Đi bên xác người cháy
Khởi đầu ngày tham quan, chúng tôi đến thăm một ngôi đền cổ Hindu (Ấn Độ giáo) được xây cách đây hơn 1.000 năm. Nepal có 30 triệu dân và hơn 100 dân tộc khác nhau, đa số là người Bramin cùng chủng người Ấn Độ và 80% dân số theo đạo Hindu. Đạo Hindu thờ hơn 1 triệu vị thần khác nhau, trong đó có hai thần quan trọng nhất là thần Shiva - đấng tạo hóa và thần Vishnu - đấng bảo vệ muôn loài.
Đã theo đạo Hindu thì hầu hết ai cũng rất tin và sùng đạo, hàng ngày thờ cúng tại nhà và thường xuyên đến đền. Người Hindu tin rằng con người có kiếp luân hồi và khi sinh ra, mỗi người được sắp xếp vào một Caste (tạm dịch là đẳng cấp), khi đã ở đẳng cấp nào thì không có cơ hội được lên đẳng cấp khác, chỉ chờ kiếp sau tái sinh. Đẳng cấp của con người ở kiếp sau tùy thuộc vào những việc mà người đó làm trong kiếp này.
Bước vào cửa đền, men theo một con sông nhỏ cực kỳ ô nhiễm, đầy rác, quần áo cũ, gỗ củi cháy dở, nilon vứt đầy sông. Anh hướng dẫn du lịch tên Jagrit giới thiệu đó là dòng sông thiêng, tất cả các ngôi đền Hindu đều nằm cạnh một dòng sông, dù lớn hay nhỏ.
Ở Kathmandu có rất nhiều ngôi đền, nhưng đây là ngôi đền lớn nhất và cổ nhất. Tôi hỏi lại: “Đây là dòng sông thiêng ư?”. “Vâng”, anh hướng dẫn trả lời. Nhìn từ xa, những đám khói ngùn ngụt bay khắp nơi, người rất đông xung quanh từng đám cháy, tỏa ra vài trăm mét, lẫn cả vào khu dân đông đúc cư bên cạnh.
Từ cửa đền đã ngửi thấy mùi khen khét khó tả, tôi vội hỏi anh hướng dẫn: Cái gì thế? Hóa ra, đó là nghi lễ hỏa thiêu người chết! Ở đây chỉ thiêu người bằng củi và ở ngoài trời, lúc nào cũng có nghi lễ này tại đền, vì tất cả những người theo đạo Hindu sau khi chết 1 – 2 giờ là chuyển ngay đến đền và làm lễ hỏa táng trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Các nơi hỏa thiêu ở đầu này dành cho đẳng cấp Brahmane, Ksatriya, còn lại là dành cho đẳng cấp Vaishya và Sudra. Ở đây, lúc nào cũng có 4 – 6 đám hỏa thiêu như vậy.
Chân tay bủn rủn, tôi nói nhỏ: “Anh ơi về thôi, đến thăm điểm khác!”. Khánh, anh bạn nhà văn đồng hành với tôi, thản nhiên đáp: “Làm trang nam tử tại sao lại sợ những thứ này, cứ đi, chỉ là một nghi lễ văn hóa bản địa, có gì đâu!”.
Chúng tôi tiến sâu vào bên trong đền, đi thẳng tới nơi làm nghi lễ hỏa thiêu. Có đám đang cháy, có đám bắt đầu sắp củi và đặt xác người lên, có đám vừa cháy hết và bắt đầu dọn dẹp, vứt cả tro, xương và quần áo người chết cháy dở xuống dưới sông ngay bên cạnh. Phong tục nghi lễ phải đúng trình tự như vậy.
Xuôi dòng chảy nhỏ của con sông cạn nước, chúng tôi gặp hai người phụ nữ đang giặt quần áo và gội đầu bằng nước sông mà cách đó 10m người ta vừa vứt tro, xương cháy dở, quần áo người chết xuống. Dòng sông thực sự rất ô nhiễm! Một cảnh tượng quá sốc lần đầu tiên trong đời tôi chứng kiến! Jagrit đưa chúng tôi đi sát những đám hỏa thiêu, giới thiệu với vẻ thản nhiên:
“Khi cha mẹ chết, tất cả con trai phải đưa đến ngôi đền ngay, con gái ở nhà, nếu không có con trai, thì con trai của người em hoặc anh phải đến làm nghi lễ. Tất cả không được mặc quần áo thường nhật, chỉ vận một mảnh lụa trắng mỏng khi làm nghi thức hỏa thiêu cho người quá cố.
