Đêm xòe bản Bó

Điệu xoè bản Bó
Điệu xoè bản Bó
TP - Cách trung tâm thành phố Sơn La chừng 5 km, bản Bó phường Chiềng An thuộc thành phố Sơn La có 255 nóc nhà và 5 dân tộc sinh sống là Thái, Mường, Kinh, Hơ Mú, Khơ Mông. Bất cứ đoàn khách nào đến thành phố Sơn La cũng mong muốn được tận hưởng cái thú theo lời đồn "ăn bản Bó, ngó bản Tông".
Điệu xoè bản Bó
Điệu xoè bản Bó

Ăn bản Bó…

Những năm 90 thế kỷ trước, du khách đến bản rồi lại đi trong nuối tiếc sau khi chỉ chụp ảnh mấy nóc nhà sàn đơn sơ. Trưởng bản Lù Văn Xương cảm thấy có điều gì áy náy lắm. Rượu cần ngon mà không thể mời khách, có bài hát hay có điệu múa đẹp mà không phô bày cùng khách. Thế là theo yêu cầu của khách, ông đã mở một nhà hàng nhỏ tại nhà sàn, đồng thời quy tụ lại đội văn nghệ của bản đến biểu diễn sau khi du khách thưởng thức văn hoá ẩm thực của các sắc tộc.

Trưởng bản cười rất sảng khoái khi biết người ta đồn Ăn bản Bó, ngó bản Tông. Ông giải thích rằng: Ăn bên bản Bó có nhiều món ngon, ăn xong là đi sang bản Tông xem múa mới là “sành điệu”. Con gái bên bản Tông đẹp hơn, múa dẻo hơn.

Sau khi những mâm cơm đãi khách được bày ra trên sàn rộng, khách đã ngồi vào nhưng vẫn còn háo hức thiêu thiếu điều gì. Đó chính là sự xuất hiện của những chiếc áo cóm, tà váy đen tuyền của các cô gái Thái. Các cô vẫn líu ríu dưới chân cầu thang.

Mỗi cô gái Thái như một bông dã quỳ nở rạng rỡ ùa lên sàn chào khách bằng nụ cười tươi tắn như thổi vào bữa tiệc tối trên thung lũng ăm ắp heo may này chất hương đậm đà Tây Bắc. Tôi vội vã hỏi tên. Người ấy rót rượu và khẽ nói: “Theo phong tục thì chén rượu thứ nhất uống để chào nhau, chén thứ hai mới hỏi tên làm quen”. Và, sau những chén đầu làm quen, chủ và khách hiểu biết về nhau rồi thì uống thân mật hơn, có thể là những chén đan tay khát vọng…Thế nên, nhiều kẻ không say vì rượu mà say vì ánh mắt cô gái Thái lúng liếng...

Tuy thay đổi theo thời đại một số nếp sinh hoạt nhưng các phong tục vào ngày tết của người dân tộc bản Bó vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt, vào dịp tết người dân tộc có tục cúng ma nhà. Tết đến, trưởng bản, trưởng họ như ông Xương đi chúc cả làng xóm nếu người ta mời.

Có sáng ông uống đến 40 chén rượu mời!? Tôi lắc đầu kính nể: Làm sao mà xuống nổi cầu thang! Tuy nhiên, với người dân tộc Thái, họ có một món canh giải rượu rất hữu hiệu có tên là lá cây vón vén. Một thứ lá giống lá me, chua chua dìu dịu. Mùa cuối đông này, cũng chính là mùa của cơm Lam của vùng Tây Bắc. Cơm Lam được nấu bằng loại cây có tên là mác nga mới là cơm Lam “xịn”.

Sau khi chẻ ống cơm ra sẽ có lớp áo giấy bọc bên ngoài cơm nếp thơm dẻo- mác nga giống cây nứa, chỉ có vào 2 tháng cuối năm. Trong mâm cơm đãi khách của người Thái còn có một loại gia vị chấm đặc biệt. Đó là loại gia vị gồm ớt nướng, tỏi, muối và hạt mắc khén. Chính vị mắc khén thơm lạ lùng ấy khiến người ta yêu thương Tây Bắc nhiều hơn. Mắc khén - là hương vị đặc trưng của vùng Tây Bắc.

Các cô gái bản Bó chuẩn bị cho đêm xoè
Các cô gái bản Bó chuẩn bị cho đêm xoè .

…Ngó điệu xòe

Sau gần 20 năm làm dịch vụ du lịch tự phát ấy, ông Xương đã xây thêm được nhà sàn mới để đáp ứng lượng khách đến nhiều hơn và cũng đúc rút nhiều kinh nghiệm. Nhà sàn của ông không treo biển quảng cáo nhà hàng, không quảng bá trên các phương tiện đại chúng. Đa số khách đến là vì tiếng lành đồn xa, người nọ mách nước người kia đến bản Bó vừa được ăn lại được ngó.

Ở đó, các cô gái Thái có đôi môi đỏ mọng như trái ớt rừng, đôi má hây hây rực hồng, đôi mắt đắm đuối những hân hoan với vòng xòe rộn ràng trong nhịp xuân về với bản...  

Khi có khách gọi điện đặt cơm và báo trước đối tượng khách là người trẻ hay nhiều tuổi thì ông Xương sẽ chủ động lựa chọn đội mời rượu cho phù hợp với lứa tuổi, hợp câu chuyện. Ông cũng bật mí, để tổ chức một đội văn nghệ trong đêm biểu diễn giao lưu múa xoè như vậy ông có thể quy tụ được các đội ở bản khác trong thành phố nữa.

Riêng đội văn nghệ làm nhiệm vụ “giới thiệu văn hoá nghệ thuật” của bản được tuyển chọn khá kỹ. Trưởng bản Xương cho biết: “Nhiều cô đẹp nhưng không biết múa thì cũng không được. Một điệu xoè múa được thành thục, uyển chuyển và khớp đội với nhau phải tập luyện đến một tháng.

Tôi hỏi đùa, ngoài múa hay hát giỏi còn phải có năng khiếu uống rượu nữa chứ? Trưởng bản cười khà khà gật gật, không ra đồng tình cũng không phản đối.

Chọc sàn bằng… Nokia

Tục chọc sàn hẹn người yêu của người dân tộc trong bản Bó chỉ còn tồn tại trong câu chuyện kể về thời xưa, bởi đến tuổi thanh niên của ông Xương, đã không còn đi chọc sàn nữa. Ngày nay, những nếp nhà sàn bằng gỗ, tre đã thay thế bằng lớp bê tông, lấy đâu ra sàn mà chọc.

Trai gái muốn hẹn hò nhau thường ra hiệu cho nhau “chọc” bằng cái Nokia rồi à! Trưởng bản Lù Văn Xương cũng thừa nhận rằng, lớp thanh niên bây giờ lớn lên trong không khí hội nhập mới, chúng thích học chữ hơn là lấy nhau sớm, nhưng cũng nhiều phong tục gốc theo đó mà mai một đi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG