinh tuyển” (gồm 7 tập, hơn 4.000 trang); “Thi Công kỳ án” (1.600 trang); “Thánh hiền thư” (hơn 2.000 trang); “Tào Tháo” (hơn 1.000 trang) rồi các cuốn như  “Võ Tắc Thiên”, “Lời dạy của những bậc thánh hiền”, “Tuyển tập truyện đồng thoại thế giới”, “Lưu Bang”...

Ông cũng đã dịch xong tác phẩm “Duyên số” - Bộ tiểu thuyết cổ điển cuối cùng của Trung Quốc (nguyên tác là “Kính hoa duyên”) có thể sánh ngang với “Hồng Lâu mộng”, “Thủy Hử”… Và nhiều cuốn đang chờ in.

Tất cả số sách trên, ông đều viết bằng những chiếc bút bi... nhặt ngoài đường. Ông chỉ có hứng khi sử dụng những cây bút này. Cứ động đến bút mua, hay bút con cái biếu là ông lại “tắc”. Hỏi ra thì không phải vì ông thiếu tiền mua bút viết.

Ông nói ông không giàu có lắm, nhưng chẳng thiếu tiền. Bốn người con của ông đều thành đạt và tiền nhuận bút của ông rất khá. Anh con rể mua tặng bố vợ mấy chiếc bút trị giá đến 300USD, nhưng ông chỉ cất đi, chỉ dùng bút của giời.

Ông cho biết thêm: “Con cái tôi còn bảo lắp đặt máy tính để tôi viết cho đỡ oải. Nhưng tôi chỉ thích viết tay. Dùng những thứ sang trọng vào việc viết nó không có cảm hứng. Có thể nhiều người cho là tôi gàn dở, nhưng không, đó là kiểu làm việc riêng của tôi. Nó ăn vào máu rồi”.

Đi cùng vợ chồng nhà văn, tôi cũng cố để ý, quan sát mặt đường, bờ cỏ để xem mình có duyên với bút không. Nhưng chẳng thấy một cái nào. Còn người có duyên lại chính là nhà văn, khi ông thấy một chiếc bút bi nằm lẻ loi dưới một gốc cây. Nhà văn Dương Thu Ái cười: “Tớ vẫn là người có duyên với bút rơi”.

Người dịch... bất đắc dĩ

Nhà văn Dương Thu Ái tên thật là Dương Văn Thụ, sinh năm 1936 tại xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Gia đình nghèo nhưng cậu bé Thụ ngày đó rất thông minh, có cá tính.

Sau khi học hết cấp III (hệ 9 năm), đến năm 1954, Ái được chọn đi học sư phạm ở Khu Học xá Nam Ninh, Trung Quốc. Cùng lớp với cậu ngày đó có nhiều người sau này khá nổi tiếng như: GS Nguyễn Bằng Tường, GS Phan Văn Các, GS Trương Thâu, dịch giả Trần Đình Hiến, TS Thanh Vân, GS Phương Lựu...

Thoắt cái đã mấy chục năm trời. Giờ cậu Thu Ái thông minh đã là một ông già, còn gìn giữ được đức tính hăng say làm việc. Theo ông: “Quá khứ vẻ vang đã qua đi rồi. Tương lai tươi sáng thì chưa thấy đâu. Chỉ còn hiện tại, nên phải sống với hiện tại, sống và cống hiến”.

Khi về nước, ông làm giáo viên Trung văn dạy học ở các tỉnh miền núi từ Cao Bằng, Bắc Thái, Vĩnh Phú… rồi lại về Hà Bắc (cũ) quê ông. Năm 1976, khi đang dạy ở Trường Cấp III Tân Yên I (thuộc tỉnh Bắc Giang ngày nay) thì ông nghỉ vì học sinh không học Trung văn nữa.

