Đêm theo chân công nhân Hoà Bình đi đo nước

Đêm theo chân công nhân Hoà Bình đi đo nước
(TPO) 1 giờ sáng. Cả thị xã Hoà Bình chìm trong giấc ngủ. Anh Bùi Văn Thuỵ (Phân xưởng Thuỷ Lực, Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình) ngừng đốt thuốc, giục chúng tôi xuống hồ “bắt mạch” nước....

Chiếc đèn pin trên tay anh Thuỵ vụt sáng, xé toạc màn đêm nơi núi rừng tĩnh mịch. Men theo “con đường ánh sáng” loang loáng, chúng tôi cẩn trọng nhấc từng bước chân theo người công nhân đi làm công việc mà suốt hơn 5 năm qua anh đã và đang gắn bó: Đo mực nước hồ Hoà Bình.

Năm nay 45 tuổi, dáng người to, đậm với màu nước da ngăm đen vì nắng, vì mưa, vì sương, vì gió, anh Thuỵ là một trong những người “say nghề” đo nước. Trong đêm tối, anh luôn miệng nhắc chúng tôi cẩn thận: “Mùa cạn, nước xuống sâu thế này, lòng hồ trơ ra đủ thứ chướng ngại vật: Nào đá to, đá nhỏ, nào củi, gồ, nào dây rợ... Đó là chưa kể đến rắn rết giờ này thường bò ra bờ hồ... hóng mát. Anh em đi khéo, cẩn tắc vô áy náy mà...”.

Sau khoảng 15 phút dò dẫm, cuối cùng chúng tôi cũng đến được mép nước. Từ xa, gió ngoài hồ thổi vào lồng lộng. Hơi nước bốc lên xua tan không khí oi bức của mùa hè. Từng con sóng nối đuối nhau vỗ bờ ì oạp. Cùng với tiếng cú mèo, tiếng chim lợn, tiếng âm u, tĩnh mịch của rừng rú va vào núi đá vọng lại làm cho “bản giao hưởng” đêm nơi đây thật đặc biệt.

Xắn quần lên đến đầu gối, anh Thuỵ mon men đến 2 chiếc thước 1,2m cắm dưới nước. Vừa thao tác đo đạc dưới ánh đèn, anh Thuỵ vừa giải thích: Mực nước đo được dưới hồ đem cộng với cao độ gốc sẽ ra mực nước hiện tại của hồ.

Cụ thể, trong trường hợp này (1 giờ sáng ngày 5/6), mực nước của hồ Hoà Bình là 79,77 m, vẫn còn cách mực nước “sống” 23 cm...

Sau một hồi hì hục vượt đường lên đến “chốt”, vào sổ xong số liệu, những thông tin của mực nước hồ được báo ngay về trưởng ca và tổ trực thuỷ văn nhà máy. Đó là những thao tác cơ bản của một lần đo nước.

Theo lời anh Thuỵ, ngoài anh Đỗ Quang Trường quanh năm sống với nghề đo đạc đặc biệt này, trong tình trạng “nước sôi lửa bỏng” hiện nay, tổ quan trắc được tăng cường thêm 3 người nữa là các anh Bùi Văn Thuỵ, Đỗ Văn Việt, Nguyễn Mạnh Thắng.

Ban ngày, cứ khoảng 3 giờ là người trực nước phải xuống lấy số liệu một lần. Đêm là khoảng 1 - 2 giờ. Tuy nhiên, vào mùa lũ, ngoài việc tăng cường 2 người trực 24/24, cứ 15 phút là phải xuống “cập nhật” mực nước, bất kể trời nắng hay mưa, mùa đông hay mùa hè, trời mưa to hay nắng ráo...

Nhấp chén trà đặc nóng hòng xua đi cơn buồn ngủ, anh Thuỵ ước tính, từ chốt trực xuống “hiện trường” khoảng 300m. Cả đi lẫn về là 600m. Mỗi đêm đi đo nước 6 lần là phải quốc bộ khoảng 3,6km đường gập ghềnh hiểm trở với 188 bậc cầu thang dốc dựng đứng. Những bậc cầu thang này chính là điểm nối giữa “chốt” quan trắc ở độ cao 136 m với mặt nước hồ.

Khổ nhất là những đêm mưa to, gió lớn. Gió trên hồ to và nhanh kinh khủng. Chúng thi nhau quật tới tấp vào mặt, vào người như muốn hạ đo ván đối thủ.

