Chưa thống kê kịp những vẻ đẹp “bất hợp pháp”, xé rào đi thi chui các cuộc thi nhan sắc quốc tế kiểu như cô Lắm. Chỉ biết mấy năm lại đây, năm nào cũng ồn ào dăm ba vụ. Giải to chưa thấy, chứ giải be bé các cô ẵm về không phải hiếm. Nhiều chân dài vừa kết thúc cuộc thi xuống sân bay, tay này ẵm giải thưởng, tay kia cầm sẵn tiền nộp phạt!
Các người đẹp thường dắt díu nhau đi thi “chui”, cơ bản vì chưa từng giắt lưng giải thưởng chính thức nào về nhan sắc trong nước - một điều kiện cần có theo quy định. Nên có xin cấp phép ra ngoài thi thố chắc chắn cũng không lọt.
Mùa thu này, làm thơ bỗng thành nghề nguy hiểm. Khi dồn dập, loạn xạ những nghi án “thuổng” thơ của nhau. Có những câu thơ, ý thơ, thậm chí cả bài thơ vốn đang được coi là đẹp, bỗng chốc có cảm giác “bất hợp pháp” bởi nghi án chủ nhân của nó cầm nhầm thơ của người khác.
Có lẽ từ giờ viết ra câu thơ, ý thơ nào cũng phải chịu khó tra Gu-gờ xem đã có ai đi trước mình chưa. Bởi món “vô thức (đồng) sáng tạo” này chả biết đâu mà lần. Nói giỡn chơi vậy thôi, chứ “ADN thơ” làm gì có chuyện hai cá thể giống nhau, dù con người còn tiếp tục làm thơ cả tỷ năm nữa cũng chưa chắc hết “đất” để phải dẫm đạp lên chân người khác.
Làm thơ - hoạt động phụng sự cái đẹp, vốn diễn ra công khai, dân chủ, thế rồi lắm khi khiến bạn đọc hồi hộp. Vì chưa biết những bài thơ đẹp ấy lúc nào sẽ vỡ ra xì căng đan?!
Cuối năm nay người đẹp thi “chui” Hoàng Thị Lắm sẽ được ban tổ chức cuộc thi trên mời lại sang Hàn Quốc. Cô đã kịp hồn nhiên khoe với báo chí, rằng đây sẽ là dịp để cô “quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước Việt Nam”. Ca này e sẽ làm khó cho các nhà quản lý đây!
Hèn gì, tận mấy trăm năm trước, triết gia, cũng là nhà thơ người Mỹ Henry David Thoreau (1817-1862) phải bật ra, rằng: “Nhận thức về cái Đẹp là một bài kiểm tra về đạo đức”. Cho dù, bản thân cái Đẹp chưa bao giờ là bất hợp pháp.