ĐH Quảng Bình: 6 điểm vẫn đỗ đại học!

ĐH Quảng Bình: 6 điểm vẫn đỗ đại học!
TP- Trong mùa tuyển sinh ĐH năm 2008, ĐH Quảng Bình (ĐHQB) đã bất chấp quy định hạ điểm chuẩn để tuyển sinh vì lo ngại không tuyển đủ sinh viên. Thậm chí có thí sinh chỉ đạt 6 điểm cũng đậu đại học.
ĐH Quảng Bình: 6 điểm vẫn đỗ đại học! ảnh 1
Ông Nguyễn Huỳnh Phán

Theo Quy định về việc xây dựng điểm trúng tuyển trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2008 của Bộ GD&ĐT để xây dựng khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

Quy định là vậy, nhưng nhận thấy điểm thi của thí sinh thi vào trường quá thấp, trường ĐHQB đã có Công văn số 1144/CV gửi Bộ GD&ĐT xin vận dụng Điều 33 của Quy chế trên với lý do “đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Quảng Bình và các tỉnh Trung Trung Bộ”.

Bộ GD&ĐT đã phúc đáp bằng Công văn số 7986 ngày 1/9/2008 nêu rõ: “Trường chỉ vận dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực tối đa là 1 điểm; mức chênh lệch điểm trúng tuyển theo đối tượng là 1 điểm theo quy định của quy chế”.

Như vậy, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 3 khu vực đối với Trường ĐHQB tối đa là 3 điểm (cao hơn 1,5 điểm theo quy định chung của Bộ GD&ĐT).

Vậy nhưng, hội đồng tuyển sinh Trường ĐHQB lại “phá rào” áp dụng mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực là 2 điểm, sau giảm còn 1,5 điểm, nâng điểm chênh lệch giữa 3 khu vực tối đa lên 4,5 điểm và mức chênh lệch điểm trúng tuyển theo đối tượng cũng được nâng lên 2 điểm.

Với cách tính điểm ưu tiên “tùy hứng” này, nhiều thí sinh có tổng số điểm 3 môn thi từ 6 - 8 điểm cũng được công nhận trúng tuyển đại học. Chỉ riêng danh sách thí sinh trúng tuyển ngành đại học Tin học của trường năm học 2008-2009 gồm 39 thí sinh thì có 16 thí sinh có tổng điểm 3 môn thi từ 8 điểm trở xuống.

Trong khi đó, điểm sàn khối A theo quy định là 13. Cá biệt có 2 thí sinh tổng điểm 3 môn thi chỉ đạt 6 hoặc 6,5 điểm nhưng vẫn đỗ đại học (!?). Cũng trong danh sách này, có rất nhiều thí sinh trúng tuyển vào đại học Tin học nhưng điểm môn Toán (môn quan trọng nhất đối với ngành học) chỉ đạt 0,25 đến 1 điểm.

Phải hạ điểm đầu vào xuống thấp để lấy đủ lượng học sinh, nên mới có chuyện lạ đời, dựa trên tinh thần công văn của ông Vụ phó Vụ đại học và sau đại học (số 9567/BGDĐT) trường ĐHQB đã làm cái điều chưa có tiền lệ trong đào tạo đại học ở Việt Nam.

Ngày 17/10/2008, lãnh đạo trường này đã có kế hoạch số 1524 về tổ chức bồi dưỡng văn hoá cho sinh viên đại học khoá tuyển sinh năm 2008. Theo đó, số sinh viên này được bồi dưỡng 3 môn Văn, Toán và 1 môn văn hoá phù hợp với khối ngành đào tạo.

Mức thu học phí bằng 1 tháng học phí cao đẳng hệ chính quy: 150.000 đồng/tháng/sinh viên. Như vậy, số sinh viên này ngoài các giờ lên lớp trong chương trình chính khoá của bậc học đại học, từ 17 giờ hàng ngày phải dự phụ đạo lại các kiến thức văn hoá phổ thông (!?).

Chính việc tuyển sinh chạy theo số lượng bất chấp quy định như trên đã dẫn đến thiếu phòng học và trang thiết bị phục vụ đào tạo, nhất là phòng thí nghiệm, thực hành của sinh viên các ngành nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp, trồng trọt.

Hiện trường chỉ có 40 phòng học nhưng phải “cõng” gần 10.000 sinh viên, vì thế đã có những lớp học sinh viên phải ngồi tràn ra hành lang nghe giảng. Lớp học ngoại ngữ phải bố trí trên 100 sinh viên. Hiện nay, ở Trường ĐHQB việc học chính khoá phải kéo sang các ngày thứ bảy, chủ nhật.

Hiện trường ĐHQB có 204 cán bộ nhân viên, giảng viên, nhưng đã có đến 59 người (trên 1/4) làm công việc hành chính. 145 người làm công tác giảng dạy. Nhưng trong 145 người thì có đến 1/3 là đang đi theo học các lớp sau đại học.

Đa phần người được tuyển dụng vào đây đều mới tốt nghiệp ĐH chính quy, thậm chí ĐH tại chức, hay đại học mở. Khi được nhận vào trường mới “khăn gói” lên đường đi đào tạo thêm cho “hợp chuẩn”. Chính vì thế nên số giảng viên còn lại phải trằn lưng “gánh” thêm tiết giảng.

Ông Nguyễn Huỳnh Phán - Hiệu trưởng ĐH Quảng Bình khẳng định dù phải gánh thêm công việc gấp rưỡi, gấp đôi như thế nhưng chất lượng dạy học vẫn đảm bảo? Với số lượng thực tế giảng viên đứng lớp trên, trong năm học này họ đang cõng trên lưng gần 70 mã ngành đào tạo cùng với 2 cơ sở đào tạo tại Điện Biên và Đồng Nai nữa.

Không biết chất lượng có được như ông Hiệu trưởng khẳng định? Sự thực thì nhiều mã ngành mở ra, ngành thì “có trò mà chẳng có thầy”, ngành thì thiếu giảng viên và giảng viên không đạt chuẩn.

Mở quy mô, nâng số lượng theo kiểu “tăng trưởng nóng” như trường ĐHQB đang làm, khiến cho không ít phụ huynh và lãnh đạo của Quảng Bình lo ngại.

MỚI - NÓNG