Xong nghi lễ, con trai cả hoặc người đại diện phải về nhà, ngồi một mình trong phòng kín cầu nguyện cho người quá cố trong vòng 15 ngày, không giao tiếp với ai, mỗi ngày chỉ ăn một bát cơm trắng, uống một cốc nước trắng, nước dùng để uống và nấu cơm phải lấy từ con sông đã trải tro của người quá cố. Nếu trong 15 ngày này có người hỏi mà trả lời thì coi như đã phạm luật của thần linh và phải làm y như vậy 15 ngày tiếp theo”.
“Tôi không phải là người Bramin mà là một dân tộc thiểu số, nhưng tôi và gia đình theo đạo Hindu. Với chúng tôi, dòng sông đầy tro và rác này không phải là ô nhiễm mà rất thiêng liêng. Mỗi lần được tắm bằng nước sông thấy người nhẹ nhõm hơn, thanh thản hơn”, anh hướng dẫn nói thêm.
Làm lính đánh thuê
Sau khi ăn tối, anh bạn đến tận cổng khách sạn đón chúng tôi đến chơi nhà một cựu chiến binh tên là Subhash Khanal. Ngôi nhà đơn sơ bao quanh bởi ruộng lúa khô cằn, khu vườn trơ trụi mấy cây chuối và sả, phòng khách chỉ 5m2, ánh điện mờ mờ, xung quanh chất đầy ngô và gạo.
“Tôi 46 tuổi, làm lính đánh thuê ở Ấn Độ 24 năm, mới về hưu được 2 năm. Chúng tôi thường xuyên canh giữ và giao chiến ở khu vực Kashmir, nhưng may chẳng có vết thương nào cả”, anh cười tươi vẻ tự hào. Anh Khanal có 3 con, 2 trai 1 gái, vợ ở nhà làm nội trợ. Thằng lớn 20 tuổi đang ở nhà tận trên núi, cứ mỗi tuần về đó một lần để trông canh ruộng vườn.
Hình ảnh những đám khói thiêu xác trong đền Hindu, ngay gần đó hai người đàn bà tắm giặt trên dòng sông thiêng ô nhiễm, người bạn Nepal lính đánh thuê hùng hồn kể về thời quân ngũ, những người dân lam lũ từ Kahtmandu đến Lumbini cứ lờ mờ thoát ẩn thoát hiện trong đầu.
Tôi tò mò: Thế sao anh lại đi làm lính đánh thuê? Thu nhập của anh được bao nhiêu? “Trước kia trong quân ngũ, được khoảng 200 USD/tháng, giờ về hưu, chính phủ Ấn Độ trả 180 USD/tháng. Không đủ mấy miệng ăn nên tôi phải đi làm bảo vệ thêm”- anh hướng dẫn nói. Chúng tôi rất ngạc nhiên, chỉ với mức lương 200 USD/tháng mà lại đi chiến đấu, chẳng vì tổ quốc, chẳng vì nghĩa vụ, mà vì miếng cơm manh áo đi bán mạng mình, mà vẫn không đủ nuôi gia đình, lạ thật !
Anh hướng dẫn giải thích thêm : “Ở Nepal, nguồn thu lớn nhất là từ xuất khẩu lao động và đi lính đánh thuê ở nước ngoài, sau đó đến ngành du lịch, thứ nữa là nông nghiệp. Chẳng có nhà máy sản xuất gì hết, phần lớn hàng hóa được nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc. Lính Nepal, nước nào cũng thích! Trước người Anh chiếm toàn bộ Ấn Độ rồi, muốn thu phục các nước xung quanh. Khi đánh chiếm Nepal, họ thấy lính Nepal thật dũng cảm, đạn bắn liên tiếp như mưa, họ vẫn mặc kệ.
Khi chỉ huy hô tiến lên, họ lập tức lao lên với vũ khí duy nhất là gươm và dao quắm. Vị tướng chỉ huy quân Anh thấy vậy dừng trận, tìm mọi cách thu phục Vương quốc Nepal bằng cách khác chứ không giết hại lính. Sau này, lính Nepal được tuyển dụng đi các chiến trường cam go nhất của thực dân Anh, ngay cả chiến tranh thế giới thứ 2, trong đám quân Anh tử trận, có phần nhiều là lính Nepal. Từ đó, các nước rất thích tuyển dụng lính đánh thuê Nepal, lệnh tiến là tiến, lùi là lùi, dũng cảm vô song”.