Nhà trường bố trí cho chân chuyên tiếp khách, đánh trống trường và xếp thời khóa biểu. Đến năm 1988, ông nghỉ hưu. Vài tháng sau bà Nguyễn Kim Hanh – vợ và là đồng nghiệp của ông cũng được nghỉ, hai vợ chồng và con cái “di cư” về Hà Nội, sống vất vả bằng việc bán muối và và bán than.

Ở Hà Nội chẳng quen ai, cuộc sống cơ cực, khó khăn đủ đường. Nhưng do bà Hanh khéo thu vén, chăm lo nên cũng qua. Là một người chồng, người cha, sau nhiều ngày trăn trở, ông Ái thấy vốn Trung văn của mình có mà bị bỏ không, chẳng làm được việc gì giúp gia đình.

Rồi ông nghĩ ra việc dịch sách vào lúc rỗi. Cuốn đầu tiên ông dịch là “Thích Ca Mâu Ni Phật” (Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin)...

Một thời gian sau, giáo sư Phong Lê - người bạn thân thiết của ông đã giới thiệu Dương Thu Ái với cán bộ Nhà xuất bản Công an nhân dân. Ông Ái nhận được đơn đặt hàng dịch sách của Nhà xuất bản.

Khi có “mối làm ăn”, nhà văn hăng say làm việc và nghĩ rằng, công việc dịch sách phù hợp với mình. Kiến thức Trung văn đã có “đất dụng võ”. Ông thành dịch giả từ đó.

Rồi cùng lúc ông vừa dịch, vừa biên soạn hàng chục cuốn sách. Số sách mà ông được Nhà xuất bản Công an nhân dân in và cấp phép đã lên đến 60 cuốn. Họ còn đang đặt hàng ông một bộ truyện cười gồm 12 cuốn.

Là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, ông cũng là người dịch và biên soạn sách có lẽ là vào hàng nhiều nhất Việt Nam hiện nay. Hiện mỗi ngày ông đều đặn dịch viết chừng 10 trang giấy A4.

Đi bộ cùng nhà văn... nhặt bút ảnh 2

Hai vợ chồng nhà văn Dương Thu Ái

“Em là vàng của riêng anh”

Đời ông Dương Thu Ái, có hai tình yêu lớn là tình yêu với vợ và sách vở. Để có thành quả như hôm nay, ông không bao giờ quên “nữ tướng” của mình. Cũng chính người vợ tảo tần ấy, là người bạn đồng hành cùng ông trên những nẻo đường tản bộ, nhặt bút và dịch sách.

Ông Ái chẳng ngại ngùng mà nói với vợ rằng: “Em là bóng mát của đời anh”. Điều đó chẳng có gì là quá, bởi bà Hanh đã sinh cho ông những người con ngoan, giờ tất cả đều thành đạt. Bà lại là người có khả năng vun vén, chăm sóc gia đình, chăm cho ông từng bữa ăn, giấc ngủ.

Bà Hanh tự hào bảo: “Ai cũng thấy tình cảm của chúng tôi khăng khít, cưới nhau xong là sống bên nhau, không rời nửa bước. Nhưng ít ai biết rằng, ngày mới yêu gia đình tôi (Hà Nội gốc) từ chối rất quyết liệt, vì thấy anh Ái xuất phát thôn quê, rất nghèo. Cả hai đã vượt lên khó khăn, thuyết phục được gia đình”.

Nhà văn Dương Thu Ái dự định sẽ in tập thơ tình tặng người vợ thân yêu của mình. Ông có cả thảy gần 50 bài thơ viết tặng bà. Trong đó có bài Vàng của riêng anh:

Hiền lành, phúc hậu, đảm đang
Tươi vui khỏe mạnh, bạc vàng còn thua
Em là hoa nở bốn mùa
Em làm trái chín, nắng mưa thuận hòa
Em làm chim ríu rít ca
Thơm tươi rói những bông hoa đầu cành
Em là vàng của riêng anh.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.