'Đến Chủ tịch tỉnh còn bị đe dọa nên người tố cáo rất lo bị trả thù'

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)
ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương)
TPO - "Ngay cả đến Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh còn bị đe dọa, khủng bố thì người dân sẽ khó bảo vệ được mình trong trường hợp bị trả thù. Vì thế, nếu không công nhận tố cáo nặc danh là hạn chế quyền của người dân. Nên tiếp nhận hình thức này, kèm với đó cần có cơ chế kiểm soát để chống vu khống, bôi nhọ người khác”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nói.    

Thảo luận về Dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi chiều 16/6, các đại biểu (ĐB) đã liên tục tranh luận với nhau về việc có nên mở rộng hình thức tố cáo và cơ chế bảo vệ người tố cáo.

Theo dự thảo luật, chỉ có hai hình thức tố cáo sẽ được giải quyết là tố cáo trực tiếp và đơn thư bằng văn bản. Tất cả đều phải có tên tuổi, địa chỉ, thông tin cá nhân người tố cáo. Tố cáo nặc danh sẽ không được xem xét giải quyết.

Đồng tình với quy định trên, ĐB Trần Văn Mão (Nghệ An) cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, người tố qua email, điện thoại có thể sẽ lợi dụng tên, địa chỉ email của người khác để bôi nhọ, tố cáo sai sự thật. Khi đó, cơ quan giải quyết sẽ lại mất thời gian xác minh email, địa chỉ…

Tuy nhiên, ĐB Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) cho rằng, việc không mở rộng hình thức tố cáo bằng email, fax, điện thoại là “lạc hậu đến cả hàng nghìn năm”.

"Giờ thế kỷ 21 rồi, khi chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng 4.0 mà chỉ quy định có đơn thư văn bản với trực tiếp. Hàng nghìn năm trước, nhân loại cũng đã có thạch thư, mộc thư, trúc thư rồi cơ mà", ông Thức dẫn chứng và nói thêm rằng, luật Phòng, chống tham nhũng đã đề cập đến các hình thức này nên nếu dự luật Tố cáo không thừa nhận là thiếu đồng bộ.

Về  tố cáo nặc danh, nhiều ĐB tán thành với quy định không xem xét, vì lo ngại làm gia tăng tình trạng vu khống, bôi nhọ sai sự thật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại đề nghị cần tiếp nhận, giải quyết tố cáo nặc danh nếu có đủ căn cứ.

Theo ĐB Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận), ngay trong báo cáo của Chính phủ đã thừa nhận tình hình tố cáo phức tạp, trong đó có cả việc người bị tố cáo dùng xã hội đen đe dọa người tố cáo cho nên cần quy định hình thức đặc thù để tiếp nhận với tố cáo nặc danh.

ĐB Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho hay, ngay cả đến Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh còn bị đe dọa, khủng bố thì người dân sẽ khó bảo vệ được mình trong trường hợp bị trả thù, cho nên nếu không công nhận tố cáo nặc danh là hạn chế quyền của người dân. "Nên tiếp nhận hình thức này, đi kèm với đó là cần có cơ chế kiểm soát, trình tự để chống vu khống, boi nhọ người khác", ông Hồng kiến nghị.

MỚI - NÓNG