Quảng cáo sai sự thật
Lướt một vòng mạng xã hội, không khó để bắt gặp những quảng cáo do nghệ sĩ, người nổi tiếng tham gia. Nhiều sản phẩm mà họ tiếp thị lại có công dụng như “thuốc tiên” chữa bách bệnh, hoặc những sản phẩm làm đẹp 10 trong 1 - vừa trắng da, xóa vết nám, đồi mồi, xóa nếp nhăn… Dễ dàng nhận thấy, nhiều sản phẩm thổi phồng công năng, hiệu quả sử dụng. Người tiêu dùng dễ tin vào những lời quảng cáo thần thánh từ người nổi tiếng, nghệ sĩ mà họ yêu thích.
Người có tầm ảnh hưởng khi tham gia quảng cáo phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm |
Một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất nhận quảng cáo nhiều có lẽ là Cát Tường. Hàng loạt chuỗi sản phẩm sữa dinh dưỡng cô giới thiệu đều có chức năng chữa bệnh tiểu đường, xương khớp… Thực tế, đây chỉ là dòng sản phẩm chức năng, không phải thuốc chữa bệnh. Cát Tường phải lên tiếng xin lỗi. Đây là bài học “nhớ đời” để cô cẩn trọng hơn. Trước đó, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Hồng Vân, MC Quyền Linh, diễn viên Vân Trang, Nam Thư, Diệu Nhi, ca sĩ Phương Mỹ Chi… cũng phải lên tiếng đính chính, xin lỗi khán giả do quảng cáo sai sự thật.
NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nói rằng, cần đẩy mạnh việc xử phạt để ngăn chặn hành vi quảng cáo sai sự thật. Bên cạnh xử phạt hành chính, dân sự, cần xử lý hình sự nếu hành vi vi phạm gây tổn thất lớn.
Thực tế, nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ sân khấu, có thu nhập cao từ cát-xê quảng cáo. Giá để mời một người nổi tiếng quảng cáo rất đa dạng. Một buổi quay livestream (phát sóng trực tiếp) kéo dài khoảng 2 tiếng giới thiệu sản phẩm, công ty phải trả cho nghệ sĩ từ 50-80 triệu đồng. Nếu muốn sử dụng hình ảnh, video của nghệ sĩ đó, công ty cần trả thêm phí dao động từ 10-20 triệu đồng/tháng. Chi phí tăng giảm dựa trên mức độ nổi tiếng, sức ảnh hưởng và khả năng bán hàng của từng diễn viên, nghệ sĩ.
Cần chế tài đủ mạnh
Tại dự thảo mới, Bộ VHTTDL đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng. Đó là người có ảnh hưởng theo quy định tại Luật Bảo vệ người tiêu dùng, hoặc những người sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500 nghìn người trở lên…
Tràn lan các quảng cáo thổi phồng công dụng do một số nghệ sĩ nổi tiếng thực hiện |
Hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng phải tuân thủ một số quy định: Phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo; nếu đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ phải có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm…
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết, trong dự thảo luật lần này còn một số câu chữ dễ gây hiểu nhầm hoặc dẫn đến tình trạng khó quản lý khi ban hành như khái niệm chứng minh đã sử dụng sản phẩm. Sắp tới, Bộ VHTTDL sẽ tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia, đại diện các công ty quảng cáo, sở ngành… góp ý để hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định trong Luật quảng cáo đem lại kỳ vọng dẹp loạn quảng cáo thổi phồng trên mạng, trả lại sự trong sạch cho môi trường quảng cáo và thêm cơ chế bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo cho hay, quy định mới không chỉ bảo vệ người tiêu dùng mà còn hướng đến bảo vệ hình ảnh người nổi tiếng.
Phát ngôn của người có tầm ảnh hưởng có thể tạo ra xu hướng hoặc tạo ra dư luận. Họ cần biết giữ hình ảnh để duy trì sức ảnh hưởng. Trước đây, vì chưa có luật cụ thể nên chúng ta lơ là, hoạt động quảng cáo xảy ra nhiều vấn đề. Luật quảng cáo sửa đổi định hướng cho nghệ sĩ, người có tầm ảnh hưởng trong quảng cáo, quảng bá sản phẩm”, ông Nguyễn Trường Sơn nêu.
Theo một số chuyên gia, dự thảo Luật cần chặt chẽ, cụ thể hơn. Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng, con số 500 nghìn người theo dõi, đăng ký trên mạng xã hội không hoàn toàn thể hiện cho sức ảnh hưởng, sức bán hàng của người nổi tiếng. Điều quan tâm đầu tiên là xây dựng tiêu chí về người có tầm ảnh hưởng.
“Chúng ta cần một bộ công thức, không phải một chỉ số. Nếu căn cứ vào một chỉ số sẽ rất khó đảm bảo được độ chính xác cao. Tôi cho rằng, chúng ta cần dựa vào số người theo dõi, đăng ký, thời gian người đó hoạt động trên mạng, thời điểm mở tài khoản, lượng tương tác trung bình của mỗi bài viết trong một tuần hoặc một tháng gần nhất và tần suất của người đó trên các môi trường truyền thông”, ông Nguyễn Ngọc Long nêu.
Về việc công bố các bằng chứng, minh chứng sử dụng sản phẩm quảng cáo, chuyên gia Ngọc Long cho biết, quy định này còn nhiều lỗ hổng bởi không phải sản phẩm nào cũng có thể quay, chụp lại bằng chứng. Ông đề xuất người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải ký cam kết những điều mình quảng cáo là sự thật, không nói sai, nói lố; bắt buộc chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu làm trái cam kết.