DHA - tại sao cần cho trẻ?

DHA - tại sao cần cho trẻ?
TRi Thức Trẻ - Nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai, dường như đều nghe đến hàm lượng DHA "giúp bé thông minh”, nhưng thực chất DHA là gì, tại sao cần cho trẻ thì không phải ai cũng hiểu cặn kẽ.

Giáo sư, tiến sĩ Peter Willatts, Khoa Tâm Lí học, Đại học Dundee, Scotland - chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu thế giới, vừa đến Hà Nội, trình bày các kết quả nghiên cứu mới nhất về DHA trước hơn 600 chuyên gia y tế, dinh dưỡng, và hàng trăm khách mời là phụ nữ.

Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ hội thảo khoa học “Hàm lượng đúng DHA giúp bé phát huy tiềm năng học hỏi”, do Hiệp hội Nhi khoa Việt Nam và Mead Johnson Nutrition tổ chức.

Nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ, phụ nữ đang mang thai, dường như ai cũng nghe đến hàm lượng DHA "giúp bé thông minh”, nhưng thực chất DHA là gì, tại sao lại cần cho trẻ thì không phải ai cũng hiểu biết cặn kẽ.

Tiến sĩ Peter Willatts đã “gỡ rối” bằng những nghiên cứu khoa học của ông và cộng sự xung quanh vai trò của DHA.

Điều khiến nhiều người ngạc nhiên, là vị giáo sư tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Tâm lý học tại Đại học London, Anh (năm 1974) này có nhiều nghiên cứu (cùng cộng sự) liên quan lĩnh vực y học.

Mới nhất là nghiên cứu ngẫu nhiên ở nhóm chứng về việc bổ sung iodide ở trẻ sinh non; Hàm lượng hormone tuyến giáp sơ sinh ở trẻ sinh non và kết quả phát triển thần kinh lúc 5 tuổi rưỡi; Mối quan hệ giữa tình trạng axít béo của thai phụ trong thời kỳ mang thai với những vấn nạn về hành vi của trẻ thời niên thiếu.

Tiến sĩ Willatts mở đầu: “DHA (Docosahexaenoic Acid) là thành phần cấu trúc quan trọng của màng tế bào não, ảnh hưởng đến sự hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitters). Nó tìm thấy trong tất cả các mô, có nhiều trong mô thần kinh võng mạc và dẫn truyền tim mạch, hỗ trợ việc myelin hóa làm ảnh hưởng tốc độ dẫn truyền thông tin.

Người ta hay nhắc đến DHA với vai trò chính là phát triển trí não cho trẻ. Song, những nghiên cứu gần đây cho thấy DHA có đóng góp quan trọng trên nhiều cấp độ, có thể chia thành ba nhóm: Hỗ trợ phát triển trí tuệ, phát triển thị giác và tăng khả năng miễn dịch”.

Khi bà mẹ mang thai và cho con bú mà ăn uống đảm bảo có đủ DHA trong khẩu phần ăn (200 mg/ngày), thì đứa trẻ đảm bảo đủ DHA để phát triển toàn diện, đứa trẻ sẽ khỏe mạnh, có trí nhớ tốt hơn. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sẽ được cải thiện chỉ số MDI và thị lực, đôi mắt trẻ sẽ nhìn tinh, rõ hơn nếu được cung cấp DHA đều đặn.

Trẻ được bổ sung đủ DHA ít bị nhiễm bệnh hô hấp, bệnh dị ứng. Hai nghiên cứu ngẫu nhiên nhóm chứng nuôi sữa công thức 12 tháng, có chứa DHA 0.32% - 0.36% (17 mg/100 kcal) và ARA 0.64 - 0.72% (34 mg/100 kcal) cho kết quả những đứa trẻ này ít bị bệnh nhiễm trùng hô hấp và bệnh dị ứng.

Nghiên cứu khác, ở trẻ từ 4 đến 10 tuổi trong các trường học tại Bangkok (Thái Lan) cho thấy, trẻ được bổ sung DHA ít bị nhiễm cảm cúm, cảm lạnh, hoặc tiêu chảy.

“Ngoài ra, thậm chí DHA còn giúp bà mẹ thoát khỏi chứng trầm cảm sau khi sinh. Chúng tôi cũng đã có nghiên cứu cho thấy một đứa trẻ từ lúc mới sinh cho đến khi 9 tuổi bổ sung DHA đầy đủ thì đến 9 tuổi huyết áp của trẻ sẽ cực kỳ ổn định” - lời Tiến sĩ Willatts.

