Đẹp tùy mắt nhìn, thơ tùy người đọc, nhưng cái 'tùy' ấy không vô hạn

Đẹp tùy mắt nhìn, thơ tùy người đọc, nhưng cái 'tùy' ấy không vô hạn
TP - Mời công an vào Hội Nhà văn để điều tra “phá án”! Đó là đề xuất thể hiện bức xúc rất chi là… thơ của một nhà thơ chịu trách nhiệm về chuyên môn thơ trong Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Liên quan đến những ồn ào mới đây về “mua giải/chạy giải” xung quanh giải thưởng của Hội này.

Nhưng ngẫm lại thấy cũng có lý. Văn chương dẫu không gắn nhiều với tiền bạc, nhưng việc “mua giải” cũng đâu khác gì dàn xếp bán độ trong bóng đá? Đó có thể xếp vào hành vi lừa đảo, lưu hành phổ biến “hàng giả” gây thiệt hại về mặt tinh thần cho người hâm mộ.

Bóng đá công an vẫn điều tra đấy thôi ! Ông nhà thơ cũng không nói công an phải vào kết luận xem thơ hay thơ dở thế nào. Mà điều tra việc “chạy” giải thưởng, “chạy” suất hội viên lâu nay vẫn có dư luận, gây mâu thuẫn nội bộ, nghi ngờ giữa các thành viên Ban chấp hành.

Vụ này, cũng thấy hơi lạ với ý kiến phản hồi của lãnh đạo của Hội. Đó là: Giải thưởng thì phải có chấm giải, có tiêu chí trao giải, còn với tặng thưởng thì “chỉ mang tính khuyến khích, động viên”. Nghĩa là “thưởng” mà không cần chấm chọn gì hết, thích ai cứ đưa vào? Trong khi năm nay chỉ có 1 giải thưởng chính thức, còn lại 9 tặng thưởng. Nếu bỏ 9 tặng thưởng trên, thì “giải” năm nay sẽ còn gì, và gọi tên thế nào? Tên tác giả, tác phẩm của 9 “tặng thưởng” trên có được nằm trong danh sách “Giải thưởng hàng năm” của Hội không? Không cần chấm thì sao không “tặng” dịp khác, lại tặng đúng dịp này?

Lần này “hứng đá” không phải cô hoa hậu vừa mới đăng quang (như thông lệ sau mỗi cuộc thi sắc đẹp) mà là anh nhà báo với cái tút chữ nghĩa khá nặng nề, mang tính miệt thị.

Thừa nhận nhan sắc ấy có gì đó khá “độc lạ”, da nâu, tóc tém. Cả cái tên của người Ê Đê đọc và viết cũng khó khó là, nhưng chắc chắn không lẫn vào đâu được.

Mới đây, một hãng hóa mỹ phẩm nổi tiếng bị phản đối, tẩy chay vuốt mặt không kịp sau clip quảng cáo nhãn hàng sữa tắm. Một nàng da màu vào phòng tắm cởi đồ, ngay sau đó bước ra là một nàng…da trắng! Những đám đông ồn ào giận dữ, cho đó là việc làm “đáng hổ thẹn” vì mang tính phân biệt chủng tộc. Nên việc “nhầm” nước da đặc trưng của một cộng đồng dân tộc (như cô tân hoa hậu) với nước da mỹ phẩm (như của Phi Thanh Vân chẳng hạn) là sai lầm khó đỡ, tất nhiên. Chưa kể đến lỗi dùng từ nặng nề.

Nên, dù cái đẹp tùy thuộc vào mắt nhìn, cũng như thơ hay/dở tùy người đọc, nhưng cái sự “tùy” ấy không phải vô hạn. Đều phải dựa trên những chuẩn mực để đánh giá.

Nếu không có tiêu chí thống nhất, thì việc phân biệt “giải thưởng” và “tặng thưởng” như ở hội nọ, chẳng khác nào nói “tôi có hai vết thương, một bị ở đùi, một bị ở Quảng Trị”.                

MỚI - NÓNG