Đến với gian khổ để bình yên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở tuổi 71, nhiều người đã về quê “ở ẩn” tránh dịch COVID-19 đang bùng lên tại thành phố, bác tôi lại đề xuất với con cháu cho mình được tham gia tuyến đầu chống dịch theo “lời hiệu triệu” của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn mà bà đọc được qua báo chí.

Là một bác sĩ nhi khoa đang sinh sống tại quận Bình Thạnh, TPHCM, bác đã nghỉ hưu sau hơn 30 năm cống hiến cho ngành y tế. Có lẽ vì thế mà khi nghe được lời kêu gọi của ngành, máu nghề lại chảy trong tim, khiến bà không thể ngồi yên mà nhìn.

Ngoài kia, dịch bệnh ngày càng phức tạp, người có chuyên môn như mình đứng nhìn, thì ai sẽ là người xông pha, khi nguồn nhân lực đang cạn dần vì các ca dương tính tăng lên.

Tôi gọi điện chúc mừng bởi suy nghĩ tích cực và hành động cao đẹp của bác, giọng bà qua điện thoại vẫn không giấu được niềm tự hào: “Còn sức khỏe, còn được cống hiến là còn hạnh phúc. Nhìn thấy nhiều bệnh nhi trong khu cách ly, điều trị qua tivi, thương lắm. Các cháu cũng như cháu mình, không có cha mẹ bên cạnh, trong lúc mình có cơ hội đến để chăm sóc, vỗ về chúng, tại sao không làm?”.

Đáng tự hào hơn, bác tôi không phải là trường hợp đặc biệt, hiếm hoi trước lời kêu gọi nhân lực y tế hỗ trợ chống dịch. Sau 3 ngày Bộ Y tế kêu gọi cán bộ y tế tư trợ giúp, có hơn 2.500 y bác sĩ, trong đó có đội ngũ bác sĩ về hưu, giảng viên, sinh viên và các tình nguyện viên khối ngành sức khỏe khác từ khắp các tỉnh thành đã sẵn sàng “ra trận”. Họ nói rằng, họ đang đi theo tiếng gọi từ trái tim mình.

Một bác sĩ quen tôi đã nghỉ hưu, sáng nay cũng gọi điện hớn hở “khoe” đã được Sở Y tế Thành phố đồng ý tiếp nhận sau khi đăng ký. Đi chống dịch, đi vào điểm nóng, nơi nhiều hiểm nguy nhưng với ông đó là cảm xúc tự hào xen lẫn háo hức. Ông nói, thấy anh chị em đồng nghiệp vất vả quá, hơn nữa bệnh nhân đang rất cần bác sĩ, nên mình đăng ký tham gia.

Trước sự nhiệt thành đó, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết, ông rất xúc động khi lời kêu gọi của mình đã nhận được nhiều hồi đáp đến như vậy. Hôm qua, các bệnh viện tư nhân ở TPHCM đã vào cuộc, dành hàng trăm giường hồi sức, triển khai bệnh viện dã chiến điều trị COVID; các phòng khám tư cũng cử y bác sĩ tham gia tuyến đầu; hàng trăm bác sĩ nghỉ hưu, các lương y khắp nơi cũng đồng lòng góp sức.

Gần 2 tháng nay TPHCM đang “bệnh nặng”, và cũng ngần ấy thời gian mảnh đất này đón nhận bao yêu thương, sẻ chia khắp mọi miền đất nước. Từng đoàn xe nối đuôi nhau vào Nam, như năm xưa chiến sĩ cả nước ra trận, vẫn hào hùng và kiên cường như thế. Một tinh thần xung kích mạnh mẽ mà tôi chưa từng được chứng kiến.

Tại các bệnh viện dã chiến cách đây mấy hôm, nhiều đoàn nghệ sĩ cũng có mặt, tặng thiết bị bảo hộ, vật tư y tế và biểu diễn văn nghệ nhằm cổ vũ các y, bác sĩ. Tiếng hát ca sĩ Phương Thanh cất lên thật cảm động: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai…”.

Đúng là như thế, nếu ai cũng muốn bình yên trong nhà và hưởng thụ, thì ai sẽ quên mình để giữ bình yên ngoài kia?

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.