Đến trường là... em nhức đầu

Đến trường là... em nhức đầu
Bé T.T., 7 tuổi, được mẹ đưa đến trung tâm tham vấn tâm lý với lý do đau đầu, đau bụng từng cơn... Những cơn đau này ở bé chỉ xuất hiện khi bé đi học, còn những ngày nghỉ dường như bé không có.
Đến trường là... em nhức đầu ảnh 1

Đến trường là... em nhức đầu. Hình minh họa. Ảnh: Fotosearch

Qua trao đổi cùng mẹ của bé và qua trò chuyện với bé, các chuyên gia tại trung tâm bước đầu xác định bé rơi vào chứng từ chối đi học, và nguyên nhân chủ yếu có thể xác định đó là do áp lực từ phía môi trường học tập, ngoài ra do cô giáo mới của bé không tế nhị trong việc tiếp xúc và giáo dục trẻ.

Cô thường xuyên đe nẹt và đánh các bé, do đó bé càng ngày càng rơi vào trạng thái lo âu, sợ đến trường và stress. Các triệu chứng đau bụng, đau đầu là một cách để bé từ chối đến trường.

Chứng "từ chối đi học"

Trẻ từ chối đi học là một tình trạng rối nhiễu tâm lý được xác định như là sự bỏ học thường xuyên, mặc dù có thể có đủ sức khỏe và điều kiện để đến trường và học tập. Bên cạnh đó, từ chối đi học ở trẻ cũng được xem là hành vi ở những trẻ hiếm khi vắng mặt nhưng đi học với sự cưỡng ép bắt buộc.

Trẻ có thể gia tăng dần sự miễn cưỡng, ngại phải rời khỏi nhà để đến trường. Bên cạnh, khi phải đến trường hoặc chỉ nghĩ đến việc đi học, trẻ thường kèm theo sự gia tăng các dấu hiệu đau khổ và lo lắng.

Theo các nhà tâm thần học, từ chối đến trường là một vấn đề ảnh hưởng tới 1-2% trẻ em tuổi học sinh, và khoảng 5% trẻ em và trẻ vị thành niên được đưa đến khám tại bệnh viện.

Trẻ có thể có các than phiền về mặt cơ thể như đau đầu, đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, mệt mỏi, uể oải... Các dấu hiệu trên chỉ xuất hiện vào những ngày đi học và không tồn tại vào những thời điểm khác ngoài giờ đến trường như ngày cuối tuần, ngày nghỉ.

Một số trẻ biểu hiện bằng hành vi đeo bám cha mẹ, người thân quá mức. Thường trẻ hỏi đi hỏi lại nhiều lần có nhất thiết phải đi học không, thường xuyên cầu xin được nghỉ học vì những lý do liên quan đến sự sợ hãi như bị tai nạn, bị bạn bè đánh, sợ bị bắt cóc.

Việc từ chối đi học ở trẻ thường xuất hiện sau một sang chấn, sau một thời kỳ bệnh lý, hoặc sau một sự kiện mới phát sinh trong gia đình như cha mẹ ly dị, mẹ có em bé.

Nhiều nguyên nhân

Việc từ chối đi học ở trẻ có rất nhiều nguyên nhân. Có thể là do trẻ mắc một số bệnh cơ thể tái diễn nào đó (đau đầu, đau bụng...). Có thể là do nhân cách của trẻ, hoặc bởi trẻ đang trong một tình trạng rối loạn tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm, phân ly, hoặc rối loạn hành vi như tăng động, rối loạn học tập, nghiện chất...

Có thể đó là do nguyên nhân từ phía gia đình của trẻ. Một số trẻ từ chối đi học do cha mẹ ly tán, bạo lực gia đình, hoặc điều kiện kinh tế gia đình. Số trẻ khác lại ảnh hưởng bởi các rối loạn bệnh lý từ phía cha mẹ chúng, như cha mẹ quá lo sợ cho sự nguy hiểm của trẻ kéo theo sự từ chối đi học ở trẻ.

Quan trọng nhất trong nguyên nhân của việc từ chối đi học của trẻ là do yếu tố nhà trường và xã hội. Một số ngại đến trường bởi khó khăn trong việc tiếp thu bài vở, số khác lại sợ đến trường bởi môi trường giáo dục thiếu nâng đỡ hoặc không thích hợp (quá nghiêm khắc, bị thầy cô la rầy) hoặc có thể do bị bạn bè đe dọa hay trêu chọc...

Hỗ trợ kịp thời

Trước tiên, cha mẹ xác định nguyên nhân trẻ từ chối đi học. Việc xác định nguyên nhân này phải cực kỳ khéo léo và tế nhị nếu không rất dễ gây hiểu lầm và không thể có sự chia sẻ từ phía trẻ. Khi đã chắc chắn nguyên nhân, cần gặp giáo viên chủ nhiệm và nhà trường nơi trẻ học để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Bên cạnh đó, cha mẹ hãy đưa trẻ tới một trung tâm tham vấn tâm lý nhờ giúp đỡ. Các nhà chuyên môn sẽ xác định rõ hơn tình trạng của trẻ và có phương án can thiệp tốt nhất. Nếu nguyên nhân từ chối đi học ở trẻ là do một bệnh lý thực thể hay một rối loạn tâm thần, các nhà chuyên môn sẽ gửi trẻ đến nơi cần thiết để điều trị kịp thời.

Còn nếu nguyên nhân là các yếu tố tâm lý xã hội, nhà trường hoặc gia đình, việc điều trị chứng này phải cần có sự phối hợp cả hệ thống. Tuy nhiên việc triển khai các liệu pháp nhận thức - hành vi là cực kỳ quan trọng với trạng thái tâm lý này. Bên cạnh đó việc sử dụng một số thuốc để điều trị rối loạn về việc từ chối đi học phải có sự chỉ định của các nhà chuyên môn, bởi nó liên quan đến một số tình trạng bệnh lý khác...

Theo Lê Minh Công
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG