Cuối tháng trước, chính quyền của thủ tướng Angela Merkel lần đầu tiên phủ quyết một thương vụ người Trung Quốc mua lại một công ty Đức.
Cú áp phe mua lại hãng sản xuất thiết bị Leifeld Metal Spinning của tập đoàn Yên Đài Đài Hải đã bị đình lại vào phút chót, sau khi chính phủ Đức phát đi tín hiệu cho thấy họ sẽ ngăn chặn thương vụ này với lý do “an ninh, theo SCMP.
Leifeld sản xuất các thiết bị sử dụng trong ngành năng lượng hạt nhân và không gian. Một số ngày trước khi vụ mua bán đổ bể, ngân hàng sở hữu nhà nước của Đức là KfW thông báo họ sẽ mua lại 20% cổ phần của công ty quản lý lưới điện 50Hertz, ngăn chặn một lời đề nghị mua cổ phần từ Tập đoàn lưới điện quốc gia Trung Quốc.
Trong tháng này, chính phủ Đức cũng thông báo kế hoạch thắt chặt kiểm soát đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp liên quan đến quốc phòng hay an ninh quốc gia.
Năm ngoái, chính phủ thắt chặt kiểm soát đối với đầu tư nước ngoài, cho phép giới chức can dự nếu một nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 25% cổ phần của một công ty Đức. Năm nay, để kiểm soát chặt hơn, chính phủ hạ tỷ lệ “đỏ” nắm giữ cổ phiếu của nhà đầu tư nước ngoài xuống còn 15%.
Động thái của Berlin diễn ra sau một loạt các vụ mua bán đình đám trong hai năm qua làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng mới từ Trung Quốc chiếm giữ các công ty chủ chốt của Đức cùng nỗi lo bị đánh cắp công nghệ.
Các hoạt động mua bán và sáp nhập ở Đức do các công ty Trung Quốc ở cả Đại lục lẫn Hong Kong thực hiện lên đỉnh điểm vào năm 2017 với 69 thương vụ, trong khi năm 2011 mới chỉ có 18 vụ, SCMP trích báo cáo của Viện quốc tế về Sáp nhập, mua lại và Liên minh cho hay. Giá trị các khoản đầu tư từ Trung Quốc vào Đức tăng từ 690 triệu euro năm 2011 tăng lên 7 tỷ euro trong năm 2016. Ngoài công ty sản xuất robot Kuka, các nhà đầu tư Trung Quốc trong hai năm qua đã mua lại nhiều công ty chủ chốt của Đức như hãng dược phẩm Biotest Pharmaceuticals, mua cổ phần của các biểu tượng kinh tế của Đức như ngân hàng Deutsche Bank, tập đoàn Daimler, công ty mẹ của hãng xe hơi Mercedes-Benz.
“Mặc dù các nhà đầu tư Trung Quốc là các công ty tư nhân, mối liên hệ với chính phủ của họ là khá mạnh mẽ. Hơn nữa, việc các công ty của châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc lại bị kiểm soát rất ngặt nghèo”, ông Christian Dreger thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức nói.
Theo hãng tin DW, trong năm 2016, số công ty châu Âu mà các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại nhiều hơn bốn năm trước đó cộng lại, hầu hết là công ty Đức. Năm 2017, chính phủ Đức bắt đầu có các biện pháp ngăn chặn nên số vụ mua lại công ty từ nhà đầu tư Trung Quốc đã giảm so với năm 2016.
Tôn Di, người đứng đầu bộ phân nghiên cứu thương mại Trung Quốc của công ty tư vấn EY (trước đây là Ernst & Young) nói có những lý do khiến các vụ mua lại giảm đi. “Tháng 11/2016, chính phủ Trung Quốc đồng ý với chính phủ Đức kiểm soát chặt nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài”, bà Tôn nói với DW. Kể từ đó, các công ty Đức đòi giá cao hơn trước. “Tiền nay phải đặt cọc trong tài khoản mở ở Đức, hoặc một ngân hàng phải đứng ra bảo lãnh”. Và một số thương vụ đã thất bại.
Không chỉ gặp trở ngại từ các quy định mới của chính phủ Đức, rõ ràng đã có sự không thoải mái về chuyện nhà đầu tư Trung Quốc trong chính giới Đức.
“Chúng tôi đang thấy những ảnh hưởng đang tăng lên của chính phủ Trung Quốc đối với các công ty tư nhân. Điều đó khiến chúng tôi bất an”, Dieter Kempf thuộc Liên đoàn Công nghiệp Đức nói.
Nhà kinh tế Đức Marcel Fratzscher phát biểu về việc chính phủ Đức chặn thương vụ Leifeld Metal Spinning, được tờ Sydney Morning Herald trích thuật.
“Các anh phải tự hỏi vì sao các công ty Trung Quốc, không có chỗ đứng chân ở châu Âu, lại sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn các đối thủ khác để mua lại công ty của chúng ta”