Người phụ nữ trong thời kỳ mang thai được cung cấp đầy đủ DHA sẽ giúp cải thiện khả năng giải quyết vấn đề ở trẻ nhỏ. Nghiên cứu, người mẹ được cho thanh ngũ cốc có chứa DHA (ít EPA) hay dầu bắp, lượng DHA ăn vào trung bình hàng ngày là 214 mg, trong suốt thời gian từ lúc mang thai cho đến lúc sinh con.

Một thử nghiệm với đứa trẻ của bà mẹ này khi bé lên 9 tháng tuổi: Để đồ chơi lên cái khăn lớn đặt trên bàn, sau đó lấy cái khăn nhỏ trùm kín đồ chơi.

Theo dõi thấy đứa trẻ này biết giải quyết vấn đề theo hai bước: đầu tiên bé kéo tấm khăn bàn, sau đó nắm lấy tắm khăn đậy và tìm đồ chơi. Với đứa trẻ của bà mẹ không bổ sung đủ DHA, thử nghiệm tương tự thì không giải quyết vấn đề trình tự được như vậy lúc 9 tháng tuổi.

Ngoài ra, qua nghiên cứu cho thấy, một số đứa trẻ hiếu động không tập trung vào việc học tập thì việc bổ sung DHA đầy đủ cũng cải thiện được tình trạng này.

Có thể nói, bổ sung DHA lợi ích lâu dài cho sự phát triển của trẻ, song thực tế trẻ em ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang được bổ sung DHA trong thực đơn hàng ngày với hàm lượng thấp hơn rất nhiều so với mức khuyến cáo.

Khuyến cáo của Tổ chức FAO, WHO (năm 2010), lượng DHA với trẻ 6 tháng - 24 tháng: 10-12 mg/kg, phụ nữ có thai và cho con bú: 200 mg/ngày.

Khuyến cáo gần đây về lượng DHA hàng ngày đầy đủ của ANSES - Cục An toàn thực phẩm Pháp (năm 2010), với trẻ 0-6 tháng: 0.32% tổng lượng acid béo, trẻ 6-12 tháng: 70 mg/ngày, trẻ 1-3 tuổi: 70 mg/ngày, trẻ 3-9 tuổi: 125 mg/ngày, phụ nữ có thai và cho con bú: 250 mg/ngày (tất nhiên, bên cạnh hàm lượng DHA cần thiết cho trẻ, trẻ cần được cung cấp thêm các dưỡng chất quan trọng như Choline, Kẽm, Iốt, Sắt, Vitamin B6 & B12, và nhiều chất dinh dưỡng khác, để giúp trẻ phát triển trí não và tăng trưởng thể chất toàn diện).

Tiến sĩ Willatts cho biết, trong sữa mẹ có DHA (trung bình DHA sữa mẹ chiếm 0.32% tổng số acid béo), nhưng có đủ DHA hay không lại tùy thuộc vào chế độ ăn của bà mẹ có đủ hàm lượng DHA không.

Nghiên cứu trong 50 phụ nữ các quốc gia khác nhau, cho thấy, nồng độ DHA ở phụ nữ Canada, Mỹ, Australia, Mexico đều thấp hơn 0.32%, trong khi ở phụ nữ Chile, Trung Quốc, nhất là Nhật Bản, Philippins nồng độ DHA lại rất cao.

Điều dễ hiểu phụ nữ các nước Chile, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippins họ ăn nhiều cá hơn. Vị tiến sĩ đến từ Scotland khuyên, các bà mẹ nên ăn thực phẩm có DHA trong khi mang thai và cho con bú, như cá béo và hải sản (thí dụ cá hồi, cá thu, cá ngừ, tôm), hoặc bổ sung dầu cá.

Nếu không thể cho con bú, bà mẹ nên bổ sung các loại sữa công thức có DHA gần với nồng độ trung bình ở sữa mẹ (0.32% - 0.36% tổng lượng acid béo).

Trước câu hỏi "nếu thừa DHA trẻ có bị ảnh hưởng?", Tiến sĩ Willatts trả lời: "Chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy có hại khi thừa DHA, có lẽ thiếu DHA thì có hại hơn là thừa một chút. Nhưng nếu thừa nhiều DHA quá thì thời gian đông máu kéo dài, ví dụ đứa trẻ bị chảy máu cam thì thời gian ngừng chảy máu cam sẽ lâu hơn".

Lời khuyên từ các tổ chức, chuyên gia là tiếp tục cung cấp DHA sau 6 tháng đầu đời, và trong suốt thời kỳ tuổi trẻ.

Nam Hoàng
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG