Báo động về VSATTP :

Đến cá cũng nhiễm độc

Đến cá cũng nhiễm độc
TP - Sau khi nhiều loại rau, thịt, nước chấm (Nước tương, mắm) bị phát hiện dính độc chất, nay đến cá nuôi cũng đang trở thành thủ phạm mang nhiều chất độc hại không kém vào cơ thể người tiêu dùng.

>> TP.HCM: Báo động hoá chất, kháng sinh trong hải sản
>> Mua thực phẩm an toàn ở đâu?
>> Như thế là tội ác

Đến cá cũng nhiễm độc ảnh 1
Cá chết vì ô nhiễm nguồn nước tại Hồ Tây, Hà Nội. Ảnh : Hạnh Ngân

Cá chết hẹn giờ

Từ khoảng giữa 1/2007 trở lại đây, nhiều nơi thuộc 17 tỉnh thành phía Bắc xuất hiện hiện tượng khan hiếm cá chép con. Thậm chí, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (RIA I) cũng cạn nguồn cung cấp.

“Không hiểu sao cá chép bột và cả cá bố mẹ năm nay chết rất nhiều, có nơi chết gần nửa” - Ông Đỗ Chính, Giám đốc Cty Thiên Đức (xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chuyên kinh doanh cá giống, cá bột, cho biết.

Theo một nhà khoa học (xin được giấu tên) thì cá chết có nguyên nhân từ việc người nuôi dùng các loại chất kích thích sinh sản, phổ biến nhất là các hóa chất Trung Quốc. Chất HA với giá 40.000 – 45.000 đồng/hộp 10 lọ có thể tiêm cho một 100 kg cá.

Chất HCG cao cấp hơn, một hộp 10 lọ có giá 200.000 đồng tiêm được  200 kg cá. Người ta bắt từng con cá để tiêm và cá con sinh ra tăng vọt cả về số lượng lẫn trọng lượng. Tần xuất sinh sản cũng rút ngắn so với tự nhiên.

Trước đây, theo phương pháp truyền thống, người ta chỉ dùng não cá tiêm cho cá cũng để kích thích sinh sản. Cách đó chậm và không cho năng suất.

Nhiều nơi dùng chất kích thích sinh sản thời gian gần đây gặp hiện tượng cá chết hàng loạt. Cứ khoảng 10 -30 giờ sau khi sinh là cá con chết. Chúng chết nhiều đến nỗi người ta gọi đấy là hiện tượng “cá chết hẹn giờ”.

Cơn sốt năng suất thậm chí lan cả vào các đơn vị nghiên cứu thủy sản  nhà nước. Ông Đỗ Chính cho biết, ông biết rất rõ, tại  RIA I, người ta cũng dùng hormone khử đơn tính tiêm cho cá rô cái để chúng không còn khả năng sinh sản nữa. Thay vào đó, lũ cá “đồng tính luyến ái” ấy chỉ việc ăn và lớn thật nhanh để sớm được xuất chuồng.

Cá ghẻ lờ đờ

Nhà khoa học cũng cảnh báo chính tình trạng chạy đua năng suất khiến cá lớn như thổi nhưng, ngược lại, chất lượng cá giảm sút rõ rệt. “Thịt ăn vừa bã vừa khô, nhai như nhai rơm” - Ông Trần Yên, chủ trang trại cá hồi giữa rừng đại ngàn Lai Châu nói.

Nói về tình hình chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm hiện nay ở nước ta, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Ủy ban các Vấn đề Xã hội của Quốc hội, dùng hai từ “ảm đạm”.

Trước cử tọa toàn lãnh đạo các tỉnh thành và bộ ngành liên quan đến miếng ăn, bà Hoài Thu thẳng thắn: “Lòng nhân đạo, đạo đức nhà sản xuất bị xói mòn. Hám lợi giờ đây đã trở thành tội ác”.

Trở về từ trang trại cá hồi đầu tư 1,5 tỷ đồng của ông Yên tôi tìm đến một chợ cá ở Hà Nội để kiểm tra lời cảnh báo của ông. Cuối cùng tôi cũng tìm được một hàng cá chép, trắm, trôi, và mè bơi lờ đờ. Nhìn kỹ thấy đầu chúng có vết chốc, bụng đốm đỏ. Hỏi thì được chị hàng cá giảng giải: “Do vận chuyển nên chúng va đập vào thành thùng đấy mà”.

Nhưng hóa ra không phải vậy. “Đấy là những con cá bị bệnh. Vẩy cá bung ra mà chúng tôi hay gọi là chụt ra, vây rụng, mủn, đốm đỏ ở bụng, chốc đầu, v.v…, đấy là cá bệnh chứ va đập gì đâu”, ông Phạm Văn Quất, chủ nuôi cá giống ở tỉnh Hải Dương, tiết lộ.

Cho động vật ăn gì, người ăn cái đó

“Việc dùng quá nhiều loại thuốc chữa bệnh và kích thích cho cá khiến môi trường nuôi trở thành một bể hóa chất” -  Nhà khoa học trên khẳng định.

Đáng báo động là, những thủ đoạn cũ dùng hóa chất độc hại để tăng trưởng hoặc chữa bệnh cho tôm cá bị chính thức cấm vẫn diễn ra phổ biến. Tại hội nghị an toàn thực phẩm toàn quốc lần thứ nhất tổ chức đầu năm nay, ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cảnh báo: “Lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản đang trở thành quốc nạn. Nên nhớ là ta cho động vật ăn gì là ta ăn cái đó”.

Bên cạnh nạn lạm dụng bột siêu đắng Chloramphenicol và các kháng sinh rẻ tiền diễn ra lén lút, tình tạng bơm chích tạp chất vào con tôm với giá 5.000 – 10.000 đồng/ngày công ở các tỉnh Nam Bộ vẫn chưa ngăn chặn được.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Thủy sản, còn nêu tình trạng sử dụng green malachite, chất có nguy cơ gây ung thư cho người, để chữa bệnh nấm cho cá.

Bà thừa nhận mạng lưới thủy sản hiện có không thể kiểm soát hết sản phẩm thủy sản đầu ra trong khi green malachite vẫn được dùng công khai trong ngành công nghiệp dệt nhuộm mà pháp luật không cấm. 

MỚI - NÓNG