Rồi khi nước lên nhanh ngập cả thước đo, người trực lại phải vứt đèn trên bờ, cởi quần áo, lội bì bõm dưới nước để tháo thước, nếu không nước sẽ cuốn đi mất. Những lúc chạy đua với nước như thế mới ngấm hết được ý nghĩa của câu “nhất thuỷ nhì hoả”.

Thậm chí không ít lần, đang thao tác nghiệp vụ, những nhân viên đo nước còn vớ được... xác chết đuối bị "thần hồ" bắt đi trôi rạt lều phều trên mặt nước.

Bằng một giọng trầm đục, anh Thụy nhớ lại: Đó là một tối mùa hè lộng gió. Vừa lội xuống đo nước liền thấy... buồn buồn ở chân. Trong ánh đèn mờ mờ ảo ảo, tưởng là khúc gỗ vớt lên, ai dè, đến khi soi vào mới... dựng ngược tóc gáy: Một cái xác người.

"Lúc ấy thật sự cũng giật mình hốt hoảng, nhưng sau trấn tĩnh lại liền gọi điện thông báo cho chính quyền địa phương tìm người nhà để an táng cho người xấu số. Thôi thì nghĩa tử là nghĩa tận...".

Vui buồn cùng mực nước

Đêm theo chân công nhân Hoà Bình đi đo nước ảnh 1
Anh Đỗ Quang Trường gọi điện báo mực nước về nhà máy.

Trong số 4 anh em hành nghề đo nước, anh Đỗ Quang Trường là người có thâm niên nhất. 20 năm trong nghề công nhân là ngần ấy năm anh ăn trực nằm chờ cùng con nước.

Ngày phải đo nước. Đêm cũng đo nước. Mùa đông, mùa hè đều... đo nước nên anh Trường rất hiểu tính tình của con nước khi vơi, lúc đầy nơi đây. Anh bảo, chưa bao giờ mực nước Hoà Bình lại ở ngưỡng dưới “chết” lâu như hiện nay.

Đến như năm 1997, tuy mực nước hồ Hoà Bình xuống đến mức kỷ lục: 75,77m (chỉ còn 77cm nữa là nhà máy phải ngừng hoạt động), nhưng cũng chỉ vài ngày ngắn là có lũ về. 

Thời điểm nước hồ Hoà Bình đạt ngưỡng “sống” vào đúng ca trực của anh Đỗ Quang Trường. Dù đã nhiều năm trong nghề nhưng anh cũng háo hức cùng chúng tôi đón chờ mực nước nhích lên từng cm. 17giờ 01: mực nước lên 80,01m, rồi 80,02m; 80,03m… Anh Trường vui mừng nói, đây là một trong những thời khắc khó quên trong nghề đo nước của mình.

Còn năm nay, nước “chết” quá lâu. Chúng tôi cũng đang mong lũ về từng  giờ, từng phút để kéo mực nước lên ngưỡng “sống”, chứ cứ thế này thì buồn lắm...

Nét mặt anh có phần căng thẳng khi nhắc đến tình trạng thất vọng của mực nước hồ Hoà Bình. Suốt 20 năm qua, những trạng thái tình cảm lo lắng, vui buồn trong công việc của người đo nước như thế đều đan xen lẫn lộn trong  anh.

Ang Trường tâm sự, làm nghề này khổ nhất là vào mùa lũ. Khi đó, nước thường về rất nhanh và tình hình thường phức tạp. Nếu không cẩn thận sẽ không chỉ bị cuốn theo chiều gió mà còn bị cuốn theo… dòng nước. Đôi khi, xảy một li là “đi”… cả mạng người chứ chẳng bỡn. Vì vậy, vào mùa này, thông thường phải có 2 người trực, hỗ trợ lẫn nhau. Cứ thế, ngày này qua tháng khác, anh em cùng nhau canh nước, vui vì nước, buồn cũng vì nước...

4 giờ kém. Câu chuyện hấp dẫn xoay quanh công việc của những công nhân đo mực nước ở hồ Hoà Bình bị cắt ngang bởi tiếng chuông đồng hồ hẹn giờ báo hiệu đã đến lúc đi “tuần” nước. Uống vội chén trà đã nguội, châm nhanh điếu thuốc, anh Thuỵ lại xách đèn vượt qua 188 bậc thang và 3,6 km đường đi đo nước. Phía xa xa, bình minh đang dần lộ...

MỚI - NÓNG